LÀM GÌ ĐỂ HỖ TRỢ HIỆU QUẢ CÁC DN/HTX BỊ ẢNH HƯỞNG DO ĐẠI DỊCH COVID-19?

  1. Homepage
  2. Tin tức và Sự kiện
  3. Quan điểm hiệp hội
  4. LÀM GÌ ĐỂ HỖ TRỢ HIỆU QUẢ CÁC DN/HTX BỊ ẢNH HƯỞNG DO ĐẠI DỊCH COVID-19?
h

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã bùng phát ở thành phố Vũ Hán – Trung Quốc và sau đó lây lan nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giớí nên đến tháng 03/2020 tổ chức y tế thế giới WHO đã công bố là đại dịch Covid-19 trên toàn cầu!

Đến nay đã gần 6 tháng trôi qua, nhưng đại dịch vẫn chưa được kiểm soát triệt để vì chưa có vaccine!

Với đại dịch này, tuy Việt nam ta đã có những biện pháp phòng chống khá hữu hiệu nên khi gần kết thúc giai đoạn 1, VN ta đã ghi nhận một kết quả khả quan là gần 100 ngày không có ca lây nhiệm mới và chưa có ca bệnh nào tử vong!

Thế nhưng vào đầu tháng 07/2020, khởi phát từ thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2 của đại dịch đã lây lan với tốc độ nhanh hơn, qui mô lớn hơn  và đã có những ca bệnh tử vong! Số liệu cụ thể đến ngày 26/08/2020  trên toàn thế giới đã có trên 24 triệu ca lây nhiễm và trên 825.000 người tử vong, còn ở Việt Nam ta đã có trên 1.000 ca lây nhiễm và 29 người tử vong!

Tác hại về người thì to lớn thế, còn xét về mặt kinh tế thì tác hại cũng nghiêm trọng không kém: nền kinh tế toàn cầu đang đi vào suy thoái có thể nguy ngập hơn cả cơn đại dịch 1918!

Để góp phần hỗ trợ nền kinh tế có thể tồn tại sau cơn đại dịch, chỉ riêng ở nước ta, Nhà nước đã tung ra 3 gói hỗ trợ: hỗ trợ tài khóa 180.000 tỉ VNĐ, hỗ trợ tiền tệ 250.000 tỉ và hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ!

Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy về 1ý thuyết là thế nhưng trên thực tế cho đến nay, gói thứ 3 – 62.000 tỉ chỉ giải ngân chưa tới 30%, nên với các đối tượng chịu tác động trực tiếp là ngành VTHKCC và ngành hành khách du lịch cũng chưa có điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ này!

Chỉ riêng ở TPHCM, gói hỗ trợ thứ nhất thực chất là nhằm hỗ trợ cho các đối tượng người lao động dễ bị tổn thương và các đối tượng chính sách nên thực chất khối DN/HTX vận tải hành khách khó có cơ hội tiếp cận được, ngoài một số chính sách chung như: giảm phí bảo trì đường bộ, tái cơ cấu hoặc giãn nợ vay ngân hàng… vì thực chất DN/HTX không hoạt động được nên không có tiền để trả nợ!

Thiết kế gói hỗ trợ thứ 2 – 18.600 tỉ VNĐ, khác với lần trước, với tinh thần là tập trung cho các DN/HTX, nhằm  khôi phục hoặc duy trì  hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ, đồng thời căn cứ tinh thần cuộc họp ngày 25/08/2020 do PGĐ Sở GTVT Võ Khánh Hưng chủ trì, lấy ý kiến nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các DN/HTX VT đang bị tác động của đại dịch Covid-19, Hiệp Hội Vận Tải Ô Tô HK LT & DL TP.HCM có một số  ý kiến đóng góp chính thức như sau:

  • Đề nghị Chính phủ ngay từ bây giờ hoặc cả sau khi đại dịch đã qua khoảng một năm, cần có chính sách cho vay vốn hỗ trợ lãi suất hoặc giảm lệ phí trước bạ xe đối với những nhà đầu tư thuộc các DN/HTX mua sắm phương tiện mới để kinh doanh vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là đối với ngành xe buýt thành phố. Riêng đối với Cty Ảnh Việt sử dụng xe buýt hai tầng để phục vụ khách du lịch hiện đang chịu lỗ lã nặng nề đề nghị Sở sớm giới thiệu cho tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để công ty có thể duy trì hoạt động tối thiểu trong điều kiện hiện nay.
  • Đề nghị Sở GTVT có chỉ thị cho Trung tâm QLGTCC TP.HCM hoặc các trạm đăng kiểm trực thuộc Sở, đồng thời kiến nghị với Cục đăng kiểm Việt Nam cập nhật nhanh chóng và đầy đủ các phương tiện đã xin phù hiệu hoặc xét đăng kiểm xong, đã có đầy đủ giấy tờ nhưng Trung tâm QLGTCC TP.HCM không nhận hồ sơ xin cấp phù hiệu vì lý do trên kho dữ liệu đăng kiểm chưa cập nhật kịp thời, hoặc trang web Sở chưa được Trung tâm QLGTCC TP.HCM cập nhật, nên các đơn vị vận tải vẫn không thể báo cáo cho Sở GTVT trước khi hoạt động theo qui định!
  • Đề nghị Sở GTVT kiến nghị với TCĐB và Bộ GTVT cho lùi ngày thực hiện việc lắp camera theo NĐ10 và TT12 thêm hai năm nữa (tức đến ngày 31/12/2023) vì các đơn vị vận tải đang gặp nhiều khó khăn về tài chính do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời cấp trên nghiên cứu trả lời các yêu cầu chính đáng của DN/HTX mà trước đây chúng tôi đã kiến nghị nhưng chưa được giải quyết như sau:
  • Qui chuẩn của loại camera mới này có khác biệt gì với các loại camera mà các đơn vị đã và đang lắp đặt, đồng thời công bố danh sách các đơn vị cung ứng sản phẩm này đạt chất lượng để các DN/HTX có thể lựa chọn;
  • Nội dung các hành vi cần camera ghi nhận là của lái xe, tiếp viên hoặc hành khách để quyết định số lượng camera cần lắp đặt trên mỗi xe;
  • Mức phạt của các hành vi vi phạm đó;
  • Việc cập nhật thông tin ghi nhận từ camera từng 3-5 phút của mỗi xe về TCĐB liệu có khả thi khi mà hiện nay trên thực tế hệ thống mạng của TCĐB đang còn nhiều bất cập (như đã nêu ở điểm 2 trên).
  • Việc đổi biển số màu vàng cho các xe kinh doanh vận tải do Bộ Công An thực hiện từ 01/08/2020:
  • Trước mắt, đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công An để giải quyết bất cập hiện nay gây khó khăn cho dân là chỉ để phân biệt xe kinh doanh và không kinh doanh, hai Bộ đã cùng quản lý ở ba công việc trùng lắp nhau: a) màu vàng biển số xe (do Bộ Công an); b) màu sắc giấy chứng nhận đăng kiểm (do Bộ GTVT); c) phù hiệu, biển hiệu cho từng xe (do Bộ GTVT) gây phiền hà và tốn kém cho dân;
  • Về lâu về dài, Bộ GTVT nên đề nghị Chính phủ giao toàn bộ công tác đăng ký xe về cho Bộ GTVT để vừa tránh trường hợp vừa đá bóng vừa thổi còi (Bộ Công An); đồng thời giúp thực hiện đúng chức năng Bộ Công an là cơ quan bán quân sự không đảm trách những công việc của cơ quan dân sự.
  • Đối với sáu tuyến mini buýt TP.HCM xin chủ trương nhằm từng bước vực dậy ngành xe buýt thành phố đã gặp nhiều khó khăn các năm qua, nay lại bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 khó có thể phục hồi, Sở GTVT nên tiếp tục kiến nghị Bộ BTVT xem xét cho thí điểm trong vòng 2 – 3 năm vì nó hoàn toàn phù hợp với hướng mở mà Dự thảo lần 3 luật GTĐB 2020 đã mở ra, đồng thời phù hợp với tình hình đường sá và lượng khách đi lại ở thành phố hiện nay.

Trên đây là một số kiến nghị cụ thể liên quan trực tiếp, hoặc gián tiếp hoặc có tính cách hậu Covid-19 nhằm giúp cho ngành vận tải đang bị tàn phá bởi đại dịch này.

Hy vọng các cơ quan chức năng sớm xem xét giải quyết hoặc trình cấp trên giải quyết nhằm giúp cho các DN/HTX VT có điều kiện tồn tại trong điều kiện hiện nay và có cơ sở phát triển về sau này./.

Thạc sĩ Lê Trung Tính,

Chủ Tịch Hiệp Hội VT Ô Tô HK LT & DL TP.HCM

(Ngày 01/9/2020)

Tính Trung

Author Since:  20 Tháng Năm, 2019

Leave a Reply