ẨM THỰC HÀN QUỐC

  1. Homepage
  2. Chuyên mục
  3. Ẩm thực đó đây
  4. ẨM THỰC HÀN QUỐC
Han-quoc

ATĐĐ 4_ ẨM THỰC HÀN QUỐC

Tiếp theo các bài ATĐĐ1 và ATĐĐ 2 giới thiệu về những đặc sản ẩm thực ở nước Trung Hoa cạnh đất nước chúng ta , vang bóng một thời; ATĐĐ3 giới thiệu với các bạn đặc sản ẩm thực Nam Mỹ, thuộc một vùng đất xa xôi, ở tận bên kia bán cầu, mà tôi đã có dịp thưởng thức nhân chuyến công tác cùng đoàn công tác Sở GTVT TP. HCM và WB, vào các ngày 14-25/11/2010.

Kỳ này chúng tôi xin quay về giới thiệu với các bạn ẩm thực của Hàn Quốc, một nước chỉ cách chúng ta chừng 4 giờ bay, nhưng cũng khác biệt với chúng ta khá nhiều, mặc dầu giữa chúng ta và họ có chung một nguồn gốc văn hóa, nên có thể gọi là những nước“đồng văn”!

Giới thiệu một chút về Hàn Quốc,

Nơi đến của Đoàn chúng tôi là Cộng hòa Hàn Quốc, một quốc gia nằm ở phía nam bán đảo Triều Tiên, thuộc khu vực Đông Bắc Á, ba bề giáp biển, phía Bắc giáp CHDCND Triều Tiên, phía Nam cạnh Nhật Bản, phía Tây là Hòang Hải, hình dáng cũng hao hao giống chữ S của Việt Nam ta. Diện tích khỏang 100.000 km(bằng 1/3 Việt Nam) và dân số khoảng 48 triệu người (bằng 60% dân số Việt Nam).

Hàn Quốc có tên đầy đủ là Đại Hàn Dân Quốc, còn được gọi là Nam Hàn, Nam Triều Tiên, hay Đại Hàn.Từ những năm 1960 Hàn Quốc thuộc những nước nghèo trên thế giới GDP/người chưa tới 100 USD. Nhưng ngày nay, đã trở thành cường quốc kinh tế thứ 11 trên thế giới, với tổng GDP lên đến 680 tỷ USD (bằng 10 nước ASEAN cộng lại!).

Hàn Quốc hiện nay còn là quê hương của các tập đòan kinh tế lớn như LG (điện tử, đông lạnh), Samsung (điện tử , viễn thông), hoặc về ôtô có những đại gia như Huyndai (ôto, tàu biển), Daewoo (ôto, điện tử, khách sạn), Kia (ôtô)…

Thủ đô Hàn Quốc là Séoul, còn gọi Hán thành.Seoul nằm ở Tây bắc Hàn quốc, có dòng sông Hàn chảy qua chia hai thành phố, phía Bắc là Gangbuk (giang bắc?), phía Nam là Gangnam (giang nam). Tên Séoul bắt nguồn từ một từ cổ là Seorabeol, theo tiếng Hàn có nghĩa là kinh đô.

Séoul  được chọn làm kinh đô từ thế kỷ 14, hiện nay có diện tích khỏang 607 km2 (1/3 diện tích TP.HCM) , dân số gần 11 triệu người (gần gấp 2 lần dân số TP.HCM), nhưng được được xếp trong “top 20” các thành phố tòan cầu. Khẩu hiệu của quốc gia này là“Rộng lượng mang lợi ích đến cho nhân lọai”.

Nhân dùng từ Đại Hàn ta cũng cần biết thêm một chút về hai từ Đại Hàn (đồng âm với Đại Hàn tên nước) và Tiểu hàn để chỉ về thời tiết. Đại hàn là tiết khí thường xảy ra vào ngày 21/1(+-1) là thời điểm khi mặt trời ở kinh độ 300.Trước Đại hàn là Tiểu hàn (ngày 6/1+-1), sau Đại hàn là Lập Xuân. Đại hàn chỉ thời tiết cực lạnh nhưng cũng có ngọai lệ là nếu ở thời điểm Tiểu hàn đã quá lạnh thì Đại hàn chỉ lạnh vừa thôi!

Ẩm thực Hàn Quốc,

Bữa ăn và cung cách ăn uống,

Bữa ăn Hàn Quốc có khá nhiều khác biệt với bữa ăn Việt Nam.Không sử dụng tô, chén chỉ dùng để đựng cơm, còn ăn hoặc trực tiếp trong thố hoặc sử dụng một loại đĩa cao – nửa chén, nửa đĩa. Riêng các thố, họ có một công nghệ chế tạo rất đặc sắc là giữ nóng rất lâu. Đũa thường làm bằng inox, không tròn mà dẹp rất khó gắp. Đũa-muổng-thìa… thường được đặt trong một hộp gỗ để sẵn trên bàn, rất ít gặp đũa, muổng bọc trong giấy.

Bữa ăn nào hình như cũng có ớt xanh, tỏi chua, tương, hành trộn. Rau thì có salad, loại lá mè (#r rau kinh giới ở ta nhưng to gấp 5-7 lần), còn hành thì to ngoại khổ (cây hành cao gần 1m!), đặc biệt là tô nước màu đục như nước gạo rang, mùi đậu nành, ngâm cùng mấy củ cải trắng và cộng hành, hương vị hơi khó chịu đối với những ai chưa quen, nhưng họ dùng như món canh và khi hỏi họ còn giải thích là dùng để giải  say cho những ai khi quá chén.

Cung cách ăn uống là vào quán phải cởi giày, chủ yếu ngồi xếp bằng (điều mà ta tối kỵ do giò dài, ăn xong đôi chân tê, đứng không được, nên thường mất ngon), chính vì thế nên hôm nào được ngồi vào bàn ăn là một hạnh phúc cho mình! Các sàn thường làm bằng gỗ và được sưởi nên khá ấm áp.

Thức ăn – Kim chi,

Kim chi (Kimchee, Kimchi) là biểu tượng của Hàn Quốc, đó là điều hình như ai cũng đồng tình.Thế nhưng còn hơn thế nữa khi người ta cho rằng Kim chi is synonymous with Korea hoặc Kim chi là Spice of Korean life. Ngày nay, Kimchi còn mang tính quốc tế khi trên báo chí sử dụng những cụm từ “ngọai giao kim chi”, “hội chứng kim chi”, “cơn sốt kim chi” trong cuộc tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Hàn quốc ỏ World Cup 2002, ở APEC Seoul 2005 và không chút ngẫu nhiên khi vào tháng 3/2006, Tạp chí Sức khỏe Mĩ, đã bình chọn Kim chi là một trong năm món ngon nhất thế giới!

Chính có lẽ vì thế mà cho đến nay, người Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục hợp tác với người Nga, để hy vọng vào tháng 4 năm 2008, họ sẽ gửi phi hành gia Hàn Quốc đầu tiên lên vũ trụ với mong muốn đưa kim chi vượt khỏi địa cầu, trở thành món ăn quốc tế tựa như người Hoa Kỳ năm 1972 đã đưa thành công món ăn phổ thông của họ Ham sandwiches lên vũ trụ một cách an toàn!

Kimchi càng có gía khi các công bố của y học ngày càng khẳng định: …“dùng Kim chi vừa ngon miệng, vừa giúp giảm cholesterol, giảm cân”,  đặc biệt có nghiên cứu gần đây cho rằng “ dùng Kimchi giúp ngăn ngừa ung thư, ngăn ngừa cúm gia cầm, SARS…” Từ năm 1900 khi loại hạt tiêu đỏ xuất hiện ở Hàn quốc thì màu đỏ của tiêu và vị cay của ớt là hai nét đặc trưng mang tính chất truyền thống của Kim chi.

Tạp chí “Good morning” của Hàn Quốc giới thiệu đến 40 công thức chế biến Kimchi nhưng tựu trung chủ yếu kimchi là món được làm từ cải bẹ xanh, bắp cải, dưa chuột, dưa leo… với muối, gừng, tiêu, ớt xay, hành lá…nó có ở cả Nhật Bản, Trung Quốc, hay Việt Nam (mắm dưa gang) nhưng Kim chi  vẫn nổi tiếng nhất là đặc trưng của ẩm thực Hàn Quốc, ở quốc gia này nó được làm từ cải bắc thảo (bách thảo?) còn gọi là bắp cải trắng Trung Hoa – China cabbage?.

Có hai lọai kim chi. Kim chi ăn liền chế biến rất đơn giản.Chỉ cần chuẩn bị các loại rau, đậu ưa thích rửa sạch và trộn giấm, đường, muối và ớt… để 30’ sau là dùng được. Thế nhưng lọai kim chi này chỉ để trong vòng 5 ngày. Quá thời hạn này Kim chi sẽ bị chua và nhũn! mất vị chua và gion vốn có. Đặc biệt, vào mùa lạnh, có món rau cải vừa có vị mặn – vừa có chút cay, thì còn gì thú vị bằng!

Còn loại kim chi dùng lâu ngày, phải chôn dưới mặt đất trong một thời gian dài để lên men mới là lọai xuất sắc! Ở vùng lạnh phía Bắc người ta dùng ít muối, còn vùng nóng phía Nam dùng nhiều muối hơn để giữ rau tươi, ngon hơn.

Bên cạnh món Kim chi dưa chua nổi tiếng, ở Hàn Quốc còn có cả Mì ăn liền Kim chi mà ngày nay đã có mặt không chỉ trong bữa sáng, bữa trưa mà còn cả trong bữa tối giống như Mì ăn liền ở Việt Nam! Mì kim chi rất cay giống như món bún bò Huế Việt Nam! thực chất đây là lọai mì sợi ăn kèm với kim chi.

Thích kimchi, mê kimchi nhưng ít ai biết Kim chi đã được vào hộp lần đầu tiên khi nào? Thực ra, nó có từ thời Korean wars! khi người ta lo trang bị cho các chàng trai ra trận món ăn truyền thống ngàn năm của mình. Hàng năm Kimchi còn được Công ty sản xuất thực phẩm Yakult tổ chức thành “Ngày hội kimchi cho người nghèo” trước tòa thị chính Busan. Viện nghiên cứu thực phẩm Hàn Quốc đã công bố mỗi người Hàn quốc dùng khoảng 80gam Kimchi /ngày, chắc là mức kỉ lục của thế giới rồi!

Đến tháng 11/2006 một tin buồn cho Kimchi Hàn Quốc khi Kimchi Trung Quốc đổ bộ vào Hàn Quốc: “Cheap Chinese kimchi surges here; may cause first-ever trade deficit”- Joong Ang nhật báo đã loan tin như thế. Còn Trung Quốc thì năm nay mùa cải thảo ế thừa đến mức phải có chiến dịch hỗ trợ cho những nhà vườn trồng lọai rau này!

Gimbap,

Thật ra Gimbap được nói đơn giản hơn là món cơm gói lá rong biển và trứng, là thực phẩm bổ dưỡng và được chế biến thành những món như trứng chiên, trứng ốp la,…toàn là những món khá quen thuộc dễ ăn.Nó trông giống như món Shushi của Nhật nhưng người Đại Hàn họ không công nhận điều đó dồng thời họ giải thích lại rằng Gimbap thường to hơn nhân gồm nhiều thực phẩm hơn và như một bữa ăn thực sư!

Bimbim bap,

Thực ra đây là món cơm trộn , cơm d8u75ng trong chén đá đủ các màu sắc trông rất bắt mắt và thường thì người VN ăn không hết!

Galbi,

Tức là món sườn nướng, thường là sướn bò hoạc heo bọc trong giấy bạc và nướng lên, rất thơm ngon vì có cả bơ!

Dồi huyết,

Tương tự như dồi huyết VN ta, nó được là từ huyết heo với rau thơm và miến, khi ăn chấm với tương ớt hoặc muối tiêu!

Gà hầm sâm,

Chuyến dếm Hàn Quốc lần đầu tiên Tôi chỉ hân hạnh được thưởng thức món trứng gà ăn sâm nhưng lại rất tiếc là chưa thưởng thức được món gà hầm sâm nghe đâu cũng là đặc sản rất đáng ghi nhận như gà chỉ nuôi trong vòng 90 ngày ở một vùng chỉ định và chỉ ăn rể sâm…Thế rồi khi có dịp dến Đại Hàn các lần thứ 2, 3 Tôi đã có dịp thưởng thức món này qua tour du lịch, cũng như theo các đòan công tác.

Gà tần sâm là món ăn được miêu tả là “dĩ nóng trị nóng“, thịt gà ngăn được cái lạnh vào bên trong cơ thể và các chất còn lại như: nhân sâm, tỏi, táo ta bổ sung năng lượng. Trong những ngày mùa hè nóng bức nhất, vào khoảng giữa tháng 6 và tháng 7, người Hàn Quốc thường bổ sung năng lượng với món gà tần sâm.Nếu ở Hàn Quốc vào những ngày này, các bạn có thể tận mắt chứng kiến cảnh mọi người xếp hàng dài dằng dặc trước những nhà hàng gà tần sâm.Khách du lịch chúng tôi thường phải đặt món trước. Chỉ tiếc là nếu ăn theo chương trình tour thì củ sâm rất nhỏ! Còn nếu chúng ta đi du lịch theo nhóm thì tha hồ ăn và thường là ít ai ăn được một con gà như thanh niên Hàn!

Nguyên liệu chính của món gồm:  gà nguyên con, gạo nếp, nhân sâm tươi, táo tàu, hạt dẻ, hành hoa, muối, tỏi, chút cam thảo và hoàng kỳ cho nước dùng.Theo các người sành điệu kể lại thì:  “Sau khi lọc bỏ nội tạng và mỡ thừa bên trong con gà cùng các loại nguyên liệu, nhồi vào bụng gà gạo nếp, sâm, tỏi, và táo ta.Lấy dao khứa một khe trên da chân và bắt chéo chân gà để giữ bên trong”. Cho gà và nước đậu tằm sữa vào nồi và đun trong khoảng 1 giờ. Không nên đun gà quá lâu vì có thể bị nát và mất vị. Gà được đun trong nồi giữ nhiệt, gạo nếp cũng vừa chín tới.

Món gà tần sâm được bê ra, mở nắp nồi hương thơm ngào ngạt.Gà chín vừa, thịt không bị nát, bở. Nước dùng ngọt quyện vị ngọt của củ cải, vị ngọt của thịt gà, thơm vị táo, vị sâm và gạo nếp.Ăn gà tần sâm nóng hổi, ăn đến đâu thấy khỏe khoắn đến đấy, từng thìa canh ngọt, từng miếng thịt gà đậm vị, từng thìa cháo, miếng ngon đến giọt cuối cùng; chỉ tiếc nước chấm Hàn Quốc thiếu xì dầu và nước mắm nên bạn nào chịu khó mang theo 2 bửu bối này thì món gà hầm sâm càng trở nên tuyệt kỷ!

Thức uống- Rượu Sochu,

Soju – hay dịch theo nghĩa Hán có nghĩa là “thiên tửu”, được sản xuất bằng cách chưng cất từ thành phần chính là gạo và kết hợp với các nguyên liệu khác như khoai lang, lúa mì, lúa mạch, bột sắn hột…, rượu có nồng độ cồn phổ biến từ 18% đến 45%, ở Việt Nam phổ biến nhất là loại 18 %, 19%, rượu có màu trong suốt, vị rất giống Vodka nhưng có phần ngọt và dễ uống hơn.Soju hiện đã trở thành một trong những thức uống phổ biến nhất tại Hàn Quốc. Soju thường được uống bằng loại ly thủy tinh thấp và dày, ở Việt Nam thì hay ướp lạnh và dùng với các món nướng hay hải sản.

Nếu Liên xô có Vodka, Việt Nam có rượu đế, Nhật Bản có Saké thì Hàn Quốc có rượu Sochu. Rượu Soju (Sochu), rất nổi tiếng với 6 hương vị khác nhau: ngọt – chua – đắng – mặn –  cay và gắt  nó thay đổi tùy theo nhiệt độ của rượu. Nó có thể uống lạnh hoặc nóng như rượu Saké Nhật, nhiệt độ lý tưởng để thưởng thức lọai rượu này là 6-15o .

Qua phong cách chuốc rượu của các mỹ nữ Hàn mà chúng tôi đã gặp gỡ (temp hai, sau bữa ăn thịt nướng buổi tối ở nhà hàng, cạnh công ty Mr Yoo), ta phát hiện ra người Hàn Quốc uống rượu như một nghi thức ngọai giao và có qui tắc riêng:

–         Người lớn uống cạn thì người nhỏ phải cạn;

–         Ta không tự rót vào ly mình mà ta rót cho người khác và  người khác lại rót cho ta;

–         Khi rót rượu tay phải cầm bình và tay trái giữ lấy khủyu tay phải…

Hôm cuối cùng trước khi rời Hàn Quốc, Mr Thái – một Việt kiều đã họat động ở đây gần 10 năm – đã chiêu đãi chúng tôi món cá (món mà theo Thái chỉ dành cho hạng cấp cao – hàng ngũ giám đốc trở lên, còn  thịt chỉ là món bình thường) theo phong cách Hàn Quốc: Trước khi ăn món cá chính với Sawabi Hàn (chỉ cá biển – không có cá sông), họ dọn ra từ 5-10 món, thường là món phụ tùng mà chủ yếu là kim chi các loại như nấm, bắp xào, củ cải, bắp cải, mực tươi, rong biển khô (dùng như bánh phồng tôm hoặc bánh tráng của ta)…Trong đó, có loại hải sâm biển, một loại giống Việt Nam, còn có loại như con giun trông rất ngại!  hoặc món ghẹ muối kim chi (họ không có cua?) giống như món ba khía Việt Nam nhưng ít mặn hơn và hương vị không xuất sắc bằng! Còn một kiểu cách khác là sau khi ăn gần hết món lẫu, nếu muốn ăn cơm ta cứ yêu cầu, họ sẽ xào thành món cơm chiên. Tối đó, do no quá nếu không ta đã có dịp thưởng thức rồi!

Ngoài ra, chúng tôi có dịp tận mắt chứng kiến cảnh con gái cũng dùng Sochu không kém con trai, giống như lần đầu tiên ra Hà Nội khi nhìn thấy các cô gái Hà thành ngồi xếp bằng trên chiếu hoặc trên phản gõ xơi cầy tơ; đồng thời cũng tận mắt nhìn thấy cảnh đàn ông Hàn uống rượu choảng nhau khá vui: đánh cứ đánh, mọi người chung quanh chẳng quan tâm; sau khi can ngăn lại bắt tay nhau ngồi uống tiếp, cũng là một nét riêng!

Còn bia? Theo Thái, sau khi uống rượu những bạn thân tình thường dùng deuxième temp đi uống bia. Hàn Quốc chỉ có hai hiệu bia nổi tiếng đó là bia OB hoặc bia Hite,  tựa như bia Sài Gòn ở ta. Bia tươi chỉ sử dụng trong ngày. Phần còn lại cứ để trước nhà sẽ có cơ quan bia đến lấy đem đi? Nam cũng là một kiện tướng uống rượu nhưng tối này lại giữa đường gãy gánhgiống như ta hôm đầu tiên khi đi “temp 2” đã “lúy túy bất qui lộ” nên đã không tận hưởng được trọn vẹn những hương hoa Hàn Quốc.

Café Hàn,

Lẽ ra ở xứ lạnh người dân thường dùng café như ở Đà lạt, Ban Mê-Việt Nam, để thưởng thức thú ngồi co ro trong chiêc áo len, nhâm nhi từng ngụm café nóng-nghi ngút khói. Thế nhưng ở Hàn Quốc, vào buồi sáng thứ bảy-ngày cuối tuần- trong khi chờ làm việc với Bạn, chúng tôi đã rủ nhau đi tìm café sáng. Đã 10 giờ sáng TP còn vắng hoe, chợ chỉ lai rai mở cửa.Cuốc bộ qua 5-7km, chúng tôi mới tìm được một quán bán café hiệu Hollys Coffee. Tuy không gian nhỏ nhưng với ưu thế mặt tiền và cách trang trí theo kiểu tự phục vụ, khá bắt mắt.Thực khách không nhiều. Gần một tiếng đồng hố lưu lại đây, quán chỉ có một người duy nhất là cô gái trẻ -hình như đang xem lại bài và chờ đợi tình nhân? Còn chúng tôi dùng 3 cốc café pha sẵn- không nghi ngút khói nhưng nóng rất lâu-suýt phỏng lưỡi! giá cả khá đắt: 3 – 4.000 won/ly tương đương với 70.000đ/ly! Nhưng hương vị thì khó mà sánh nổi với một ly café quạu Trung Nguyên Ở TP.HCM, xếp vào loại đắt cũng chỉ 20.000đ!

Đặc sản nổi tiếng khác- Sâm Cao Ly,

Đến Đại Hàn mà không đề cập đến sâm Cao Ly là một thiếu sót lớn! Sâm là lọai dược thảo đã được Đông y nói chung biết từ hàng nghìn năm và xếp vào lọai dược thảo quí, được sử dụng như một thần dược cho nhiều chứng bệnh hoặc dùng để bồi bổ sức khỏe. Nó có ích rất lớn cho những người cao tuổi, sức khỏe yếu nhờ có chất saponins giúp tăng cường sinh lực và tăng cường hệ miễn nhiễm.

Về ngữ nghĩa, từ Panax trong Panaxgingseng có nguồn gốc từ Panacena trong tiếng Hy Lạp và có nghĩa là thuốc trị bách bệnh.

Về phân lọai sâm, có nhiều cách.Nếu căn cứ vào nguồn khai thác chúng ta có dã sơn sâm (mọc tự nhiên còn gọi là sâm rừng- dáng nhỏ, chỉ có 1-2 nhánh, rất ít trường hợp 3 nhánh; râu sâm dài dai, có nốt trân châu rất rõ), nguyên sâm (được gieo trồng và còn gọi là sâm vườn).

Còn căn cứ vào nguồn gốc địa lý thì có sâm Trung Quốc (Cát lâm sâm, Liêu sâm), Sâm Triều Tiên, Nhật Bản? (Cao ly sâm), sâm Mỹ (Tây Dương sâm), sâm Việt Nam (Ngọc linh sâm) – loại sâm được đặt tên là Panax Vietnamensis, cũng khá đặc biệt vì ở phương nam nắng ấm!…

Căn cứ vào cách thức chế biến thì có sinh thái sâm (để nguyên vỏ, rửa sạch đất-cát rồi phơi khô), đại lực sâm (khi chế biến nhúng vào nước sôi vài phút rồi lấy ra phơi khô)hồng sâm (loại củ to, thường 37 g trở lên, bỏ rễ-râu, sấy khô mà thành còn gọi là thạch trụ sâm)bạch sâm (loại không đủ tiêu chuẩn để chế biến thành hồng sâm, ngâm tẩm trong nước đường đặc còn gọi là đường sâm, sau chế biến dược liệu có màu trắng ngà-nên có tên là bạch sâm)cáp bì sâm (trước tiên ngâm trong nước sôi, sau ngâm trong nước đường loãng).

Ngoài ra, còn có trà sâm, sâm lát, sâm viên nang, tùy theo công nghệ bào chế.

Trên thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều lọai sâm như sâm Mỹ,sâm Trung Quốc, sâm Triều Tiên, sâm Việt Nam… nhưng sâm Hàn Quốc vẫn được đánh gía là lọai tốt nhất với lọai sâm đỏ Cheong Kwan Jang nhờ khí hậu,chất đất và công nghệ chế biến…

Nhân nói sâm Cao Ly ta không thể nói đến sâm Hoa kỳ.Tuy sinh sau đẻ muộn, mới nổi tiếng chỉ khỏang một trăm năm nay nhưng sâm Hoa Kỳ nhờ có công nghệ hiện đại và qui mô tài chính lớn nên họ vẫn đang ngày càng tạo vị thế cho mình.Điểm khác biệt chính giữa hai lọai sâm này là sâm Đại Hàn có tính kích thích nhiều hơn, nóng hơn nhất là lọai hồng sâm.Còn sâm Hoa kỳ mát hơn.

Nhưng sâm không phải là liều thuốc thần kỳ như nhiều người thường nghĩ mà cũng phải có những chống chỉ định nhất định như không được dùng trong các trường hợp áp huyết cao, bệnh nhiễm trùng cấp tính, sốt cao, lên cơn suyễn …hoặc tuy cũng chất chiết xuất từ sâm (ginsenosides) nhưng dùng đúng loại thì nó trị được ung thư hoặc ngược lại nó còn đẩy nhanh quá trình ung thư!?

Về nuôi trồng, Sâm thích hợp với vùng đất cát xốp, đặc biệt là về thời tiết không được nóng quá, đồng thời mỗi năm ít nhất phải có vài tháng thật lạnh gía, để cây ngủ đông -ngủ yên không tăng trưởng.

Cũng là sâm nhưng Sâm rừng, tuy vóc dáng nhỏ (dài 5-7cm, đường kính thân chừng vài cm) nhưng giá cả luôn đắt hơn sâm trồng 10-20 lần (300-400 USD/pound), nhờ họat chất ginsennosides cao và do người ta nghĩ rằng cây lớn lên từ thiên nhiên khắc nghiệt  bao giờ cũng có giá trị hơn!

Ở Hoa Kỳ trồng nhiều nhất ở Wisconsin, còn bắc Mỹ có thêm vùng Ontario và British Columbia của Canada.

Còn sâm Việt Nam thì sao? Năm 1999, Hàn Quốc và Hiệp hội sâm quốc tế đã kết nạp Việt Nam vào thành viên thứ 44 của Hiệp hội sâm quốc tế. Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có hai cơ sở được phép nhập trực tiếp sâm đỏ (còn gọi là Hồng sâm-Red gingsen) của Hàn Quốc là XN Dược phẩm TW2 và công ty Tài Thịnh, Q10-TP.HCM.

Sâm Việt Nam thường có các lọai như: Đảng sâm, Thổ cao ly sâm-Đông dương sâm, Sâm bố chính, sâm Đại hành – kiệu đỏ, Nam sâm...thường xuất hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc hoặc các tỉnh Tây nguyên như Đà Lạt, Kon Tum…

Nhân nói về sâm Cao Ly và sâm Việt Nam ta không thể không nói tới lòai chim Sâm Cầm (-một loại chim ăn sâm  black coot), có nguồn gốc từ Cao Ly qua truyền thuyết người con gái của ông thợ săn đã có công tìm tung tích của một lòai chim và phát hiện ra cây nhân sâm (có thân và rễ mang dáng con người) nên đã cứu sống sinh mạng của cả một làng do bệnh dịch gây ra.

Đây là loài chim trung bình nặng từ 400-500g, đầu và cổ chim lông đen, bụng và lưng màu xám chì, có nguồn gốc từ Trung Quốc, Triều Tiên; mùa đông thường bay về tránh lạnh ở vùng Nghi Tàm Hồ Tây-Hà Nội.

Chính vì thế mà ở Việt Nam  lòai chim Sâm Cầm đã đi vào nhạc của Trịnh Công Sơn trong bài “Nhớ mùa Thu Hà Nội” với câu “…Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời… ”liên quan đến Vùng Hồ Tây-Hà Nội, hoặc liên quan đến câu chuyện chim (Sâm Cầm), cá (Anh Vũ) tiến vua-Tự Đức (chuộng dùng vì ông vốn bị suy nhược cơ thể-sinh lực yếu, trong khi thịt chim Sâm Cầm có tính tráng dương, kiện tính, ích thần!) qua câu ca dao: “Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm; Cá rô đầm Sét, Sâm cầm Hồ Tây”.

Tuy Hàn Quốc là vương quốc của sâm nhưng dược phẩm về sâm thì sản phẩm Ginsuna của công ty dược Pharmaton Thụy Sĩ vẫn đứng hàng đầu thế giới.Vài năm gần đây Hàn Quốc đã cố gắng đầu tư cho sản phẩm SunSam được chế biến từ chất ginsenodsides để trị bệnh ung thư là một cố gắng mới nhằm vươn tới vị trí hàng đầu!

 (LTT -20/4/2016)