LÀM GÌ ĐỂ CÁC HIỆP HỘI VẬN TẢI CƠ SỞ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN?

  1. Homepage
  2. Tin tức và Sự kiện
  3. Quan điểm hiệp hội
  4. LÀM GÌ ĐỂ CÁC HIỆP HỘI VẬN TẢI CƠ SỞ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN?
LOGO HIEP HOI VATA

Vai trò của Hiệp hội,

Hiệp hội là một tổ chức tự nguyện, phi lợi nhuận của các cá nhân, tổ chức cùng ngành nghề,cùng sở thích, có chung mục đích:“tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên với tiêu chí Hợp tác – Phát triển – Bền vững”. Tùy theo ngành nghề kinh doanh, có loại hiệp hội đa ngành, hiệp hội cùng một ngành hay một lĩnh vực hoạt động…

Một trong các cam kết quan trọng khi Việt Nam gia nhập WTO là Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, vì thế vai trò của các hiệp hội ngày càng được nâng cao.Điều này đã được thể hiện qua việc phần lớn các trường hợp tranh chấp, dàn xếp trong thương mại quốc tế là do các hiệp hội đứng ra thực hiện, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Để cạnh tranh, tồn tại và phát triển được, doanh nghiệp phải giải quyết tốt mối quan hệ đan xen giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với Nhà nước, giữa doanh nghiệp với xã hội.Trong mối quan hệ này hội, hiệp hội đóng vai trò trung gian tích cực góp phần thỏa mãn nhu cầu bảo vệ quyền, lợi ích của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội. Từ đó,  cho thấy sự ra đời của các hội, hiệp hội là xu thế tất yếu mang tính khách quan nhằm tác động vào sản xuất, tổ chức lưu thông sản phẩm và tham mưu cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế.

Thực trạng hiện nay,

Xác định được vai trò, vị trí của các hiệp hội trong nền kinh tế quốc gia cho nên Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã ra đời từ hơn 20 năm nay và tiếp theo đó, ở các tỉnh, thành phố hiện nay hầu hết đều đã có hiệp hội thành viên của mình (43/63 tỉnh thành). Chỉ tính riêng ở địa bàn TPHCM hiện nay, do số lượng xe và DN-HTX nhiều, nên đã hình thành  đến 4 hiệp hội chuyên ngành vận tải như: Hiệp hội vận tải Taxi (Hiệp hội Taxi), Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch (Hiệp hội VHHKLT&DL), Hiệp hội vận tải hàng hóa (Hiệp hội VTHH) và Hiệp hội vận tải xe buýt (Hiệp hội xe buýt).

Qua tìm hiểu thực tế, tình trạng hoạt động của các hiệp hội vận tải thời gian qua cũng chỉ đạt mức “cầm chừng”, chưa có một cơ sở gì để loại hình này tồn tại và phát triển một cách bền vững. Ngay những ngày đầu thành lập, Hiệp hội Taxi TP.HCM là một trong những hiệp hội hoạt động năng động và hiệu quả nhất, tuy chỉ có 12/28 DN-HTX tham gia hiệp hội nhưng về số lượng phương tiện lại đạt 80-90% tổng số xe taxi có trên địa bàn TP.HCM, nên cũng đại diện được cho tiếng nói chung của khối DN-HTX, nhưng sau đó cũng chưa tìm ra hướng đi để ngày càng phát triển nếu không muốn nói là bắt đầu thụt lùi!

Còn ở thời điểm hiện nay, Hiệp hội hoạt động mạnh nhất có lẽ là Hiệp hội vận tải hàng hóa, tuy ra đời sau các hiệp hội khác nhưng đã tập hợp được khoảng 100 DN-HTX với khoảng 5.000 đầu phương tiện, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 1/3 số DN-HTX cũng như phương tiện của khối này; Hiệp hội VTHKLT & DL thì sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng, chỉ mới bắt đầu tái hoạt động khởi sắc ở nhiệm kỳ 3 (2012-2017) nhờ có bộ máy riêng nhưng cũng chỉ đạt chừng 15% DN gia nhập hiệp hội (86/650 DN) và ước được khoảng 60% (9000xe/15.000xe)số lượng phương tiện; Riêng Hiệp hội xe buýt hình như chỉ thấy sự hiện hữu khi có nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến xe buýt cần phải lấy ý kiến để kiến nghị với chính quyền hoặc Bộ GTVT…

Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này, qua trực tiếp khảo sát ý kiến của một số doanh nghiệp – Hợp tác xã (DN-HTX) chúng tôi nhận thấy do một số nguyên nhân sau:

Thiếu kinh phí để nuôi bộ máy,

Hiện nay chỉ trừ hiệp hội VTHH là có đầy đủ kinh phí để hoạt động, còn phần lớn các hiệp hội khác thì không đủ. Phần lớn hội phí được thu theo đơn vị theo mức khá thấp: 100.000đ -200.000 đ/tháng/đơn vị,  tức chỉ 1,2 triệu đến 2,4 triệu/năm mà các DN-HTX hội viên thì không nhiều: khối xe buýt chỉ dưới 15 đơn vị, khối VTHKLT&DL đến gần  650 đơn vị vận tải, hộ kinh doanh ( HKD) nhưng chỉ có 86 hội viên, khối taxi chỉ có 28 đơn vị nhưng chỉ có 12 hội viên. Nhìn chung, kinh phí của mỗi Hiệp hội chưa đạt mức 100 triệu VNĐ/năm, nên khó có thể có được bộ máy chuyên trách cần tối thiểu khoản 150 – 350 triệu VNĐ/năm.

Vào hiệp hội có lợi ích gì?

Đây là câu hỏi không chỉ đối với những DN-HTX khi chúng ta đến vận động họ tham gia hiệp hội mà còn là câu hỏi của chính những hội viên tham đã là thành viên của Hiệp hội!

Điều này cũng dễ hiểu bởi vì không có bộ máy chuyên trách, chỉ sử dụng  bộ máy kiêm nhiệm, dựa vào một vài  lao động của vị chủ tịch hiệp hội, và không có lương bổng chính thức (phần lớn hiện nay chỉ trợ cấp chừng 1-2 triệu /tháng), nên hoạt động của bộ máy này chỉ mang tính cầm chừng, khi nào có việc gì thì làm không thì thôi, ít có hiệp hội hoạch định được chương trình công tác tháng, quý, năm hẳn hoi. Chính vì thế, cho nên quyền lợi của hội viên không được lưu tâm đúng mức và mỗi khi đến kỳ phải đóng hội phí thì suy nghĩ đầu tiên của hội là: “vào hiệp hội có lợi ích gì”?

Thiếu quan tâm bảo trợ của Sở GTVT sở tại,

Bên cạnh sự thiếu tổ chức hoạt động bài bản của bản thân tổ chức các Hiệp hội, sự thiếu quan tâm bảo trợ của các sở GTVT sở tại, cũng là một trong những nguyên nhân chính làm cho hiệp hội không thể tồn tại và phát triển một cách vững mạnh mà trong đó, nhận thức cho rằng hiệp hội chỉ là một tổ chức của những người cùng ngành nghề, họ hoạt động vì lợi ích của chính họ, Nhà nước nghĩ không nên can dự vào.

Ý kiến góp ý, phản ánh của các DN- HTX thiếu tính chuyên nghiệp:

Doanh nghiệp – Hợp tác xã khi hoạt động thì gặp rất nhiều khó khăn cả trên đường lẫn trong bến hoặc trong quan hệ với cơ quan nhà nước…Tuy nhiên, khi phản ánh hoặc góp ý kiến họ thường phân vân vì e ngại sợ sự phân biệt đối xử, trả đũa hoặc những ý kiến đóng góp thì thiếu tính chuyên nghiệp, không phản ảnh kịp thời, cụ thể; thí dụ như  việc lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ bất hợp lý, nhưng lại không chỉ rõ là trên đoạn đường nào, ở địa phương nào v.v… họ không chịu khó ghi chép để chỉ  rõ. Do đó, việc tập hợp những ý kiến phản ánh để  hiệp hội đề xuất đến các cơ quan chức năng thường gặp khó khăn, do thiếu những bằng chứng cần thiết…

Khó khăn trong giải quyết dung hoà các quyền lợi hợp pháp và chính đáng giữa các hội viên

Thực ra trên thực tế hoạt động, các quyền lợi hợp pháp và chính đáng giữa các hội viên trong cùng một khối cũng mâu thuẩn nhau, thí dụ như: giữa những doanh nghiệp có qui mô nhỏ (hộ kinh doanh, HTX nhỏ lẻ) và qui mô lớn (công ty cổ phần, DN có thương hiệu nổi tiếng…); doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau (công ty TNHH, công ty cổ phần, HTX, DN nhà nước…) Nếu BCH hiệp hội trong quá trình điều hành, không quan tâm đúng mức thì sẽ dẫn đến đổ vỡ, vì đôi khi chính lợi ích của hội viên này (DN bến, thành phần kinh tế HTX) lại là sự thiết thòi của đối tượng hội viên khác (DN vận tải, thành phần kinh tế quốc doanh)…

Làm gì để các hiệp hội có cơ sở phát triển?

Cần có bộ máy chuyên trách:

  • Chủ tịch Hiệp hội:

Trên thực tế hiện nay, chức chủ tịch Hiệp hội thường do vị lãnh đạo của các DN- HTX lớn được tín nhiệm đảm nhận. Điều này cũng có thuận lợi cho hoạt động của Hiệp hội vì những vị này thường có uy tín cũng như  nguồn lực cụ thể.Tuy nhiên, nếu có điều kiện kinh phí, chúng ta cũng nên thuê một vị Chủ tịch độc lập điều hành hiệp hội, để ngoài việc dành nhiều thời gian, chuyên tâm cho công tác chung của Hiệp hội, họ còn giữ được tính minh bạch, độc lập và công bằng trong việc xử lý các mối quan hệ, lợi ích cục bộ có lúc cũng mâu thuẫn nhau giữa các DN- HTX hội viên trong cùng một Hiệp hội ngành nghề;

  • Tổng Thư ký Hiệp hội:

Phải là một vị có kiến thức ngành nghề của Hiệp hội đang hoạt động, nên vận động những vị cán bộ về hưu trong ngành ra đảm nhận nhiệm vụ này hoặc những vị biết Luật pháp vì làm công tác hiệp hội nặng về chính sách, chế độ; còn tốt nhất là tuyển cả những vị có bằng luật hoặc luật sư càng tốt, vì những người biết luật  họ có thể làm tư vấn, bảo vệ quyền lợi của thân chủ mình một cách tốt nhất;

  • Thư ký Hiệp hội:

Cần tuyển một nhân viên tốt nghiệp ngành Thư ký – Văn phòng hoặc ngành  QTKD bậc cao đẳng, đại học để có thể đảm nhận toàn bộ các công việc hàng ngày của Hiệp hội.

Cần phải có đủ kinh phí để hoạt động

Nếu “bộ máy chuyên trách”  là điều kiện cần mang tính tiên quyết, thì  điều kiện đủ không thể thiếu, đó là phải có đủ nguồn kinh phí để hoạt dộng. Để một hiệp hội có thể hoạt động độc lập, văn phòng hiệp hội, theo tính toán của chúng tôi cần có một bộ máy tương đối hoàn chỉnh mà tối thiểu là phải có được ba vị trí:  chủ tịch, tổng thư ký và thư ký, với mức kinh phí ít nhất cũng lên đến 350-500 triệu/năm ; còn nếu sử dụng bộ máy kiêm nhiệm  cũng phải tốn khoảng 165 -250 triệu/năm.

Kinh nghiệm từ các hiệp hội nghề nghiệp khác mà chúng tôi biết được, thông thường khoản thu hội phí chỉ đáp ứng khoảng 50% , phần 50% còn lại là từ các nguồn thu khác như: các hoạt động liên kết, kinh doanh sản xuất, cung ứng dịch vụ v.v Về lâu dài, để hiệp hội phát triển, chúng ta cần mở rộng các dich vụ hỗ trợ kinh doanh, bao gồm tất cả những dịch vụ không trực tiếp liên quan đến tài chính mà các DN có thể có nhu cầu như : “Đào tạo – Tư vấn kỹ thuật – Tổ chức hội chợ thương mại – Hội thảo – Hội nghị chuyên đề –  Mở rộng giao lưu kinh doanh – Thu  thập và cung cấp thông tin” … và xa hơn nữa là tất cả những vấn đề có tác động đến hội viên.

Cần đến trước với các DN – HTX một bước :

Câu chuyện “Con gà có trước quả trứng hay quả trứng có trước con gà?” tuy ngày nay giới khoa học đã xác định được, thế nhưng trên thực tế cuộc sống hàng ngày có nhiều vấn đề cũng đặt chúng ta trước câu hỏi khá rắc rối này!Do đó, chúng ta cần đi trước một bước.Thí dụ như ở Hiệp hội chúng tôi, mặc dầu chưa phải là hội viên, nhưng khi xác định được các DN-HTX có nhu cầu gia nhập Hiệp hội, thì chúng tôi vẫn đối xử với họ như một hội viên chính thức, thường xuyên trao đổi cung cấp thông tin, gửi biếu tạp chí vận tải ô tô đến họ hàng tháng, mời tham dự các cuộc họp của Hiệp hội như một hội viên; thậm chí để khuyến khích các DN- HTX gia nhập Hiệp hội chúng tôi còn chủ trương miễn giảm khoản phí gia nhập lần đầu, hoặc miễn giảm hội phí trong thời gian nhất định, để anh em yên tâm vào hoạt động. Khi thấy hoạt động của Hiệp hội thực sự có lợi ích thực sự cho họ thì họ sẽ gia nhập. Kết quả của những chủ trương này 3 năm qua, chúng tôi giữ được chỉ tiêu phát triển: 1 hội viên /tháng, tuy chậm nhưng mà chắc!

Cần có sự hỗ trợ DN-HTX hội viên về nghiệp vụ phản ánh, góp ý một cách chuyên nghiệp:

Trên thực tế hoạt động DN- HTX gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để phản ánh với các cơ quan chức năng họ thường không diễn đạt được chính xác nội dung cần phản ánh, hoặc không chịu khó ghi nhận những chi tiết cụ thể… nên Hiệp hội cần hỗ trợ các DN- HTX hội viên về các nghiệp vụ này.  .

 Giải quyết hài hoà quyền lợi giữa các DN- HTX:

Thực ra, trên thực tế ngay giữa các DN-HTX trong nội bộ một hiệp hội cũng có những quyền lợi mâu thuẫn nhau như: giữa những DN-HTX có thành phần kinh tế khác nhau,  hay qui mô Doanh nghiệp khác nhau hoặc giữa các hiệp hội bến xe và hiệp hội vận tải; hiệp hội cung cấp trang thiết bị GPS và hiệp hội vận tải;… nên khi đưa ra các giải pháp nhằm xây dựng chính sách, hoặc xét giải quyết các tranh chấp liên quan, lãnh đạo các hiệp hội cần phải có những giải pháp thấu tình đạt lý, nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.

Cần hoàn thiện môi trường pháp lý, công nhận quyền tự do lập hội như điều 25 Hiến pháp 2013.

Thực ra, về vai trò của hiệp hội ngành nghề ở Việt Nam ta đã có từ lâu, qua hình thức “buôn có bạn, bán có phường”. Còn trên thực tế hiện nay ở Việt Nam ta, vai trò của hiệp hội lại không giống như các nước tiên tiến trên thế giới, đó là hiệp hội phải là một trong những thành tố của xã hội dân sự; ngược lại, hội ở nước ta được coi là một thành tố chính trị, bao gồm: Đảng, Nhà nước, Mặt trận các đoàn thể nhân dân và các hội quần chúng.

Theo chúng tôi, để các Hiệp hội ngành nghề có thể phát triển một cách vững mạnh góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội ở từng địa phương nói riêng và nói chung là trên phạm vi cả nước, nhà nước cần sớm hoàn thiện môi trường pháp lý, công nhận quyền tự do lập hội như điều 25 Hiến pháp 2013, theo hướng đảm bảo những tiêu chuẩn chung nhất mà các Hiệp hội các nước đều thực hiện, đó là:

  • Là tổ chức tự nguyện của quần chúng;
  • Tập hợp của những người có cùng ngành nghề, cùng giới, cùng sở thích;
  • Hoạt động thường xuyên, liên tục;
  • Không vì mục đích lợi nhuận;
  • Tự trang trải kinh phí;
  • Mục đích hoạt động không trái với lợi ích dân tộc, tổ quốc và trong khuôn khổ pháp luật.

Có được như thế, vai trò của hiệp hội mới được phát huy, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc gia, hoà nhập với cộng đồng thế giới và thực hiện được một trong các cam kết quan trọng khi Việt Nam gia nhập WTO là: “Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp” ; cũng thông qua đó vị thế, vai trò của các Hiệp hội ngày càng được nâng cao, thể hiện qua việc số đông các trường hợp tranh chấp, dàn xếp trong thương mại quốc tế hoặc trong nước đều do các Hiệp hội đứng ra thực hiện, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước sở tại./.

Lê Tuấn

Author Since:  14 Tháng Ba, 2019