BÌNH ĐỊNH – QUÊ HƯƠNG TÔI

  1. Homepage
  2. Chuyên mục
  3. Giao thông vận tải đó đây
  4. BÌNH ĐỊNH - QUÊ HƯƠNG TÔI
H16

GIỚI THIỆU MỘT CHÚT VỀ ĐOÀN

Trước đây, ở chuyến Du Xuân Canh Tý ngay sau Tết Âm lịch, dự kiến chỉ gồm nhóm 8 người, bao gồm: vợ chồng bạn sáu Lèo, vợ chồng anh Phượng (4 người); Tính; Điểm – Cty Phương Trang và Bảo – Trung tâm GTCC, cùng với Lái xe, vị chi là 8 người & tất cả đã OK nhưng giờ chót, do đại dịch Covid-19 nên đành dừng lại!

Mãi đến hôm Anh em CLB gặp lại vào lần đầu tiên sau dịch Covid-19 (ngày 08/05/2020), ở buổi ăn sáng tại Thuận Kiều lẩu đầu cá, anh em nhắc lại và đã được mọi người thống nhất cần tái khởi động lại, thành chuyến “Du lịch Hè 2020” với thành phần hùng hậu hơn!

Thành phần kỳ này, tuy vắng 2 bạn Điểm và Bảo nhưng lại được  mở rộng thêm:

  • Vợ chồng anh Phượng –Chị Ba, nguyên giám đốc Sở GTVT TP.HCM;
  • Vợ chồng anh Thông – Chị Chi, nguyên CT HĐQT Tổng Công ty Samco;
  • Vợ chồng bạn sáu Lèo – Cô Vân, CT HĐQT Công ty Transerco;
  • Vợ chồng bạn Tâm – Kiều Vân, nguyên TPĐH – BX Miền Tây;
  • Vợ chồng bạn Hiệp – Hoa , nguyên TP bán vé – BX Miền Tây;
  • Vợ chồng cô Hạnh – Anh Ca – PBT Tổng Samco;
  • Vợ chồng bạn Hải, nguyên Đội trưởng Đội quản lý xe 282 – NTL ;
  • Thành phần Solo có: Bạn Chí – nguyên CB đường lối của BXMT;  Tính, Nguyên TP QLVT – Sở GTVT; Lái xe là bạn Khiêm… vị chi 17 người… nên không còn sử dụng chiếc Limousine 10 chỗ, mà phải sử dụng chiếc xe 30 chỗ, cũng do bạn sáu Lèo tài trợ!

NHỮNG NƠI ĐÃ QUA VÀ DẤU ẤN ĐỂ LẠI

Đêm đầu tiên, đoàn chúng tôi dừng chân ở quê hương của “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” – Phú Yên, nên hôm sau khi tiếp tục hành trình, chúng tôi đã tranh thủ thăm viếng một số danh lam thắng cảnh của vùng đất này:

Tháp Nhạn,

Đây là điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi sau khi rời KS. Sài Gon – Phú Yên, nó nằm ở phía cực Nam TP. Tuy Hòa, chỉ cách ks chúng tôi chừng vài km! Đây là ngọn núi Nhạn, trấn giữ phía Nam thành phố, cùng với núi Chóp Chài trấn giữ phía Bắc, khi từ trên tháp Nhạn chúng ta nhìn xuống, sẽ thấy rất rõ quang cảnh TP.Tuy Hòa nhỏ bé và nằm lọt giữa 2 ngọn núi!

Tháp Nhạn trong tiếng Ê-Đê và Jarai gọi là tháp KơHmeng là một tháp Champa nằm trên núi Nhạn, thắng cảnh tiêu biểu của Tuy Hòa, tỉnh lỵ của Phú Yên. Tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 12. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao khoảng 23,5m. Mỗi cạnh chân tháp dài 10m.

Qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, nhiều phần của tháp bị hư hỏng nặng, nhưng nhờ được sự trùng tu, tôn tạo của chính quyền tỉnh Phú Yên, tháp được phục dựng lại nguyên gốc và mang một vẻ đẹp mới. Tháp Nhạn nằm trên núi Nhạn, soi bóng trên Đà Giang rộng lớn tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình: Núi Nhạn – Sông Đà Rằng.

Tháp Nhạn là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử cao của người Chăm và đây cũng là một thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Yên. Tháp Nhạn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 16 tháng 11 năm 1988. Ở đây Đoàn chúng tôi đã chụp được một pô ảnh rất đặc sắc mà giá lại rẻ! (chúng tôi chọn làm hình bìa 1 của quyển du ký này!)

Nhà thờ Mằng Lăng,

Đây là điểm tham quan thứ 2 của Đoàn chúng tôi, nó chỉ cách thủ phủ Phú Yên chừng vài chục km về hướng Đông Bắc. Nhà thờ Mằng Lăng là một nhà thờ Công giáo nằm trên địa phận huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đây là nhà thờ thuộc Giáo xứ Mằng Lăng, là nơi sinh của Chân phước Anrê Phú Yên, một trong những vị tử đạo bổn mạng của giới trẻ Công giáo!

Nhà thờ hiện nay cũng là nơi hành hương vào dịp lễ kỷ niệm Chân phước Andre’ Phú Yên và thánh lễ cầu cho giới trẻ Công giáo Việt Nam.  Với lịch sử hơn 120 năm tồn tại (xây dựng năm 1892), nhà thờ Mằng Lăng được coi nhà thờ cổ nhất tỉnh Phú Yên và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Việt Nam. Nhà thờ là điểm đến khá thu hút của khu du lịch Phú Yên. Đây cũng là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên – Phép giảng tám ngày của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại RomaÝ!

 

Ghềnh đá đĩa,

Ghềnh Đá Đĩa là điểm tham quan thứ 3 của Đoàn, nó địa danh thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nét độc đáo của cảnh quan là các khối đá ở đây hình tròn hoặc hình vuông, đã tạo nên một khung cảnh tự nhiên mà như có chủ ý sắp đặt của tạo hóa.

Dựa trên nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu, người ta cho rằng khoảng 200 triệu năm trước, trong quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa, nham thạch phun trào theo dòng chảy dẫn ra biển. Khi đụng phải nước biển lạnh, cộng với hiện tượng di ứng lực khiến các khối nham thạch bị đông cứng rạn nứt phần lớn theo mạch dọc tạo nên những khối đá với hình thù khác nhau.

Từ trên cao, ghềnh đá như một tổ ong khổng lồ, đen bóng và gồ ghề.Hoặc có thể ví như những chiếc đĩa – tên gọi ghềnh đá này! lổm nhổm, xếp chồng lên nhau trong lò gạch. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban cho vẻ đẹp nên thơ trữ tình, hài hòa non nước, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Ghềnh Đá Đĩa một kỳ thú tuyệt đẹp là nơi thu hút và níu chân du khách du lịch, mà theo chúng tôi không khác gì danh thắng ở Cheju – Đại Hàn mà tôi đã có dịp ghé qua!

Do buổi trưa nắng nóng và đoàn chúng tôi toàn là lão tướng nên chỉ ghé thăm khu vực cổng chào và thả tầm mắt nhìn cảnh quang chung, không mua vé vào thăm và xuống trực tiếp dưới biển, thật tiếc! Đành hẹn dịp khác!

Một số nơi cần tiếp tục khám phá,

Thực ra, nếu còn thời gian lưu trú, khi đến Phú Yên chúng ta cần phải tiếp tục khám phá thêm một số điểm nổi bật khác:

  1. Phim trường “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Đây là vùng đất phim trường của cuốn phim dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Truyện kể về giai đoạn mà đời người ai cũng từng trải qua, nhưng đôi khi trong cuộc sống bộn bề với cơm – áo – gạo – tiền và những nỗi lo không đặt hết tên, chúng ta đã không ít nhiều quên mất nó từng tồn tại, đó là: Tuổi thơ.

Tuổi thơ, trong truyện Nguyễn Nhật Ánh không giống như bây giờ – khi người ta có nhiều thứ để chơi và nhiều nơi để chọn, như ra công viên nước lướt ván hoặc đắm mình trong các game online hiện đại.Tuổi thơ trong truyện Nguyễn Nhật Ánh là khi bạn còn hòa mình với thiên nhiên, khi bạn thấy góc vườn nhà mình sao rộng thế và là khi bạn “mặc nguyên quần áo dầm mưa ngoài trời” hay “bứt lá, lượm nắp keng chơi bày hàng hay lùng sục các bờ hào tìm hoa dủ dẻ”.

  1. Ngọn hải đăng Đại lãnh (hay còn gọi là Mũi Điện, mũi Varella (Tên vị tướng Pháp, người phát hiện; nó được xây dựng từ năm 1890 sau hòa ước Harmand; phát sáng xa 27 hải lý # 40km;) là địa điểm đón bình minh sớm nhất ở Việt Nam (có một chút tranh cãi vì mũi Điện xa thứ 2, đứng sau Mũi Đôi ở huyện Vạn Ninh – Khánh Hòa) và nó đã được khắc vào Cửu Đỉnh ở triều đình Huế vào thời Minh Mạng!
  2. Thạch Bi Sơn, tức núi Thạch Bi (Ở dưới chân Đèo Cả hướng từ Tuy Hòa đi vào SG, bên trái QL1, đối với các thủy thủ phương Tây nhìn từ biển vào, họ gọi đó là ngón tay của Chúa!) là tấm bia ghi khắc lời phán của vua Lê Thánh Tôn, khi ông thân chinh tiến chiếm thành Đồ Bàn và truy đuổi giặc Chiêm Thành đến tận chân đèo Cả, sai quân lính dựng đá bia này, để phân định ranh giới giữa 2 nước thời bấy giờ!

Tạm biệt Phú Yên, chúng tôi luôn nhớ tới Nguyễn Anh Thư, một người đẹp Phú Yên đã lái một chiếc máy bay nhỏ qua 25 quốc gia, trong một tháng rưỡi để truyền cảm hứng cho phụ nữ khắp thế giới.

Nguyễn Anh Thư, người sáng lập kiêm Chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận “Phụ nữ trong Vũ trụ và Hàng không” (WAA), đang kêu gọi sự hỗ trợ của mọi người để đạt được mục tiêu trở thành phi công Mỹ gốc Việt đầu tiên bay một mình vòng quanh thế giới.

Phi công gốc Việt Nguyễn Anh Thư. Ảnh: Twitter

Hiện là phi công và giảng viên hướng dẫn bay tại thành phố Atlanta, Anh Thư muốn thông qua hành trình này để truyền cảm hứng cho thế hệ nữ phi công kế tiếp, đồng thời thúc đẩy nhận thức về hàng không vũ trụ cho các phụ nữ và bé gái. Hiện có 6% phi công trên thế giới là nữ và chỉ có 8 người từng hoàn thành sứ mệnh bay vòng quanh thế giới!

Lớn lên ở Tuy Hòa – Phú Yên, tại một ngôi làng nghèo không có điện, Anh Thư hiểu rằng các phụ nữ và bé gái phải đối mặt với nhiều trở ngại, thiếu thốn và ước mơ được bay cao với họ là rất xa vời. Cô may mắn khi được theo học cấp một và cấp hai tại một ngôi trường do UNICEF tài trợ, sau đó sang Mỹ sinh sống từ năm 12 tuổi.

Từ một cô gái không biết tiếng Anh, Anh Thư đã nỗ lực không ngừng để tốt nghiệp thủ khoa trung học rồi lọt top 10 cử nhân trường đại học Purdue danh tiếng. Anh Thư mất 10 năm vượt qua nhiều thử thách để cuối cùng trở thành phi công lái máy bay tư nhân và năm 2017 trở thành hướng dẫn viên bay của Hiệp hội Phi công và Người sở hữu máy bay (AOPA), đào tạo hàng trăm phi công và được cấp bằng lái máy bay thương mại cỡ lớn! Cô hiện là nghiên cứu sinh ngành Hàng không Vũ trụ tại Học viện Công nghệ Georgia hàng đầu của Mỹ.

Còn lưu luyến thứ 2 là chuyến Tập huấn nghiệp vụ do Tổng cục Đường bộ tổ chức vào năm 2009, thời điểm mà đại gia Thanh Thảo (Cô sinh viên Văn Khoa bé nhỏ trước 1975) còn là ngôi sao sáng trong ngành vận tải và là nhân vật nổi danh như cồn ở Phú Yên, nhưng lại là một nhân vật đáng ghét với GĐ Sở GTVT Bình Định – Nguyễn Hà Đông, tuy cùng ngành GTVT, nhưng lại có quan điểm dị biệt trong việc kinh doanh vận tải nên anh ấy đã không cho xe Thuận Thảo vào bến Qui Nhơn!

Lưu luyến thứ 3, có lẽ là đợt tập huấn nghiệp vụ dành cho NĐH vào năm 2017, theo sự ủy nhiệm của Hiệp hội Vata cho Hiệp hội VT Ô Tô HK LT & DL TP,HCM do tôi làm Chủ tịch, thời điểm lần đầu tiên chúng tôi đặt chân đến phi trường Đông Tác – Phú Yên, tắm biển Tuy Hòa, với cô giáo Thảo, thầy giáo Phong, cháu Hoa và những bạn bè Sở GTVT Phú Yên như:  bạn Vân – Tp vận tải,  bạn Cảnh – Pp vận tải, em Lan – CV … và cuối cùng là tình cờ gặp bạn Nguyễn Hoàng Trị – PPKH Ban QL Metro TP.HCM, cũng đi dạy ở Phú Yên, ở buổi ăn tối tại quán cơm gà!

Quy Nhơn – Thủ phủ tỉnh Bình Định,

Đến QN lúc 12g30, sau khi dùng cơm trưa ở Quán Hàng Châu khá hấp dẫn, Đoàn chúng tôi đã có mặt và trú ngụ tại KS Quy Nhơn, nơi có view nhìn ra biển QN tuyệt thơ mộng! Theo sử liệu, địa danh Quy Nhơn có từ khi Chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn, vào năm 1602. Tên gọi Quy Nhơn có ý nghĩa: “mong muốn quy tụ về đây những con người hiền tài, nhân nghĩa”!

GTVT đến thành phố biển Quy Nhơn,

GTVT đến với Quy Nhơn khá thuận tiện. Nằm cách thủ đô Hà Nội 1.070 km về phía Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh 652 km về phía Bắc theo đường Quốc lộ 1A, từ 2 đầu đất nước hàng ngày đều có rất nhiều các tuyến xe chất lượng cao đi Quy Nhơn, Bình Định. Ngoài các tuyến xe trực tiếp đến địa phương này, các tuyến xe đường dài Bắc – Nam đều cũng sẽ đi qua địa phương này (Tháp Bánh Ít ở sít cầu Bà Gi/ Vào nam ra Bắc ai cũng đi đường này).

Để đến với Quy Nhơn bằng đường sắt, các bạn có 2 lựa chọn về ga đến là ga Diêu Trìga Quy Nhơn. Ga Diêu Trì là điểm xuống tàu của các tuyến tàu Thống Nhất, ga cách trung tâm thành phố khoảng 15 km (về phía Tây Nam). Ga Quy Nhơn là một nhánh của tuyến đường sắt Bắc – Nam, bắt đầu từ chính ga Diêu Trì. Các chuyến tàu dừng ở ga Quy Nhơn là SQN (Sài Gòn – Quy Nhơn), QV (Quy Nhơn – Vinh), QN (Quy Nhơn – Nha Trang) và ĐQ (Quy Nhơn – Đà Nẵng).

Cảng hàng không Phù Cát (thời chiến tranh là sân bay phản lực, mới đây đã được nâng cấp lên thành Cảng Quốc tế; Sân bay này được xây năm 1966, lúc đó có tên gọi là Sân bay Gò Quánh, làm căn cứ không quân của Không lực Việt Nam Cộng hoà. Sau năm 1975, sân bay này được bộ Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam trực tiếp quản lý và đến tháng 9 năm 1984 thì chuyển thành sân bay hỗn hợp quân sự và dân sự thay thế cho sân bay Quy Nhơn ở nội thành Quy Nhơn.

Sân bay Phù Cát nằm bên cạnh Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, thị trấn Gò Găng và thị xã An Nhơn. Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về phía Tây Bắc, cách trung tâm thị xã An Nhơn khoảng 10km về phía Bắc, trung tâm thị trấn Phú Phonghuyện Tây Sơn khoảng 20km về phía Đông Bắc và cách trung tâm phường Bồng Sơnthị xã Hoài Nhơn 65km về phía Nam, đó là những địa phương có kinh tế phát triển và sở hữu những địa điểm du lịch nổi tiếng của Bình Định. Tháng 01/2020 đã mở các chuyến bay quốc tế đầu tiên tại sân bay Phù Cát khởi hành từ Cheongju (Hàn Quốc) và ngược lại (do hãng hàng không Bamboo Airways khai thác) cách trung tâm Quy Nhơn khoảng 30 km, hàng ngày từ đây đều có các chuyến bay đi – đến từ Hà Nội và Sài Gòn của tất cả các hãng.

Sau khi nghỉ dưỡng khoảng 2 tiếng, lúc 16 giờ cùng ngày cả đoàn chúng tôi bắt đầu tham quan nội thị Quy Nhơn và điểm đầu tiên chính là:

Mộ Hàn Mặc Tử,

Hàn Mặc Tử là một thi sĩ trẻ của làng thơ mới Việt Nam, đã trở thành một bệnh nhân của làng phong Qui Hòa từ tháng 9/1940, đến 11/1940 thì qua đời trong bệnh tật!

Căn phòng nơi Hàn trút hơi thở cuối cùng, nay trở thành nhà lưu niệm, vẫn giữ nguyên những đồ đạc đơn sơ ngày đó: chiếc giường cá nhân, chiếc ghế cùng vài vật dụng thông thường.

Ông được chôn trong nghĩa địa của làng dưới chân núi Trứng. Theo lời kể của những người chứng kiến thời đó, mộ của ông cũng không có gì đặc biệt so với các bệnh nhân khác: một nấm đất nhỏ như kích cỡ của hàng trăm ngôi mộ khác, xếp theo dãy thứ tự, nằm lặng lẽ trong muôn vàn cái chết lặng lẽ của người mắc bệnh cùi – vốn không có gia đình hay nhiều bè bạn khi cuối đời! Suốt 19 năm Hàn nằm lại trong nghĩa địa làng phong – chỉ là ngôi mộ rất đơn sơ!

Theo lời kể của nhiều nhà nghiên cứu về cuộc đời và thơ Hàn, trong thời gian đó, do hoàn cảnh chiến tranh, đường giao thông không thuận lợi và điều kiện khó khăn, nên mãi đến ngày 13/01/1959, gia đình và bạn bè mới cải táng (bốc mộ) sang địa điểm mới cho người đã chết. Buổi lễ cải táng cho nhà thơ được tiến hành khá đơn giản: chỉ có hai người chị, hai người em, ba người bạn và một vị linh mục tham dự.

Đến năm 1991, cố nhạc sỹ Trần Thiện Thanh (ca sỹ Nhật Trường) cùng một số nhạc sỹ khác yêu mến tài năng thơ trẻ này đã đóng góp tiền để xây dựng một ngôi mộ – đài tưởng niệm, trên nền mộ cũ của Hàn. Quần thể mộ gồm một khoảng sân, phía chính giữa là đài tưởng niệm có hình tượng một cây bút, cây thánh giá dựng trên cuốn thơ. Những nét uốn lượn của cuốn sách thơ bệ tượng đài, hình phù điêu bao quanh khu mộ cũng dễ liên tưởng đến hình tượng vầng trăng khi khuyết lúc đầy, vốn luôn thấp thoáng ẩn hiện trong thơ Hàn!

Điều ước cuối cùng chưa thoả,

Từ làng phong Quy Hòa, ngược dốc lên đường quốc lộ sát chân núi, rồi lại xuống dốc sang triền núi bên kia, qua quãng đường dăm cây số sẽ gặp khu mộ Hàn trên Ghềnh Ráng – khu mộ mới!

Theo lời kể của những người thân gia đình Hàn Mặc Tử, khi còn sống, Hàn đã từng tâm sự với bạn bè, muốn khi chết sẽ được chôn trên đèo Son là một địa điểm ở đầu thành phố Quy Nhơn, vì đó là khu vực dựa lưng vào núi, mặt quay ra biển. Nhớ lời Hàn năm xưa, sau khi bốc mộ, người thân của Hàn cũng muốn thực hiện ý muốn của người đã khuất, nhưng khi đó đèo Son là khu vực cấm nên mọi người đã chọn Ghềnh Ráng là khu vực cũng hội đủ những yếu tố như Hàn đã từng ao ước.

Từ Ghềnh Ráng, để lên đến mộ Hàn, du khách leo qua chừng hơn trăm bậc thang đá, giữa hai hàng cây song song chụm đầu vào nhau rì rào bốn mùa đón gió biển. Mộ Hàn nằm dựa lưng vào núi, nhìn bao quát cả dải bờ biển Quy Nhơn chạy dài trước mặt, hút trọn tầm mắt một phần thành phố Quy Nhơn. Dưới chân khu mộ, qua một vực đá thoai thoải với muôn vàn tảng đá nhiều hình thù xếp lớp, là sóng biển bốn mùa vỗ bờ!

Mộ rộng chừng dăm thước vuông, ốp đá đơn sơ, xung quanh tàn cây mát rượi. Dòng chữ lớn RIP (Rest in peace – Dịch nôm na: An nghỉ ngàn thu) màu trắng nổi bật trên nền đá ốp hồng. Phía trên đầu mộ là tượng Đức Mẹ Maria hiền từ nhìn xuống. Mộ Trí không ghi tên ông là nhà thơ nổi tiếng mà chỉ ghi khiêm nhường “Đây an nghỉ trong tay Mẹ Maria: Hàn Mặc Tử, tức Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí”.

Chàng thi sỹ dựng lều bên mộ,

Nhiều người dân ở Quy Nhơn nói rằng: “Hàn Mặc Tử sau khi chết hơn 60 năm vẫn không cô đơn”. Ai đó có thể không tin, nhưng nếu đã từng đến thăm mộ Hàn một lần và gặp chàng thi sỹ bỏ nhà để lên dựng lều cạnh mộ Hàn, chỉ để thỏa ước muốn ngày đêm ngâm thơ Hàn, sưu tầm những tư liệu về Hàn Mặc Tử, thì sẽ tin câu chuyện “Hàn không cô đơn sau khi chết” là có thật. Chàng thi sỹ đó là Trương Vũ Kha, hay còn gọi là Dzũ Kha, là “Bút lửa giữ thơ Hàn”. Vì quá yêu thơ Hàn mà người đàn ông trạc tuổi hơn 40, dáng người cao dong dỏng, có mái tóc dài đầy chất nghệ sỹ, vốn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật này, đã từ bỏ đô thị để về Ghềnh Ráng chăm sóc mộ Hàn’

Còn bạn Thanh Trắc Nguyễn Văn, khi đến thăm mộ ông đã cảm tác:

 “Bồng bềnh dưới biển trên trăng
Đêm trôi vào cõi vĩnh hằng tìm nhau

Tài hoa vùi lấp mộ sâu
Xót người mệnh bạc dãi dầu cỏ xanh
Đau thương rụng vỡ bên gành
Mộng Cầm sắc vỡ tan tành chiêm bao
Xuân như ý bỗng nghẹn trào
Nửa hồn bút mực chìm vào mưa ngâu…

Tìm người, người đã về đâu?
Nửa vành trăng góa buồn đau giữa trời
Sóng leo trồi sụt chân đồi
Ném lòng vào đá vọng lời tháng năm
Câu thơ lệ ứ ướt đầm
Nửa lăn xuống biển, nửa nằm trên trăng”

Bãi tắm Hoàng Hậu,

Đây là điểm tham quan thứ 2 của Đoàn chúng tôi, nó nằm trong địa phận của Ghềnh Ráng một địa danh tham quan du lịch kì thú của Bình Định, cách mộ HMT vài trăm mét và cách thành phố Quy Nhơn khoảng 3 km về phía Đông Nam.

Bãi Hoàng Hậu được xem là một trong những bãi biển Quy Nhơn đẹp nổi tiếng nhất. So với các bãi biển nổi tiếng khác như Nha Trang, Vũng Tàu hay Phú Quốc thì bãi tắm Hoàng Hậu có thể vẫn còn khá xa lạ với một vài người. Nhưng đây là bãi tắm tuyệt đẹp và còn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của mình.

Truyền thuyết kể lại rằng từ xa xưa nơi đây là nơi hội tụ vui chơi, tụ hội của các nàng tiên. Nên nó có vẻ đẹp tiên cảnh say đắm lòng người. Có người còn kể xa xưa ở đây có một ngôi làng trong đó có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau thắm thiết nhưng luôn bị ngăn cấm bởi gái đình hai bên. Vì quá thương yêu nhau nên hai người đã thề non hẹn biển muốn sống chết bên nhau. Biết không thể ngăn cản hai con của mình. Gia đình cô gái đã giao hẹn với chàng trai phải kiếm đủ 100 tổ yến trong vòng 3 tháng mang về làm quà sính lễ. Vì quá yêu thương cô gái chàng trai đã quyết định ra đi tìm tổ yến. Cô gái thì ở nhà trông ngóng người yêu từng ngày. Đến ngày hẹn mang sính lễ tới nhưng vẫn không thấy chàng trai quay về cô gái khóc lóc rồi vội vã đi tìm người yêu.

Khi chạy đến bãi tắm Hoàng Hậu bỗng sấm chớp nổi lên từ trong vách núi nứt ra một khe hở, vì qua mệt mỏi cô đã đi vào đó và dần dần biến mất. Chàng trai sau khi kiếm đủ sính lễ thì mau chóng quay về tìm người yêu. Vì quá mệt mỏi sau những ngày dài, chàng trai thiếp đi trên biển, lúc tỉnh lại chàng đã thấy mình được sóng đánh tạt vào bờ biển Hoàng Hậu nơi ghềnh Ráng. Lúc này chàng thấy bóng người yêu thoắt ẩn thoắt hiện trong làn sương mờ. Hai người đã cùng nắm tay nhau và biến mất. Nơi khe núi nứt ra tạo thành một dòng suối người ta gọi nó là Tiên sa, nơi mà thời Trung học chúng tôi thường đi dã ngoại ở khu vực này: Suối Tiên – Gành Ráng!

Từ đó trở đi núi sông bờ cõi nơi ghềnh Ráng luôn như thoắt ẩn thoắt hiện vẻ đẹp của đôi trai tài gái sắc đó. Vì thế mà bãi tắm biển Hoàng Hậu còn được gọi là bãi tắm tình yêu.

Cũng chính bởi thế nên khi vua Bảo Đại đi du hành, khi đi qua vùng biển này. Thấy cảnh sắc nên thơ trữ tình nên ông đã cho đóng quân tại nơi này để nghỉ mát và thăm thú phong cảnh. Lúc này có vị hoàng hậu Nam Phương – vợ của vua Bảo Đại đi du hành cùng vua đã thấy thích thú và chọn riêng cho mình bãi tắm này. Từ đó trở đi, bãi tắm này có tên là bãi biển Hoàng Hậu!

Cầu vượt biển Thị Nại,

Đây là điểm tham quan thứ 3 của Đoàn chúng tôi ở QN. Cầu Thị Nại hay Cầu Nhơn Hội nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội), gồm cầu chính vượt đầm Thị Nại, 5 cầu nhỏ qua sông Hà Thanh và đường dẫn 2 đầu cầu.

Công trình xây dựng cầu Thị Nại được khởi công vào ngày 3 tháng 11 năm 2002 và hoàn thành vào ngày 12 tháng 12 năm 2006.

Phần chính của cầu dài 2.477,3 mét, rộng 14,5 mét. Cầu gồm 54 nhịp có khẩu độ mỗi nhịp là 120 mét. Tính cả phần hệ thống đường dẫn, cầu dài 6.960 mét với 5 cầu ngắn. Cầu chịu xe trọng tải 30 tấn và xe bánh xích trọng tải 80 tấn.

Cầu ứng dụng công nghệ thi công hiện đại, dùng cọc khoan nhồi có đường kính từ 1,2 – 1,5 m, dầm hộp bê tông liên tục, dầm Super T ứng suất trước. 5 nhịp chính thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng đối xứng, bê tông dầm hộp có cáp dự ứng lực trong và ngoài, còn 49 nhịp dẫn sử dụng dầm Super T ứng suất trước.

Còn đầm Thị Nại thì đây là một địa danh danh bất hư truyền! Thị Nại là tên tắt của Thi Lị Bi Nại hay còn gọi là Hạc Hải đàm, với hàng nghìn năm lịch sử và những trận thủy chiến bi hùng giữa quân Chiêm – Nguyên, Mông và gần nhất là 7 trận thủy chiến giữa quân Tây Sơn và quân Vua Gia Long, mà đáng nhớ nhất có lẽ là trận Võ Tánh – Ngô Tùng Châu tuẫn tiết với thành! được quân Tây Sơn tôn trọng, cho lấy xác về chôn và thờ phượng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM!

 

Tháp đôi Qui Nhơn,

Bình Định là quê hương có thủ đô Đồ Bàn của vương quốc Chiêm nên không có gì ngạc nhiên, khi ở đây có đến 13 tháp Chiêm thành lớn, nhỏ khác nhau và có đặc điểm nổi trội là phần lớn còn khá nguyên vẹn! Tháp Đôi ở QN chỉ là một trong 13 tháp ấy!

Đây là điểm tham quan thứ 4 ở QN. Tháp Đôi là di tích tháp Chăm cổ kính nằm ngay trung tâm TP. Quy Nhơn, từ lâu được nhắc đến qua câu ca: “Cầu Đôi liền với Tháp Đôi/ Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng!”

Tháp Đôi hay còn có tên là Tháp Hưng Thạnh, xây dựng vào cuối thế kỷ 12, phản ánh lối kiến trúc độc đáo, khác với nhiều tháp Chăm truyền thống thường thấy! Là khu tháp của Chăm Pa gồm có hai tháp là tháp phía Bắc và tháp phía Nam cạnh nhau hiện nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, là nơi thời học Trung học ở QN học sinh chúng tôi cũng thường lui tới tham quan!

Tháp được các chuyên gia trùng tu lại vào những năm 1990, đã trả lại cho ngôi tháp hình dáng gần như xưa!

Cả hai ngôi tháp nằm trên khu đất bằng phẳng dưới chân một quả đồi và đều quay mặt về hướng Nam, tuy có cùng hình dáng và cấu trúc là than, hình khối vuông và mái hình tháp mặt cong nhưng ngôi tháp phía Bắc cao hơn tháp phía Nam.

Theo truyền thống các cụm tháp Chăm Pa cổ thường có ba tháp, nhưng hiện tại chỉ có hai tháp, theo các nhà nghiên cứu, ngôi tháp thứ ba chuẩn bị xây dựng thì có nguyên nhân chưa biết được làm cho việc xây dựng tháp thứ ba bị gián đoạn!?

Trong hai ngôi tháp hiện còn của Tháp Đôi, ngôi tháp phía Bắc không chỉ cao hơn, lớn hơn mà còn ít bị hư hại hơn, cửa ra vào phía Đông tháp bị đổ nát từ lâu, chỉ còn cái khung cửa hình chữ nhật tạo bởi bốn thanh đá lớn là còn lại, cũng ở ngôi tháp này, chúng ta thấy rất rõ nghệ thuật lắp ghép tài tình của những nhà xây dựng tháp, là ở 4 góc trên cao, những tảng đá điêu khắc to đùng nhưng lại được đặt nhô ra không có điểm tựa và qua hàng trăm năm nay nó vẫn còn nguyên vẹn!

Ngôi tháp phía Nam có hình dáng, cấu trúc và trang trí giống như ngôi tháp phía Bắc nhưng nhỏ hơn và thấp hơn một chút, toàn bộ phần chân tường của ngôi tháp đã bị đổ nát nặng nề, đến nỗi khó có thể nhận ra hình dáng lúc đầu của cấu trúc này như thế nào, hiện nay cả hai ngôi tháp đều đã mất chóp!

Ngày thứ 3 của cuộc hành trình, sau buổi ăn sáng ở KS. Qui Nhơn, đoàn chúng tôi trực chỉ quê hương tôi – Huyện Tây Sơn, cách QN khoảng 40 km, về phía Tây theo QL 19, hướng Pleiku – Kon Tum.

Trong chương trinh Tour do chúng tôi hoạch định, ở Tây Sơn chúng tôi tham quan tới 3 nơi: Đền thờ 3 vị Tây Sơn tam kiệt là chính; tiếp theo là danh thắng Hầm Hô và nếu còn thì giờ thì thăm thêm các đền thờ danh tướng Bùi Thị Xuân, anh hùng liệt sĩ Mai Xuân Thưởng, đại tướng Võ Văn Dũng…

Bảo tàng Quang Trung,

 Là địa điểm chính và là nơi tham quan đầu tiên. Bảo tàng là quần thể mà điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt cùng các danh tướng thân cận, dưới sự chung tay góp sức của đông đảo nhân dân, vào năm 1958 điện thờ chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 1960 ngay trên nền nhà cũ của ba em nhà Tây Sơn, với diện tích lên tới 2.325 m2.

Bảo tàng được thiết kế với bố cục cân đối, tỏa tròn ra tứ hướng và tụm lại vào điểm chính giữa – nơi đặt tượng đài Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Từ xa trông vào, ta thấy bao quanh bảo tàng Quang Trung Bình Định là “khí chất” cổ xưa với những lớp mái ngói đỏ gạch, cong cong chạm khắc những hình uốn lượn điệu nghệ!

Trước sân, có cổng tam quan, kế đó là nhà bia ghi công lao của vị anh hùng Quang Trung bằng chữ quốc ngữ. Chính điện được chia thành ba gian, gian giữa thờ Nguyễn Huệ, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian còn lại thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi điện đặt ban thờ các văn thần, võ sĩ nhà Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng…

Cây Me, Giếng nước,

Cho đến nay, trong khu vườn cũ của gia đình nhà vua Quang Trung vẫn còn lưu giữ 2 di tích cực kỳ quý giá: giếng nước xưa và cây me cổ thụ, tương truyền lại là có từ thời Hồ Phi Phúc (thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn). Giếng nước cổ nằm bên phải điện Tây Sơn với đường kính là 0,9m. Nguyên tác được xây bằng đá ong và không sâu như bây giờ, bởi sau này dân làng mới trùng tu để làm giếng chung cho cả làng.

Hàm hô danh thắng,

Khu du lịch sinh thái Hầm Hô tọa lạc tại xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn 50 km về phía Tây Bắc, cách Bảo Tàng Quang Trung 5 km. Là một điểm tham quan lý tưởng không thể bỏ qua của du khách khi đến với quê hương Bình Định, miền đất địa linh nhân kiệt.

Giữa ngút ngàn của rừng xanh dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ. Hầm Hô một Danh Thắng thiên nhiên tuyệt mỹ, một điều kỳ diệu của tạo hóa với:  khúc sông Trời Lấp, với Hòn Chuông, Hòn Bóng, với Đá Thành, Bàn Cờ Tiên, Dấu Chân Khổng Lồ và một hệ sinh thái rừng đa dạng… Đến với Khu du lịch Hầm Hô, du khách như được trở về với thiên nhiên hùng vĩ, được đắm mình trong thế giới Bồng lai tiên cảnh và như được trút bỏ mọi lo toan của cuộc sống hiện đại.

Võ Tây Sơn,

Trong chương trình Tour, khi mua vé du khách được hỏi nếu muốn xem múa võ Tây Sơn, chúng ta chỉ mua 400.000đ/1 suất /20 người trở lại và nếu suất đông hơn thì giá vé mỗi người là 20.000đ.

Do hạn chế về thời gian nên chúng tôi không mua tour này nhưng thiết nghĩ trước khi chia tay Tây Sơn chúng ta cũng cần tìm hiểu một chút về môn võ danh bất hư truyền này!

Ngày nay, ai có dịp về thăm xứ Nẫu đều thích thú và tò mò với câu ca:  “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định múa roi, đi quyền”.

Luyện võ bên tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).

Ngày xưa, việc luyện võ, học võ hầu như chỉ dành cho phái mạnh, cũng như việc học hành, thi cử. Đó là do quan niệm “trọng nam khinh nữ” của thời phong kiến tồn tại lâu đời.

Nhưng đặc biệt, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt đã có nhiều trường hợp ngoại lệ, giới liễu yếu đào tơ ấy đã âm thầm luyện võ, học văn để rồi khi nước nhà nguy biến đã đứng lên xưng vương, khởi nghĩa đánh đuổi quân thù xâm lược như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu.

Thời Tây Sơn, ở quê tôi, ngoài “thất hổ tướng” còn có “ngũ phụng thư”– 5 vị nữ tướng tài danh mà nổi bật là Đô đốc Bùi Thị Xuân. Vị nữ tướng này được mệnh danh là “Cân quắc anh hùng”, theo thầy luyện võ từ nhỏ bên dòng sông Côn hiền hòa nằm ở phía Đông Phú Phong (huyện Tây Sơn ngày nay).

Khi cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổi lên, bà đã cùng đội nữ binh về với Tây Sơn Tam kiệt và từ đó cầm quân xông pha trận mạc, trở thành một nữ tướng dũng mãnh không thua kém đức lang quân là Thái phó Trần Quang Diệu. Có lẽ, câu ca trên có xuất xứ từ vùng đất võ Phú Phong xưa với phong trào luyện võ phổ biến trong giới nữ, nơi quê hương người anh hùng “áo vải cờ đào” một thời oanh liệt. 

Yếu tố căn bản nào khiến Bình Định được mệnh danh là miền đất võ? Trong hồ sơ đề nghị công nhận võ cổ truyền Bình Định là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã bình luận:

 “Với bề dày lịch sử và những giá trị tinh hoa được khẳng định, gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ, với khả năng lan tỏa rộng rãi trong đời sống quá khứ và đương đại, võ Bình Định là hiện tượng văn hóa đặc sắc của vùng đất mà nó sinh thành, góp phần làm giàu bản sắc Việt Nam” (Trần Thị Huyền Trang).

Nói đến võ Bình Định, người ta không thể không nói đến phái võ Tây Sơn lừng danh một thời. Tây Sơn là vùng đất được những cư dân Việt định cư, khai khẩn sớm nhất thuộc xứ Đàng Trong, khi chúa Nguyễn bắt đầu lập dinh trấn Quảng Nam. Những người con nước Việt “mang gươm đi mở cõi” đã mang theo bao hoài bão. Nhưng buổi đầu trong hoàn cảnh loạn lạc, chiến tranh triền miên, nơi miền đất lạ, họ phải lập thân bằng võ nghiệp; lấy sức mạnh và sự can trường để tồn tại trước thiên nhiên khắc nghiệt và dã tâm của con người thời loạn.

Theo sử sách ghi lại, lớp võ nhân đầu tiên ở vùng Tây Sơn dựng nên nghiệp võ có lẽ phải kể đến thầy Trương Văn Hiến, Ngô Mãnh… là người Đàng Ngoài, giỏi cả văn lẫn võ, có thân tộc làm quan cho chúa Nguyễn – Đàng Trong nhưng vì bất mãn với triều thần mà bỏ đi tìm vùng đất mới sinh kế. Thời kỳ thịnh hành võ nghiệp ở Tây Sơn nói riêng và phủ Hoài Nhơn, phủ Quy Nhơn nói chung là thế hệ sau được đào tạo bài bản bởi những người tinh thông võ nghệ như thầy Trương Văn Hiến. Thời này nền võ đạo đã được đề cao, hình thành nên làn sóng võ hiệp “cứu khốn phò nguy” nơi miền đất sông Côn. Những lớp học trò xuất sắc như 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ; Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở, Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyết… đã tạo ra một thế hệ võ nhân với tài thao lược xuất chúng. Họ không những lĩnh hội những tuyệt kỹ võ thuật của thế hệ trước mà còn sáng tạo thêm nhiều chiêu thức mới, hệ phái mới với những bí kíp độc đáo, trong số đó có nhiều tuyệt kỹ võ học đến nay đã bị thất truyền.

Trong cuốn “Tây Sơn danh tướng bí kíp mộ hồn thao” của Nguyễn Trung Như được lưu trữ ở chùa Long Phước (Tuy Phước – Bình Định ngày nay) đã đề cập đến những bí kíp võ công của 20 danh tướng thời Tây Sơn. Trong đó, có những tuyệt kỹ mà ít người có thể luyện tập thành công như: “Độc thần kiếm” của Nguyễn Nhạc, “Ô long đao” của Nguyễn Huệ, “Lôi long đao” của Võ Văn Dũng, “Lôi phong tùy hình kiếm” của Trần Quang Diệu, “Phong vân kiếm” của Bùi Thị Xuân, “Miên quyền” của Nguyễn Lữ… Bên cạnh đó, thời kỳ thịnh võ ở đất Tây Sơn, thế hệ võ nhân với võ công thượng thừa này đã sáng tạo nhiều chiêu thức mới độc đáo như “Hùng kê quyền” của Nguyễn Lữ (quan sát từ các thế đá gà); “Phi yến thảo pháp” của Nguyễn Huệ (quan sát từ đàn én lượn bay); “Song phượng kiếm” của Bùi Thị Xuân (lấy cảm hứng từ đôi chim đùa nhau)

Từ thời nhà Tây Sơn trở đi, nơi vùng đất bên sông Côn đã hình thành những dòng võ nổi danh như:

  • Dòng võ họ Trương ở An Thái, mà Tổ sư là Trương Văn Hiến, người có công đào tạo Tây Sơn Tam kiệt và nhiều danh tướng Tây Sơn khác;
  • Dòng võ họ Nguyễn ở An Vinh, nổi tiếng không kém mà người có công gầy dựng sau này là võ sư Nguyễn Ngạc (Hương mục Ngạc). Dòng võ này có liên quan đến một nữ võ nhân là Nguyễn Thị Vũ, bà Tổ cô của Hương mục Ngạc, người truyền thụ quyền cước cho nữ tướng Bùi Thị Xuân trước đây;
  • Dòng võ họ Hồ ở Thuận Truyền, với sự nổi danh về đường roi của Hồ Ngạnh (Hồ Nhu). Dòng võ này cũng có gốc từ thời Tây Sơn nhưng đến đời Hồ Ngạnh mới nổi tiếng với nhiều môn sinh theo thụ giáo. Ngày nay, người ta còn nhắc đến câu: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” là vậy.
  • Dòng võ họ Diệp gắn với tên tuổi võ sư Diệp Trường Phát, người sáng lập võ phái Tây Sơn – An Thái;
  • Dòng võ họ Lâm, hình thành từ cuối thế kỷ XVIII gắn với tên tuổi võ sư Lâm Hữu Phong và võ phái Bình Sơn…

Được xây dựng trên nền tảng võ học uyên thâm, từ xưa hệ phái võ Tây Sơn đã hình thành nên tinh thần thượng võ trong lớp môn sinh để từ đó biết yêu chuộng lẽ phải, ghét cường quyền, chống áp bức, bất công… Với tinh thần ấy, ngay từ đầu cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, họ đã thu hút các bậc danh sĩ, võ tướng theo về đầu quân, được đông đảo nhân dân ủng hộ.

Ngày nay, về Tây Sơn, vùng đất hiền hòa bên dòng sông Côn thơ mộng, ngoài những di tích lịch sử của nhà Tây Sơn, chúng ta có thể đến thực địa các làng võ nổi tiếng vùng An Thái, An Vinh, Thuận Truyền, thăm võ đường của các bậc võ nhân nổi tiếng một thời để chiêm ngưỡng những thế võ cổ truyền Tây Sơn hiện vẫn còn được lưu truyền cho thế hệ môn sinh ngày nay, mà ngay ở xã Bình Nghi quê tôi, cũng có những danh sư như: Phan Thọ, Đỗ Hược, Tám Hoàng… còn cha tôi, thì gốc An Vinh nên cũng có chút chút, vừa đủ để bảo vệ mình và gia đình!

ẨM THỰC CHUYẾN ĐI

Mắt cá ngừ đại dương,

Phú Yên là một vùng đất được biển cả hết mực ưu ái khi vừa có những khung cảnh tuyệt đẹp, lại thêm phần ẩm thực đặc sắc. Bên cạnh những món như cá ngừ đại dương cuốn cải xanh chấm tương mù tạt, lẩu sứa, thì mắt cá ngừ đại dương là món mà chỉ cần nhắc đến thôi thực khách đã nghĩ ngay đến Phú Yên. 

Tuy là món đặc trưng nhưng mắt cá ngừ đại dương cũng nhiều lần khiến thực khách e ngại với lý do “nhìn to quá trông sợ sợ”. Thế nhưng, một khi đã thử qua món này, bạn chắc chắn sẽ vương vấn hương vị ngay khi rời khỏi Phú Yên. 

Cá ngừ đại dương thường nặng từ 40-50 ký, nên cầu mắt cũng khá to. Đầu bếp thường lấy mắt của cá cho vào một hũ đất nung nhỏ, thêm vào rau củ, gia vị và một số loại thuốc bắc như táo tàu, kỷ tử… Sau đó, họ sẽ đặt hũ đất này lên bếp lửa nấu chín. Tùy vào mắt cá ngừ to hay nhỏ mà một hũ có thể đựng một hoặc hai mắt cá ngừ để phục vụ thực khách. 

Khi ăn món này, thực khách sẽ gấp rau thơm thái nhỏ cho vào, trộn lên và dùng.

Điều đặc biệt là mặc dù món ăn được hầm với một số loại thuốc bắc, nhưng khi ăn bạn hầu như không cảm được vị thuốc át mùi cá. Khi mắt cá ngừ đại dương đã chín, người dân ở đây sẽ đem nguyên hũ có nắp đậy đặt trên một chiếc đĩa nhỏ ra cho khách. Bên hông đĩa, họ cũng không quên xếp một viên cồn và châm lửa lên để giữ nóng cho món ăn. 

Giữa thời tiết lúc nào cũng mát rượi nhờ gió biển thì việc húp một chút nước dùng, cắn một miếng táo tàu và thưởng thức mắt cá… sẽ khiến bạn cảm nhận rõ văn hóa ẩm thực của người dân địa phương. Bạn nhớ gắp thêm một đũa rau thơm, trong đó có rau tía tô thái nhỏ cho vào ăn kèm thì mới thấy hết được độ ngon của món ăn. Mắt cá ngừ khi ăn hơi bùi bùi, béo béo, nhiều người miền Trung còn cho thêm đậu phộng, bánh tráng vào ăn cùng. 

Mắt của loài cá ngừ được ví như đèn pha của đại dương vì chúng có khả năng nhìn rất xa. Bên cạnh đó, món ăn có giá trị dinh dưỡng cao vì giàu omega 3 và DHA, rất tốt cho mắt và trí não. Người kém thị lực hay có các bệnh về mắt nên ăn nhiều mắt cá ngừ đại dương kèm với gan của nó để chữa khỏi bệnh của mình.

Năm 2014, món cá ngừ đại dương của Phú Yên lọt vào top 10 đặc sản hải sản nổi tiếng của Việt Nam do Hội Kỷ lục gia Việt Nam bình chọn!

Đây là món gọi thêm ngoài menu của nhà hàng khách sạn SG – PY nên thật tiếc cho những ai không dùng món đặc sản có 1-0-2 này!

Nhà hàng Hàng Châu – Quy Nhơn,

Đây là nhà hàng mà Sở GTVT tỉnh Bình Định thường chiêu đãi chúng tôi khi có dịp đến Bình Định công tác và đây cũng là buổi ăn trưa đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến đất Quy Nhơn, với những món quen thuộc rặt Bình Định như: “Mực hấp chấm nước mắm gừng, rau lang luộc chấm cua đồng, thịt luộc, cà pháo mắm ruột, cá dìa chiên chấm nước mắm xoài, đặc biệt là 2 con cá mú hấp, cuốn bánh tráng mà bạn 6 Lèo kêu bổ sung”!

Nhìn chung, cả đoàn cho rằng một buổi trưa ngon miệng với những món ăn dân dã quê hương!

Nhà hàng Hoa Hoa, Tàu nổi một thời!

Đây là một nhà hàng chuyên bán thủy hải sản ở Quy Nhơn, trước đây nó nằm trên một con tàu cũ như là một loại hinh nhà hàng nổi! Nay, nó vẫn tựa vào con tàu đó nhưng mở rộng sang bên trái! Ở đây nổi bật là các món thủy hải sản đều tươi rói, thơm ngon và giá cả phải chăng!

Gỏi sứa Quy Nhơn,

Thực ra, món sứa này chúng dùng ngay ở bữa tối tại nhà hàng Hoa Hoa nhưng ở dạng cháo chứ không phải gỏi! và nước chấm rất ngon này chúng tôi hỏi chuyên gia nhà hàng,họ cho biết là một loại nước  lẫu từ các loại:  tôm – cua – ghẹ – thịt nạt!

Sứa có tên danh pháp là Scyphozoa, đây là một lớp nhuyễn thể, thân mềm, sống ở môi trường nước, thuộc giới động vật, Sứa thủy tức có cấu tạo chung giống nhau, nhưng sứa thích nghi với đời sống di chuyển ở biển.

Thân của con sứa có hình dạng như một cái túi rỗng, cũng gần giống như một cái ô, phía bên dưới túi là các tua xúc giác.Sứa chuyển động theo nguyên lí của một máy bay phản lực: để tiến về phía trước, nó co mình lại và đẩy về phía sau lượng nước mà nó chứa trong người.Sứa không có não, xương và tim.Chúng thuộc loài động vật không xương sống, có họ hàng với hải quỳ và san hô. Khi di chuyển, sứa co bóp dù, đẩy nước qua lỗ miệng và tiến về phía ngược lại.Tua miệng một số loài sứa gây ngứa, có khi gây bỏng da.

Gỏi sứa tai được làm từ “tai sứa”, sau khi được trộn kĩ với các loại gia vị như:  đường, muối, dấm…, các loại rau xanh hay hoa quả như xoài xanh bào sợi và một số loại rau thơm đặc trưng như húng, dăm là có thể dùng ngay. Gỏi sứa tai thì chế biến khá đơn giản nhưng “gỏi sứa chân” thì cần chế biến cầu kì hơn một chút vì cần trộn với thịt gà hay thịt lợn xé nhỏ sau đó cũng trộn với đậu phộng, xoài băm…

Rượu bầu đá, Cá sông Côn,

Đó là bữa ăn trưa, sau khi tham quan bảo tàng Quang Trung, do trời nắng gắt nên các lão tướng không còn sức để đi tham quan Suối hầm hô, chỉ cách chừng đó 3 km, về hướng Tây nam và càng không có thì giờ để đi tham quan nhà thờ Bủi Thị Xuân hoặc  lăng Mai Xuân Thưởng!

Đoàn chọn phương án nhàn hạ nhất là đi tìm quán thịt trừng Tây Sơn danh bất hư truyền, nhưng giờ chót do qui định cấm thịt rừng thật sự gắt nên quán này đã nghỉ bán và cuối cùng là chúng tôi phải cố tìm quán chuyên cá Mười Diên – Đồng phó (qua khỏi trạm thu phí và nhà máy đường Bình Định).

Nhìn chung,buổi cơm trưa toàn cá, tuy hơi nhiều xương nhưng đó là những món cá rất ngon: Cá lúi chiên, Cá trắng kho nghệ, cá mương nướng, cá sốc nướng và cá giếc nấu rau răm – ngò gai!

 

Bánh xèo tôm nhảy Gia Vỹ 2,

Bánh xèo tôm nhảy là một đặc sản nổi tiếng của người dân Bình Định.Bánh xèo tôm nhảy có vị ngon và nét độc đáo riêng.Tôm làm bánh xèo phải chọn kỹ,là thứ tôm đánh bắt đêm hôm từ đầm, phải còn tươi – nhảy liên tục! Bột đúc bánh xèo được hoàn toàn xay bằng tay cho nên đúc bột khá giòn.Nước mắm ăn kèm cũng là một phần không thể thiếu làm món ăn ngon hơn!

Ngay từ tên gọi, “bánh xèo tôm nhảy” đã gợi được sự tò mò, hứng thú của thực khách.Món ăn có cái tên như vậy bởi nguyên liệu đặc biệt để tạo nên món bánh xèo hấp dẫn chính là những con tôm đất đỏ au tròn mẩy, mới đánh bắt lên còn nhảy đành đạch.Đến với quán ăn, thực khách sẽ được lắng nghe âm thanh xèo xèo của bột, những con tôm tươi ngon trên bếp lửa, được nhìn người thợ đúc bánh luôn tay đổ bánh vô cùng điêu luyện.Những khuôn bánh xèo chín phủ tròn một lớp tôm đỏ hay những lát bò tái mềm, phủ trên đó là một ít giá, ít hành tây, hành lá thái nhỏ trông vô cùng tuyệt vời.

Bánh xèo tôm nhảy, mực, bò….nổi tiếng ở Qui Nhơn có nhiều như các quán Gia Vỹ, ông Hùng …nhưng tôi vẫn cố tìm quán mới nổi ở 70-72(?) Xuân Diệu: Bánh xèo tôm nhảy, mực bà Tư, vừa gần ks, vùa là nơi có không gian lãng mạn! vửa là nơi cô bạn đồng nghiệp Mai Khoa, nữ thi sĩ của Sở GTVT TP.HCM đã từng đên ăn và đê thơ khen tặng nhưng cuối cùng sao chẳng thấy! thế là cuối cùng chúng tôi đành vào quan Gia Vỹ 2, và đúng như danh bất hư truyền: Quán rất đông khách va ăn rất ngon! Chi tiếc chổ ngồi ăn không ngon:  qúa đông nên nóng nực, khó chịu: Mất ngon!)

 

Bánh canh chả cá Ngọc Liên – Qui Nhơn,

Món ăn đầu tiên phải nhắc đến ẩm thực Quy Nhơn là món bánh canh chả cá nổi tiếng ở đất võ. Món ăn này có thể dễ dàng được tìm thấy ở khắp các con phố. Điều đặc biệt của bánh canh chả cá hấp dẫn du khách khi du lịch đến Quy Nhơn đến từ những nguyên liệu làm nên món ăn này.Quán mà chúng tôi được các HDV ks Quy Nhơn giới thiệu là Ngọc Liên, cách ks Quy Nhơn chừng 1,5 km, trên đường Nguyện Huệ,nằm cạnh tòa hành chánh tỉnh /BV Qui Nhơn.

Ba nguyên liệu chính nhất phải kể đến là: bánh canh, chả và nước dùng.Chả cá ở đây được chế biến từ những con cá tươi ngon nhất mới vừa được đánh bắt từ biển về và được tẩm ướp gia vị rất kĩ. Sợi bánh nhìn trong và ăn dai dai lạ miệng được làm từ bột gạo pha bột mì.Nước dùng của món bánh canh chả cá là nước ninh phần đầu và xương cá sau khi lọc hết phần thịt ra, không giống với nước dùng của các nơi khác.Sau khi đã dùng bánh xèo tôm nhảy,trên đường trở lại ks, theo giới thiệu của cô Vân, anh em cầm lòng không đậu, nên đã ghé, thử làm mỗi người một tô và do thực sự ngon nên ai cũng hoàn thành nhiệm vụ!

 

Những món còn phải tiêp tục thử mỗi khi Đến Bình Định

  1. Bánh hỏi cháo lòng Diêu trì,

Đây là món mà theo chương trình tour vào ngày cuối cùng, chúng tôi sẽ bỏ buổi buffet sáng tại ks, chạy thẳng đến ngã ba Phú Tài để thưởng thức và vượt đèo Cù Mông để về Phú Yên!Nhưng giớ chót, do rút ngắm hành trình, chúng tôi trở về Nha Trang từ chiều thứ 3 nên đành chờ dịp khác!

Người dân Bình Định quê tôi ngày xưa nuôi nhiều heo lắm.Nhà nào cũng heo đầy chuồng, nhà nào ít cũng nuôi một hai con để tết làm thịt.Heo ngày xưa ăn cám, ăn rau lang, rau muống, được nấu cháo gạo tấm, gạo lừng cho ăn nên thịt heo thơm lắm.Heo ngày đó quý nên chỉ giỗ chạp hay tết nhất mới dám làm thịt một con.Thịt heo nuôi săn chắc, ăn ngon mà không bị quá tanh mùi thực phẩm như bây giờ! 

Không biết từ khi nào món “cháo lòng / bánh hỏi Bình Định” quê tôi đã trở thành món đặc sản, được nhiều người yêu thích đến như vậy.Nếu bạn chưa ăn, tôi có thể giới thiệu cho bạn rõ và đề nghị có dịp hãy thử một lần để nhớ:

Cháo: đặc điểm của cháo lòng Bình Định là được nấu rất lỏng. Cháo khi nấu xong có màu trắng của gạo, màu vàng của nghệ chứ không đen đen do màu huyết và đặc quánh.Không cần bỏ dầu mỡ gì, chỉ mỡ heo được tạo ra từ bộ lòng cũng đủ nhìn nồi cháo lấp lánh! Cháo chín người ta bỏ lá hành xắt nhuyễn hoặc vài cọng lá hẹ (đặc biệt ở đây,lá hẹ nhỏ nhưng rất thơm-ngon)! Vài chỗ còn cho thêm hành tím củ xắt lát phi thơm.Chỉ bao nhiêu đó cũng đủ thấy món cháo ngon rồi!

Lòng: thường người ta chọn bộ lòng của con heo vừa mới mổ. Bộ lòng kèm với tim, gan và cật.Tất cả rửa sạch sơ chế rồi bỏ chung vào nấu với gạo.Khi bộ lòng tim gan này vừa chín là vớt ra để nguội và xắt sắp lên dĩa.

Bánh hỏi: là loại bánh hỏi được làm đúng từ bằng bột gạo nên thơm ngon và khá dai.Bánh hỏi làm từng thớ nhỏ, mỏng vừa miệng ăn rồi trét lên đó tí dầu đã chín pha thêm hẹ loại nhỏ (hẹ lá nhỏ nhưng thơm ngon hơn hẹ to ở SG nhiều!)

 

               2. Chim mía Phú Phong,

Đồng mía Tây Sơn ngút ngàn xanh, là chỗ cho chim mía sinh sôi, nảy nở, gọi mời du khách. Đó là loại chim nhỏ như chim sẻ, có màu lá úa thường xuất hiện vào những tháng cuối đông và đầu xuân. Loài chim này cư trú từng đàn trong đám lá mía, mỗi đàn dông tới cả ngàn con.Chỉ ở đây mới có loài chim này bởi vậy nên người ta gọi là chim mía Phú Phong, món đặc sản nức tiếng ưa chuộng của du khách đến thăm quê hương đất võ Tây Sơn.

Đồng mía ngút ngàn xanh, là chỗ cho chim mía sinh sôi, nảy nở

Muốn đánh bắt chim mía, người ta dùng cái trủ như tấm lưới, căng suốt bờ ruộng cao hơn ngọn mía, cầm sào dài đập vào lá mía, rung đuổi chim,cứ thế chúng chuyền dần vào trủ.Những chú chim mía béo tròn, được làm sạch sẽ và tẩm ướp gia vị rồi đem nướng hoặc rán vàng, cách chế biến cực kỳ đơn giản nhưng lại cho ra một món ăn ngon đến tuyệt vời.  Khi nướng, nhanh tay lật trở để chim chín đều và không bị cháy.

Khi những chú chim mía chuyển sang màu vàng rộm, mỡ chảy xèo xèo trên bếp than và dậy mùi thơm là món chim nướng đã hoàn thành. Chim mía nướng nóng giòn chấm muối tiêu chanh, thơm ngon phải biết.Để làm món chiên thì thả chim vào chảo dầu phụng vừa sôi, chỉ mươi phút là chim vàng ngậy, xương thịt giòn tan. Cho chim ra đĩa, rắc thêm lên một ít hạt mè rang cho đẹp mắt.Muốn ăn đúng món chim mía, hãy tinh ý chọn những con đầu nhỏ, mỏ ngắn. Chim rán xong còn đủ cả đầu, mình, chân,cánh thơm lựng!

 

              3. Gié Tây Sơn,

Gié bò là món ăn của người dân tộc Bana ở vùng cao thuộc hai huyện An Khê (Giáp Tây Sơn quê tôi, nay đã thuộc về tỉnh Gia Lai!) và Vĩnh Thạnh. Qua tiếp xúc, món ăn này được người đồng bằng thấy hợp khẩu vị nên đã phát triển trong cộng đồng người Kinh vùng đất Tây Sơn – Bình Định.

Gié bò là món ăn chế biến chủ yếu từ ruột non của bò.Khi mổ bò,chọn khúc ruột non ngon nhất,còn tươi, bên trong ruột còn chất nhầy trong xanh gọi là gié.Ruột phải tươi mới thì chất gié này không hôi, mới dùng được. Xổ phần gié trong ruột non ra, ruột để riêng. Ướp muối, tiêu, hành, tỏi băm nhỏ vào gié trong mươi phút cho ngấm.Sau đó đun nóng dầu, phi hành thơm,cho gié đã ướp vào xào cho chín. Đổ nước dừa tươi vào nấu sôi khoảng 15 phút, vớt kỹ bọt, để nguội lấy nước trong.

Ruột non, gan bò cắt đoạn hoặc miếng vuông, ướp với hành, tỏi, muối, tiêu. Phi nóng dầu xào cho gan và ruột dậy mùi thơm rồi để nguội.Phần huyết bò khi mới cắt tiết đem luộc chín, người địa phương hay lót miếng lá chuối dưới đáy nồi hoặc chảo để giữ cho huyết không dính đáy nồi, tránh bị sít.Huyết cũng được cắt cỡ như miếng gan. Tất cả các nguyên liệu trên được cho vào nồi nấu chung với nước gié.

Quan trọng ở giai đoạn này là cho vào những gia vị tạo hương để khử mùi hăng của gié.Đó là sả cây, gừng nướng cho thơm, tai vị đập dập cho vào nồi nấu sôi khoảng 15 phút.Sau đó cho thêm lá giang rửa sạch, vò nát vào sẽ làm cho nồi gié có vị chua. Nêm gia vị lại cho vừa ăn là được.Theo người địa phương, ăn gié đúng gu phải cho thêm vài giọt mật bò vào nồi cho có vị hơi nhân nhẫn, đắng đậm mới ngon.

“…Rất lạ lùng
Rất quyến rũ
Tây Sơn
Quê hương người anh hùng áo vải
Nơi chén rượu nhấp môi nồng đến cháy
Nơi quanh năm chim mía gọi nhau về
Nơi anh có em và có bạn bè
Nơi nước sông Côn không bao giờ ngừng chảy
Như nhớ thương của anh đi về nơi đó mãi
Xin một phần đời ở lại với Tây Sơn…”
(Thuận Hữu)

 

          4. Cua Huỳnh đế,

Món cua huỳnh đế hay hoàng đế (có lẽ do màu đỏ sắc sảo của ông hoàng bà chúa?) có thể gọi là món đặc sản biển nổi tiếng nhất nhì Bình Định
Cua đế là loại cua có lớp mai dày, có màu đỏ rực như màu của áo vua chúa, trên người phủ những lớp gai li ti xuôi theo thân, phần càng lớn và sắc là đặc điểm khác biệt so với các loại cua khác.

Các món ăn có thể chế biến từ cua huỳnh đế có thể kể đến là hấp, luộc, rang (rang me, rang muối) hoặc nướng.Nhưng món ăn mà du khách và người dân thích nhất vẫn là hấp lên và ăn cùng muối tiêu, hoặc nấu cháo.

 

              5. Bánh ít lá gai,

Bánh ít lá gai là món tráng miệng đặc biệt, thức quà được nhiều du khách chọn mua về biếu người thân.Bánh mềm, dẻo, ngọt vừa, được làm từ lá gai, đậu xanh, dừa, gừng.Cách thưởng thức đúng chuẩn là ăn chậm rãi từng miếng một để cảm nhận từ từ hương vị thơm ngon.Bạn có thể ghé cửa hàng nổi tiếng trên đường Chương Dương để mua về làm quà. Giá: 3.500 – 4,500 đồng/chiếc và để nhớ về chuyến đi về Bình Định quê tôi, nên tôi nhờ đứa cháu tậu cho các bạn trong đoàn mỗi người (hộ)một phần quà bánh ít lá gai, để về tưởng thức và hiểu thêm câu: “Muốn ăn bánh ít lá gai/Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”!

 

Bò Lạc cảnh – Nha Trang,

Đây là thương hiệu nổi tiếng từ trước năm 1975! Nên hễ có dịp ghé qua Nha Trang, là chúng tôi luôn cố gắng đến để có dịp thêm một lần thưởng thức món ăn quen thuộc & nổi tiếng này! Các bạn đi tour Nha Trang, có thể tìm đến địa chỉ 44 – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nha Trang, Khánh Hòa (cạnh bờ biển) là gặp! nhưng nay đã chuyển sang số 77 – Nguyện Bỉnh Khiêm tức đối diện với ngôi nhà cũ!

Đây là quán ăn có tuổi đời hoạt động lên đến 50 năm (tức nửa thế kỷ) và là một trong những địa chỉ được các tín đồ ẩm thực yêu thích nhất! Theo các chuyên gia ẩm thực, thịt bò sau khi được rửa sạch,cắt thành miếng nhỏ vừa ăn và tẩm ướp với hơn 10 loại gia vị theo công thức gia truyền. Một trong những gia vị quyết định sự ngon của món ăn chính là mật ong với màu sắc hấp dẫn. Chính vì sự kết hợp độc đáo đó đã làm nên món bò nướng Lạc Cảnh Nha Trang ai ăn rồi cũng ghiền, khó quên!

Món bò nướng Lạc Cảnh Nha Trang thường được ăn kèm với rau sống gồm:  xà lách, cà chua, hành tây, hành ngò, dưa leo kèm với muối ớt trộn chanh nhưng có điều rất dở là kêu thêm rau, là phải tính thêm tiền!

Thực khách có thể gọi thêm bánh tráng hoặc bánh mỳ để ăn kèm với thịt bò nướng.Những món ăn kèm này có tác dụng tăng thêm gia vị cho món ăn chính và giảm độ ngán khi dùng thịt bò! 

Kỳ này cũng vậy, chúng tôi gọi món chính là bò lạc cảnh; món kế tiếp là bò mỡ chài nướng cuốn bánh tráng (Đem bánh ra trễ, trong lúc chúng tôi đói, nên đã ăn gần hết)! món thứ ba là chả đùm lương (thay cho  bò!), món thư tư là cháo bò (không chuyên nên không ngon bang món cháo bò thuộc Bò Lapagode – SG).

 Bị chê nhất, là tuy đã chuyển sang một ngôi nhà 4 tầng đồ sộ, nhưng do thiết kế hệ thống hút khói kém, nên thực khách bị mùi khói nồng nặc làm cay mắt thực khách,ăn mất ngon và đúng như triết 1ý ẩm thực của thi sĩ Tản Đà: “Đồ ăn ngon, giờ ăn ngon, người ngồi cạnh ăn ngon….nhưng chổ ngồi ăn không ngon nên ăn mất ngon”!

 

KHÁCH SẠN CHUYẾN ĐI

  1. Khách sạn Phú Yên:

4 đêm 5 ngày, chúng tôi ngủ đến 3 khách sạn: 4* Sai Gon –PhuYên, tuy 4* m nhưng thực chất chỉ chừng 3 sao! Thủ đát một khuôn viên rộng và thoáng mat vì cạnh biện nhưng thiếu sự chăm  sóc từ bên tronh phòng ốc đến khuôn viện bên ngoài!

     2. Khách sạn Qui Nhơn (số 8 Nguyễn Huệ) :

Về đẳng cấp thì chỉ 3* và nay cũng xuống cấp mà mình góp ý đến 4 điểm: Trước sân thiếu vòi nươc hay ô chứa nước dành cho khách tắm biển rửa chân trước khi vào phòng tắm; phòng ngủ thiếu trà, cafe và cả muổng pha cafe; bồn nước toilet: lúc xả lúc không; không có phòng nội bộ miễn phí hoạc giảm phí cho lái xe, kể ca xuạt ăn sáng cũng vậy!;

     3. Khách san Lucky Sun (100/8B, Trần Phú –Nha Trang)

Đây là khách sạn đẹp nhất trong 3 ks mà chúng tôi đã lưu trú và đúng với danh hiệu 4* của mình.Phòng ốc mới xây dựng nên những trang thiết bị cũng khá hiện đại, gần như hầu hết đều tự động! chỉ có một điều chưa tương xứng là buổi buffet sáng không xứng tầm!

 

CHUYỆN VUI HÀNH TRÌNH

Hành trình nào cũng thế! Chỉ có những câu chuyện vui được kể thì chuyến đi mới ngắn lại và đích đến hành trình càng nhanh:

  1. Chơi chữ:

Khi gặp bạn Tuấn chủ quán lẫu đuôi bò Núi Trúc ở Quận 2, Bạn Hải thấy bạn chủ vui tính nên gọi lại hỏi nhỏ: bạn là “Tuấn (Tứng) né” hay “Tứng ní” mà tiếng nói lái là rát hay: “ Té cũng nưng” hoạc “ Tí thì nưng” vì thật chí lý nên chủ quán đành chấp nhận Tuấn nào tùy bạn Hải!

     2. Dặn dò khi uồng rượu bia:

Chỉ nên uống vừa phải để còn về còn trả bài, nếu không lần sau các phu nhân sẽ ở nhà thôi! vì đã thay dổi không khí đầy lãng mạn nhưng không có chút tiến bộ gì! thì lẩn sau ở nhà sẽ tốt hơn!

     3. Chàng thanh niên BĐ chất phát:

Anh Thông khi gọi nước ép trái thơm, do chỉ còn “nửa trái” nên bạn ấy không xay bán, vì muốn lấy tiền thì phải xay đủ cả trái! Quá thành thực phải không các bạn!?

     4. Kỳ Co (Vừa kỳ – vừa cọ); Eo Gió (Vừa o – vừa déo);

 

KẾT THÚC CUỘC HÀNH TRÌNH

Với hơn 134 km đường bờ biển, Bình Định sở hữu nhiều bãi biển đẹp nên thơ.Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi, rừng hoà cùng sóng biển dịu êm ở Kỳ Co hay biển xanh cát trắng tại Eo Gió.

Bạn có thể đến bãi tắm Hoàng Hậu – Gành Ráng hoặc ở bãi biển Kỳ Co (đẹp tựa như các bãi Dốc lết –Nha Trang hoạc Bãi Sao –Phú Quốc hoạc Pattaya –Thái Lan; kỳ này tôi đã 3 lần tắm ở biển QN đều kém, nước o sạch, rác quá nhiều, chỉ có kỳ này nhờ cát bồi nên bãi biển cũng lài,đủ an toàn cho những ai không biết bơi như tôi)  đắm mình trong làn nước mát lạnh, cảm nhận hương vị của gió, chạm nhẹ từng đợt sóng vỗ giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ hay thả bộ chân trần trên cát, ngắm hoàng hôn buông dần trên biển! Địa thế trước mắt là biển, sau lưng là núi thổi vào mảnh đất du lịch này nét đẹp vừa nhẹ nhàng lãng mạn lại vừa hùng vĩ trầm mặc. 

Ngoài ra, Bình Định là vùng đất giàu giá trị văn hoá – lịch sử với hệ thống 13 tháp Chăm (Phần lớn hình như còn nguyên vẹn), nhiều di tích về triều đại Tây Sơn oai hùng, các loại hình nghệ thuật nổi tiếng như:  bài chòi, tuồng; võ Bình Định; các lễ hội cầu ngư, làng nghề truyền thống…, cùng nhiều đặc sản ngon, dân dã và con người thân thiện. Đây là những lợi thế để phát triển du lịch đang được Bình Định khai thác triệt để.

Hướng đến một bản sắc du lịch riêng biệt, Bình Định phát triển du lịch lịch sử – văn hóa – tâm linh hoàn chỉnh; đồng thời, đẩy mạnh loại hình du lịch hội nghị, khoa học, gắn với Trung tâm Khoa học quốc tế Giáo dục liên ngành (ICISE) của Giáo sư Trần Thanh Vân. Hiện nay, mỗi năm Bình Định đón hơn 1.000 nhà khoa học, đây là cơ hội vàng để quảng bá du lịch Bình Định.

Đến Bình Định, bạn sẽ được đắm mình vào bản giao hưởng tuyệt sắc của thiên nhiên của một thành phố ven biển, nằm dưới chân núi, có rừng trong phố, biển – đầm – hồ trong phố, vừa cảm nhận một “xứ Nẫu” bình dị qua cuộc sống đời thường của người dân hay tìm hiểu những câu chuyện đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo thống kê, tính riêng trong năm 2019,ngành du lịch Bình Định ước đón được hơn 4,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch ước đạt 6.000 tỷ đồng. Với mục tiêu đề ra đến năm 2020 du lịch Bình Định sẽ đón 5,5 triệu lượt khách, trong đó có 800 nghìn lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,5%/năm; doanh thu 10 nghìn tỷ đồng.

Đầu năm 2020, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) là một trong ba thành phố du lịch của Việt Nam nhận giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2020 tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á – ATF 2020 tổ chức ở Brunei. 

 

Bình Định sẽ trở thành “thỏi nam châm” về du lịch (?)

Được kỳ vọng là sẽ trở thành thủ phủ du lịch mới của Việt Nam, Bình Định đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch kết nối liên vùng từ sân bay, nhà ga đến các danh thắng, di tích, các điểm du lịch.Cụ thểdự án giao thông đường trục khu kinh tế Nhơn Hội nối dài, đường vành đai 2, cầu Nhơn Hội nối với khu du lịch Hải Giang và tuyến cáp treo hiện đại dài gần 3 km nối thành phố Quy Nhơn với khu Hải Giang, cầu Thị Nại 2,3… Hiện nay, nơi đây cũng đang gấp rút hoàn thành tuyến đường quốc lộ 19B nối từ sân bay Phù Cát đến Khu kinh tế Nhơn Hội, rút ngắn khoảng cách di chuyển và góp phần thu hút các nhà đầu tư đến với vùng đất giàu tiềm năng này.

Bốn đêm năm ngày vội qua đi, theo lịch sáng thứ 4 ngày 10/6/2020 chúng tôi đã lên đường trở về thành phố HCM từ TP. Qui Nhơn, nhưng do cần rút ngắn cung đường,chiều thứ 3 sau khi rời Kỳ Co – Eo Gió, chúng tôi đã trực chỉ TP biển Nha Trang!

Chia tay Bình Định, mình luôn nhớ về một thời thanh thiếu niên khi còn học trung học ở các trường PTTH Tây Sơn (Góc đường Đống Đa –Trần Hưng Đạo) hoặc 2 năm cuối ở Trường Cường Đễ – Qui Nhơn, một trường danh tiếng nhất vùng! (Nay là trường Quốc học; Năm 1975 đất nước thống nhất, Trường Cường Để – Quy Nhơn được đổi tên thành trường cấp III Quang Trung, sau đó đổi thành Trung học Quang Trung; có một số cựu học sinh danh tiếng như: Nguyễn Hữu, Lê Văn Thiêm, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Đặng Hữu – Viện sĩ Khoa học của Liên Xô (cũ), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng, Quách Tấn, Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam) .

Chia tay Qui Nhơn, trực chỉ Nha Trang,mình không thể nào quên tuy đã về hưu gần chục năm, nhưng nhờ gắn bó với nghề qua vai trò chủ tịch hiệp hội VTHK TP.HCM, nên mình vẫn còn thường xuyên giữ được mối quan hệ với ngành GTVT Bình Định, mà gần đây nhất là:

  1. Chuyến đi tập huấn nghiệp vụ dành cho các đối tượng: lái xe, nhân viên phục vụ trên xe hoặc NĐH vận tải, với sự hỗ trợ tối đa của các bạn Đặng Văn Ái – Pgđ Sở GTVT hoặc bạn Đặng Cao Thanh – TP vận tải hoặc các bạn Tiên, Thắng, Trà ,Tuấn, Hoa, Trịnh, Nguyên..;
  2. Hoặc chuyến về QN cùng Ts Vương và cháu Thảo thuộc công ty DMF, nhà cung ứng thiết bị bán vé off line rất tiên tiến (có thể bán vé lượt hoặc áp dụng cả thẻ quẹt hay quẹt mã QR) với hy vọng vừa giúp đỡ hội viên,vừa giúp cho một số DN tỉnh nhà có cơ hội áp dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực GTVT ….;

Quay về thành phố, bỏ lại nhũng ngày nắng nóng sau lưng và trở về với không khí mát dịu của mùa mưa tháng 6, đang bắt đầu trở lại SG – TPHCM!

Kết thúc cuộc hành trình, chúng tôi không quên cám ơn nhà tài trợ vàng là vợ chồng bạn Vân – Sáu Lèo & vợ chồng Hạnh – Ca nhà tài trợ bạc và cà nhà tài trợ đồng vợ chồng bạn Hải, đã chiêu đã món Lẫu đưôi bò ở Quán Núi Trúc – Q2  trước khi về đến nhà!

Và hy vọng sẽ có một ngày không xa, chúng tôi lại có dịp tiếp tục lên đường, với dự kiến chuyến cuối năm viếng thăm thành phố ngàn hoa Đà Lạt” vào dịp tiền noel hoạc Festival hoa, đề kết thúc một năm vất vả vì đại dịch!

Còn hay hơn nữa là, nếu có dịp trở lại chính ở TP Qui Nhơn – tỉnh Bình Định quê hương đất võ – trời văn (Nơi đây vốn nổi tiếng với truyền thống thượng võ đã trở thành bản sắc riêng, sản sinh nhiều anh hùng với tài thao lược, có võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Vùng đất này cũng là nơi nuôi dưỡng, phát triển tài năng của nhiều nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn…) để chứng kiến những bước tiến mới, tuy chậm nhưng mà

chắc, của quê hương – khúc ruột miền Trung, từng là thủ đô của vương quốc Chiêm Thành, một thời rực rỡ, với thành Đồ Bàn uy nghi tráng lệ và cảng Thi lị Bi Nại danh bất hư truyền,tuy ngày nay muôn ma Hời quờ quạng dắt nhau đí! nhưng đã được tạp chí HostelWorld (trang web đặt phòng hàng đầu thế giới dành cho ngành du lịch) bầu chọn:

– Cuối năm 2019, Quy Nhơn là một trong 20 địa điểm tuyệt nhất dành cho dân du lịch năm 2020;

– Đầu năm 2020, thành phố Quy Nhơn tiếp tục được nhận giải thưởng Thành phố du lịch sạch Asean 2020 tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á – ATF 2020;

– Qui Nhơn ngày nay, được bình chọn một trong 5 TP ở Việt Nam mà khách du lịch trên thế giới nên đến một lần trong đời ((Hà Giang (xếp hạng 4/20 TP); Phong Nha – Kẽ bàng (6) Ninh Bình (10); Hạ long (18); Qui Nhơn (20/20); trong khi Phú Sĩ sơn – Nhật chỉ ở vị trí thứ 18!) và cũng chính vì thế mà chuyến đi vừa qua của đòan chúng tôi thật tuyệt vời:

“Vừa kích cầu sau đại dịch theo lởi kêu gọi của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, vừa khám phá những nơi mà thế giới du lịch khuyến cáo chúng ta không thể bỏ qua”!

 

 

 

Tính Trung

Author Since:  20 Tháng Năm, 2019

Leave a Reply