GÓP Ý QUY HOẠCH ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG NĂM 2021

  1. Homepage
  2. Tin tức và Sự kiện
  3. Quan điểm hiệp hội
  4. GÓP Ý QUY HOẠCH ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG NĂM 2021
de an quang cao tren xe bus

Qua nghiên cứu các tài liệu do Sở GTVT gởi kèm theo thư mời họp, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau: 

A) Về mặt tổng quan: 

  • Về qui hoạch sân bay thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050
  1. Với 22 sân bay hiện hành và sẽ xây dựng mới thêm 6 sân bay nữa, sẽ là quá nhiều với VN ta hiện nay, vì ở mật độ này, trên 95% dân số đã có thể tiếp cận đến các sân bay trong bán kính 100 km, là cao hơn mức trung bình ở các nước trên thế giới; 
  2. Cần bổ sung cả qui hoạch các sân bay chuyên dụng vì ngày nay nhu cầu sử dụng các phương tiện thiết bị tân tiến đã và đang thay đổi sâu sắc nhu cầu đi lại của người dân như: đường sắt tốc độ cao, xe ô tô tự lái, taxi bay…
  3. Cần nghiên cứu bổ sung Luật hàng không 2014 vì không nên giao cho Bộ QP mở và đóng các sân bay chuyên dụng nói chung, mà chỉ quản lý các sân bay quân đội;
  4. Các tiêu chí để xây dựng các sân bay mới cần nên bổ sung tiêu chí quan trọng nhất là: tính hiệu quả kinh tế vì nguồn lực có hạn, nếu đầu tư dàn trải là có hại cho đất nước (theo số liệu chúng tôi biết được, hiện 22/24 sân bay có trên cả nước, chỉ có 2 sân bay đảm bảo kinh doanh có lãi!); 
  • Qui hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050
    1. Hơn 30 năm qua, việc phân bổ đầu tư mạng lưới đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc cho TP.HCM nói riêng và cho các tỉnh miền Nam nói chung là quá ít, chưa tương xứng với khả năng đóng góp cho ngân sách TW, đồng thời hiện nay đó là lực cản cho phát triển KT-XH ở khu vực năng động này. Do đó, nghiên cứu kỳ này, cần cho điều chỉnh tăng ít nhất khoảng 30% so với dự thảo, số km đường cao tốc dành cho TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
    2. Qui hoạch mạng lưới đường bộ nói chung và mạng lưới cao tốc nói riêng, thời gian qua, kể từ 1990 đến nay, gần hơn 30 năm là bất hợp lý: đã không dựa vào tiêu chuẩn quan trọng nhất là “suất sinh lợi kinh tế” của các dự án đường bộ, đã dẫn đến sự kìm hãm phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực TP.HCM và vùng phụ cận nói chung;
    3. Trong 1000 km đường cao tốc đã xây dựng, TP.HCM chỉ có 95km (chưa tới 10%!) và các tỉnh miền Trung được 131 km (chỉ 13%), còn lại chủ yếu 774 km là kết nối với Hà Nội! Còn 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không có % nào! 
  • Qui hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
  • a) Vận tải đường sắt là phương thức vận tải có khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải khác, để hình thành nên“vận tải đa phương thức” đóng vai trò chủ lực trong việc hạ giá thành vận tải trong lĩnh vực vận chuyển logistics, phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu.

Do đó, trong qui hoạch mạng lưới đường sắt cần ưu tiên kết nối mạng với các phương thức vận tải khác như: đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường ống;

b) Mạng lưới đường sắt xuất hiện ở VN ta từ thời Pháp thuộc (1881), khá sớm so các nước trong khu vực ĐNA, châu Á và tương đối hoàn chỉnh. Thế nhưng, sau khoảng 140 năm quản lý, điều hành và khai thác, chúng ta đã chẳng những không làm tròn nhiệm vụ là duy trì và phát triển hệ thống, mà trái lại còn để cho hệ thống ngày càng teo tóp lại!

c) Thậm chí, chúng ta còn phá bỏ những tuyến đường sắt quan trọng mang tính kết nối vùng như: Sài Gòn – Mỹ Tho (thuộc Đồng bằng sông Cửu Long); Sài Gòn – Lộc Ninh (thuộc Miền Đông Nam bộ) hoặc ở TP.HCM, phá bỏ những tuyến đường sắt kết nối với Cảng Sài Gòn hoặc Tân Cảng…

d) Cho nên mạng lưới đường sắt trong thời gian tới, theo ý kiến chúng tôi là: ngoài việc tập trung phục hồi những tuyến đường sắt đã có; cần tập trung nguồn lực mở mới các tuyến nối với khu vực cảng phục vụ cho xuất, nhập khẩu như: Cát Lái, Hiệp Phước, Thị Vải… đồng thời, từng bước nâng cấp khổ đường sắt, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý, điều hành và vận chuyển hàng hóa hành khách ngày càng có hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở từng địa phương cũng như trên phạm vi cả nước.

B) Về một số chi tiết:

  • Các tuyến cao tốc ở TP. HCM nên bắt đầu từ VĐ II thay vì VĐ III như đề nghị của DT qui hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại; đồng thời tạo điều kiện cho nhà đầu tư khi xây dựng;
  • Cần xem xét lại việc kết nối không đồng bộ (về bề rộng mặt đường, số làn xe…) với các tuyến đường bộ từ các tỉnh lân cận về TP.HCM; tình trạng đường ở tỉnh lớn, về TP nhỏ là khá phản cảm!
  • Đường sắt nối từ sân bay TSN về sân bay Long Thành không nên chuyển tuyến;
  • Ga đường sắt Hòa Hưng nên di dời về Ga Bình Triệu nhằm tránh ách tắt và tai nạn giao thông; Có thể nối 2 khu vực này bằng đường sắt trên cao./.

 

Lê Trung Tính,

Thành viên Hội đồng tư vấn

GTĐT TP.HCM

(12/03/2021)

Tính Trung

Author Since:  20 Tháng Năm, 2019

Leave a Reply