
GIỚI THIỆU MỘT CHÚT VỀ ĐOÀN
NHỮNG NƠI ĐÃ QUA VÀ DẤU ẤN ĐỂ LẠI
Cữa khẩu Lao Bảo/Densavan,
Khách sạn chuyến đi,
Wat si Muang,
Wat Sisaket,
That Luong,
Patuxay,
Vườn tượng Phật,
Thử vận đỏ đen tại Savavegas,
That Ing Hang –Thánh địa Phật giáo,
Trung tâm thương mại Lao Bảo,
Siêu thị Mukdahan Thái Lan,
Tượng đài Khe Sanh,
Cầu treo Dakrong,
Đại lộ kinh hoàng!
Khu đi bộ Huế, Đường gỗ lim
ẨM THỰC CHUYẾN ĐI
Nhà hàng khách sạn Sepon,
Gà nướng Seno,
Ăn trưa nhà hàng Pakcoding,
Phở Lào, café Lào cái gì cũng lớn!
Beer Lào,
Bánh Bèo – Nậm – Lọc cung An Định,
Bún bò Huế Mỹ Tâm,
GIÓ LÀO?
TẾT BUNPIMAY
CHUYỆN VUI HÀNH TRÌNH
KẾT THÚC CUỘC HÀNH TRÌNH
GIỚI THIỆU MỘT CHÚT VỀ ĐOÀN
Đoàn chúng tôi gồm 11 người, khách mời có vợ chồng anh Phượng – Chị Ba, Tôi và Tâm; phía chủ nhà ngoài cô Dung – Giám đốc HTX Hiệp Phát là trưởng đoàn, còn có những thành viên khác như Cô Kim Thủy (một nhi nữ cho đến nay vẫn phòng không chiếc bóng) cô Ảnh vợ Sĩ – em Dung, là một bạn thân thiết với mình và cũng đã tham gia khá nhiều chuyến đi đây đó,bạn Nguyễn Phước nguyên CB phòng tư pháp Q11,vợ chồng bạn Thuận và Nga và bạn Lại bảo vệ HTX khá lâu năm; về phía công ty DL Ấn tượng Việt có cháu Kính, giám đốc trực tiếp lên đường vì chỗ nhiều ân tình với cô Dung; HDV phía Lào là cháu Xom Sak một thanh niên trẻ người Lào gốc Việt (sinh đẻ tại Lào, học trường Việt Nguyễn Du II ở Sanvanakhek) nên khá thông hiểu lịch sử Việt/ Lào rất tiện lợi khi cung cấp thông tin cho Đoàn! Và cuối cùng là lái xe Ngọc,thuộc công ty di lịch ở Đà Nẵng (cũng thông qua chuyến đi này mới thấy 80% xe du lịch đậu ở bến tòa Khâm là xe mang biển số Đà Nẵng, chứng tỏ GTVT Huế không mấy phát triển) !
Thời điểm chúng tôi đến Lào chính là thời gian nóng nhất trong năm và cũng là lúc các nước trong khối Asean chuẩn bị tổ chức lễ hội té nước năm mới, với chung một truyền thống là đón mừng năm mới cổ truyền, đồng thời cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nhưng với các tên gọi khác nhau, tùy theo quốc gia như: Bunpimay (Lào), Chol chonam Thmay (Khmer), Songkran (Thái Lan) và Thingyan (Myanmar) ...
NHỮNG NƠI ĐÃ QUA VÀ DẤU ẤN ĐỂ LẠI
Chuyến bay VN 1370 của Air Việt Nam, loại máy bay Airbus 321, theo lịch là khởi hành từ lúc 6g15 nhưng giờ chót cũng đến 6g40 chúng tôi mới rời đường băng và chỉ sau 1g10 chúng tôi đã hạ cánh ở sân bay Tự Do Huế! Do hành trình còn dài nên sau khi nhận hành lý chúng tôi đã lên xe ca thông qua đường tránh Huế (bây giờ hầu hết các tỉnh, thành đều có đường tránh nhằm hạn chế lượng xe ô tô đi vào các thị xã, gây kẹt xe nội thị cũng như gây tai nạn giao thông) trực chỉ Đông Hà (90km) và Densavan (90+63=153km). Sau khi dùng cơm trưa ở nhà hàng Sepol, chúng tôi bắt đầu đến Lao Bảo/Densavan để làm thủ tục và gặp ngay HDV thứ 2 người Lào tên là Xổm Sak ( một bạn trẻ Lào gốc Việt chừng 30 tuổi) với lời chào Sabaidee toàn sao ( Chào buổi sáng, theo cách chắp 2 tay trước ngực (dành cho bạn bè, người mới quen), gần mũi (dành cho bậc cha mẹ) và gần trán (Cho vua chẳng hạn) là 3 cách chào khác nhau theo phong tục Lào). Ở trạm dừng chân này, chúng tôi cũng đã mua sim standard và đổi một ít tiền Kip để xài, với tỉ giá lên đến 2,8 – 3,0 lần tiền VN!
Cữa khẩu Lao Bảo/Densavan,
Đây là cữa khẩu quốc tế thuộc 1 trong 10 cữa khẩu giữa hai nước Việt Lào:
Tây Trang (Điện Biên) – Sophun (Lào); Chiền Khương (Sơn La) – Nabe (Lào); Namèo/Namsoi; Mường Chanh (Thanh Hóa)/BantopXaybua; Nậm Cắn (Nghệ An) /Namcan; Cầu Treo (Hà Tĩnh)/Namphao; Cha Lo (Quảng bình)/Naphao; Lao Bảo (QuảngTri)/Densavan (Sananakhek); Lalay (Quảng Trị)/Lalay; Bờ Y (Kontum)/Phoukeua
Việt Nam và Lào có đường biên giới chung dài 2.067 km, nên các tỉnh của Lào và Việt Nam có biên giới chung với nhau, xếp theo vị trí từ Bắc xuống Nam khá nhiều:
Điện Biên (giáp với các tỉnh Lào từ Bắc xuống Nam: Phongsali, Luangprabang); Sơn La (giáp với các tỉnh Lungprabang, Huaphanh); Thanh Hóa (giáp với tỉnh Huaphanh); Nghệ An (giáp với các tỉnh Hua Păng, Xiengkhuang, Borikhamxay); Hà Tĩnh (giáp với các tỉnh Borikhamxay, Khammuane); Quảng Bình (giáp với tỉnh Khammuane); Quảng Trị (giáp với tỉnh Savannakhet);Thừa Thiên – Huế (giáp với các tỉnh Saravane, Sekong); Quảng Nam (giáp với tỉnh Sekong); Kon Tum (Sekong, Attapeu) – (Ðak G’lei,)
Cái khác biệt lớn nhất kỳ này rất đáng hoan nghênh là khi chúng tôi đến đây vào thời điểm cửa khẩu này đã thống nhất cùng phía Việt Nam thực hiện chủ trương “Một cữa một lần dừng” tức là không theo thông lệ trước đây, là sau khi làm thủ tục xong ở phía VN, khi qua cữa khẩu Lào cũng phải làm một lần nữa; mà kỳ này lượt đi chỉ làm ở phía Lào, lượt về chỉ làm ở phía VN (tức phía nhập khẩu)!
Từ cữa khẩu này chúng tôi phải vượt 340 km (QL 9 trên địa bàn Lào dài 250 km # đọan Sava – Lao Bảo (220 km tới ngã 3 Seno quẹo phải về Vientiane và 30 km đi thẳng là hướng về phía Thái Lan, đến trung tâm Savanakhet, thành phố Cayxom Phomvihan) mới tới đượcThakhek là thủ phủ của tỉnh Khammuon (Khu vực miền Trung Lào chỉ có 4 tỉnh đó là: Savanakhet, Khammuane (tỉnh lỵ Thakhek), Bolikhamxay và tỉnh Vientiane)
Một khác biệt nữa là lần trước phải nạp khoản tiền đạp đất Lào hình như 10.000 KIP, kỳ này không biết còn hay do phía Tour đã bao cho chúng tôi!?
Khách sạn chuyến đi,
Dong xay Hotel Thakhek,
Đêm đầu tiên chúng tôi lưu trứ lại ks Dongxay hotel, một khách sạn nhỏ 3 tầng, tuy chỉ 3* nhưng cũng khá khang trang và ở đây chúng tôi gặp điều khá một ấn tượng là: “No smoking, 500.000 Kip fine for violation! tức là khá nặng!
Sau khi dùng cơm tối ở nhà hàng bên dòng sông Mekong, chúng tôi bách bộ đi tham qua chợ đêm ở đây và bên kia là thành phố Nahon Phanom Thái Lan rực rỡ ánh đèn màu (Đông Bắc Thái Lan gồm 20 triệu dân và 17-24 tỉnh, trước đây thuộc Lào?)! chỉ tiếc vào mùa tháng 4 rực nắng nên đi bên dòng sông Mekong nhưng không hưởng được làn gió mát nào!
Khách sạn Lane Xang, thủ đô Vientiane,
Lane Xang là ngàn voi, là một khách sạn 3* cũ kỹ nhưng lại thuộc khu trung tâm, nằm cạnh sau hoàng cung cũ! và có lợi thế cạnh chợ đêm cũng như khu phố Tây.Do mê phở Lào nên đoàn chúng tôi đã bỏ bữa buffet sáng hôm sau ở đây và đi tìm món phở Lào có nhiều biến tấu!
Khách sạn Savavegas,
Được giới thiệu là Ks 5* tốt nhất trong các Ks cuộc hành trình, nhưng trên thực tế rất xoàng lại thiếu cả những vật dụng cơ bản như: bình nấu nước, trà, giấy lau, không dép, không đồng hồ …nước thì hôi phèn khó chịu!
Ngày thứ 2 của cuộc hành trình, tức ngày 11/4/2019, chúng tôi băt đầu khởi hành từ Thakhek đến Vientiane, với đọan đường khoảng 350 km, và sau khi dùng cơm trưa ở Moon the might restaurant bên dòng sông MK, Đoàn chúng tôi bắt đầu tham quan một vài nơi ở thủ đô Vientiane
Wat si Muang,
Đây là ngôi chùa đầu tiên mà đoàn chúng tôi tham quan.Chùa Wat Si Muang hay chùa Sỉ Muông (Sí Muông) được xây dựng năm 1566 là nơi đặt cột trụ chính của thành phố và là ngôi chùa linh thiêng nhất tại Thủ đô Vientiane.Ngôi chùa là linh hồn của thành phố, nơi người dân Lào thường đến để cầu an, cầu phúc, cầu bình yên!
Tên gọi Chau Me Sỉ Mương (Chau: làm chủ; Mương: tên huyện; Me: mẹ; Sỉ: tên riêng; Chau Me Sỉ Mương: Mẹ Sỉ làm chủ huyện, làm chủ đất nước),cũng từ đó, Nàng Sỉ được coi như vị thần bảo vệ thành phố.
Ngoài sự tích nêu trên chùa Mẹ Sỉ Muông còn có thêm 1 sự kiện nổi bật mang đậm nét tâm linh huyền bí về đôi chim hạc cự ngụ ngay trên hòn giả sơn sau hậu điện.Chẳng biết chúng đến tự bao giờ nhưng nghe nói là đã có rất lâu rồi.Từ khi chim hạc xuất hiện, dân chúng thêu dệt thêm nhiều huyền thoại.Có người cho rằng Đức Phật phái chim hạc bay về canh giữ cho Mẹ Sỉ; lại có người cho rằng linh hồn của Mẹ Sỉ nhập vào chim hạc mà về. Phải đất nước an lành, tươi đẹp, lòng người hài hòa chim hạc mới bay về đậu!
Ở đây đòan chúng tôi đã mua lễ vật vào cúng dường và lễ vật ở Lào rất đơn giản,chỉ hoa không quả,không nhang đèn phiền toái! Có điều rất chú ý là mua lễ vật phải cả cặp (đôi) với hàm ý cho cả cha lẫn mẹ!
Wat Sisaket,
Ngôi chùa thứ hai là Wat sisaket, được xây dựng bởi vua Chao Anuvong,vị vua cuối cùng của vương quốc Lane Xang, vào năm 1818.Chùa nằm gần ngôi chùa nổi tiếng khác là chùa Phra Keo, nơi có bức tượng Phật ngọc nổi tiếng.Vào thời điểm này, Lào vừa trở thành nước chư hầu của Xiêm, điều này lý giải tại sao ngôi chùa này có kiến trúc Bangkok (với mái 5 tầng).Có lẽ chính vì vậy mà Wat Sisaket đã không bị phá hủy khi quân Xiêm tấn công Vientiane năm 1828,chỉ bị cướp bức tượng Phật ngọc (có lẽ hiện nay là Phật ngọc ở chùa vàng Thái Lan?).Vì lý do đó mà Wat Sisaket được biết đến là ngôi chùa cổ nhất tại Vientiane.Nhưng cũng có truyền thuyết cho rằng, khi quân Xiêm định tấn công chùa, một đám mây đen phủ kín bầu trời, tất thảy quan quân thất kinh hồn vía, cho là cơn giận dữ của trời đất nên đã tự động rút lui.Nhờ thế mà duy nhất chùa Sisaket còn tồn tại, tiếp tục đóng vai trò là chốn tu hành thiêng liêng trong suốt thế kỷ XIX và cho đến tận ngày nay.
Bên trong các hành lang chùa là nơi trưng bày hơn 2.000 tượng phật lớn, nhỏ trong đó có hơn 300 tượng phật mang phong cách điêu khắc Lào bằng chất liệu gỗ, đá hoặc thiếc được làm tại Vientiane vào thế kỉ 16 và 19!
Nơi đây cũng là một bảo tàng – nơi lưu giữ hơn 8.000 cuốn sách có giá trị và 6.840 tượng phật được làm bằng nhiều chất liệu như đồng, đá, gỗ, bạc hay thạch cao…Mặt trong của chính điện có hàng ngàn hốc nhỏ, mỗi hốc đặt một bức tượng Phật, tạo cảm giác che chở cho người cầu nguyện.Hệ thống hành lang bên ngoài cũng đặt hàng trăm bức tượng Phật lớn nhỏ. Tại đây còn có một thư viện gần 400 năm tuổi với nhiều kinh sách Phật cổ viết bằng tay trên lá cọ…Chính vì thế ngày nay chùa này đã đổi tên thành bảo tàng Sisaket thay vì chùa Sisaket!
Cũng ở đây, qua giơi thiệu của HDV SomSak chúng tôi được biết một số điều thú vị: Tượng Phật trên đầu có phần nhô lên là thuộc trường phái Nam tông, vẻ đẹp Phật khác bá tánh như tai thì dài, tay cũng dài quá gối và 4 ngán tay dài bằng nhau…hoặc cái thuyền độc mộc bằng gổ dùng để tắm Phật khá hay!
Do trời quá nắng vào tháng tư nên chúng tôi khá mệt nên phải thống nhất lại với trưởng đoàn là sẽ viếng That luong và Patuxay vào buổi chiều trước khi ăn cơm!
That Luong,
Thạt Luổng hay (Pha) That Luang (Thạt là Lớn trong tiếng Lào) là một thạt (stupa) Phật giáo ở Viêng Chăn – Lào, được xây từ năm 1566, theo hình một nậm rượu, trên một phế tích của một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ 13. Bên ngoài ngôi chùa được dát vàng.Nó đã bị phá hủy trong cuộc xâm lược của người Thái vào thế kỷ 19 nhưng sau đó đã được khôi phục nguyên trạng.Kiến trúc ngôi chùa tháp mang phong cách văn hóa và bản sắc Lào và đã trở thành một biểu tượng quốc gia của Lào, được in trên tiền giấy và quốc huy của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.Theo truyền thuyết, trong tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu.Thạt Luông gồm tháp chính cao 45 thước, bao quanh là các tháp phụ, sơn thếp vàng.
Patuxay,
Khải hoàn môn được xây dựng vào năm 1957 và hoàn thành vào năm 1968 để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp tại Lào.Vì vậy, nó còn có tên là Đài Chiến sĩ vô danh (Anou Savary).Tượng đài được Tham Sayasthsena, một kiến trúc sư Lào, thiết kế.Dự toán chi phí xây dựng là 63 triệu kip.
Khải hoàn môn Patuxai cao 55m, có 4 mặt, mỗi mặt có bề ngang 24m, gồm bảy tầng tháp và hai tầng phụ.Kiến trúc của Patuxai được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc của Khải hoàn môn Paris. Tuy nhiên, khi nhìn tổng thể Khải hoàn môn Patuxay, nó vẫn mang một nét kiến trúc đặc trưng của văn hóa Lào với những phù điêu, họa tiết trang trí và điêu khắc như hình tượng trang trí Kinari – nửa người phụ nữ và nửa chim, các phù điêu miêu tả trường ca Rama và các tòa tháp đặc trưng kiến trúc Lào. Ngoài ra, các cửa sổ bên cầu thang của tòa tháp được thiết kế khéo léo dưới dạng những bức tượng Phật.
Anou Savary có tất cả bảy tầng tháp được nối với nhau bằng một cầu thang xoắn ốc bên trong.Từ tầng bảy của Anou Savary có thể ngắm toàn cảnh thành phố Vientian, các công trình quan trọng của Chính phủ, các Cơ quan, dòng sông MéKong và nhiều công trình khác nữa.
Vientiane ngày nay phát triển khá ấn tượng, số liệu thống kê năm 2015: dân số 820.000 dân, diện tích 3.620 km2 (gấp 1,8 lần dt TP.HCM), gồm 9 quận, 4 nội và 5 ngoại thành; từ 1989 có cả thành phố Vientiane và tỉnh Vientiane;
Ba dân tộc Lào là: Lào Lum (68%), Lào Sũng (ở trên cao, da trắng đẹp); Lào Thân (trung du – Nam Lào);
Văn hóa Lào về sự sống khá hay: không cúng người âm (tức không giỗ); người chết không chôn, được hỏa táng và đưa vào chùa nên không có nghĩa trang! Nghĩa trang liệt sĩ chỉ mới có từ năm 2006 trên đường vào thủ đô bên phía tay phải! nhưng hình như chỉ dành cho những vị có công với nước! Nhà tù Lào thì cách thủ đô 80 km và ở trên đảo! Lào 0 có biển nhưng vẫn có muối, vì muối mỏ (thiếu iod) nên vẫn phải nhập muối VN!
Khí hậu Lào chia ra 3 mùa rõ rệt: mùa nắng (nóng nhất vào tháng 3-4); mùa mưa (mưa nhiều nhất vào tháng 7-8 hàng năm) và mùa mát (vào tháng 11 đến tháng 3).Trên đường vào thủ đô, nếu chúng ta rẽ trái là đi qua khu vực công nghiệp dành cho tương lai mới được hoạch định vào dịp kỉ niệm 450 năm thành lập Vientiane vào năm 2010 (1560 + 450)!
Năm 1893 Pháp đô hộ Lào, có điều thú vị là ở miền Nam và Bắc Lào thì cả 2 bên bờ sông MéKong đều thuộc lãnh thổ Lào, chỉ có miền Trung thì lấy giữa dòng sông MK làm ranh giới, song theo qui ước là phần nổi hoặc nơi phần nước sâu thì thuộc Lào!?
Trên đường từ Thakkhet về Vientiane khi đến thị xã Paksun nếu chúng ta đi thẳng là về Vientiane, còn nếu rẽ phải là về Xiengkhoang – Cánh đồng Chum!
Ngày thứ 3: Vientiane – Savanakhek, là ngày bắt đầu hành trình quay về.
Vườn tượng Phật,
Vườn Tượng Phật (hay còn gọi là Xieng Khuang) là một khu vườn điêu khắc nổi tiếng với hơn 200 pho tượng Phật và tượng Hindu, được đúc bằng xi măng với nhiều hình dáng và ý nghĩa khác nhau.
Vườn Tượng Phật do tu sĩ nổi tiếng LuangSulilat (còn gọi là Bun Lủa, lúc trẻ khó nuôi nên cha mẹ cho vào chùa ở, ông còn có một vườn tượng Phật ở Nong Khai TL), một tu sĩ nghiên cứu cả Phật giáo và Ấn Độ giáo quyên góp xây dựng vào năm 1958. Điều này giải thích lý do tại sao khu vườn này không chỉ đầy đủ các bức tượng Phật mà còn có các bức tượng của các vị thần Hindu cũng như ma quỷ và linh vật từ cả hai tín ngưỡng!
Điểm nhiếp ảnh lý tưởng nhất ở đây là trên đỉnh kiến trúc quả bí ngô khổng lồ,một kiến trúc lớn của Vườn Tượng Phật Xieng Khoang, được gọi là Động Âm Phủ. Du khách có thể vào tham quan nơi này.Lối vào cao khoảng ba mét, được khắc tạo trông giống như miệng của một con quỷ với một bậc thang bằng đá bên trong để bạn đi lên 3 tầng, sau đó dẫn tới đỉnh, nơi du khách có thể nhìn thấy toàn bộ công viên tượng phật Xieng Khuang.
Giữa trung tâm công viên tượng phật nổi bật lên bức tượng Phật nằm khổng lồ, dài khoảng 40 mét, dáng vẻ thảnh thơi như tư thế Phật tổ nhập Niết Bàn.Gương mặt Đức Phật bình dị, thanh thoát, bao dung với vầng trán rộng, mắt khép nhẹ, môi mỉm cười.
Những bức tượng nổi bật khác ở Vườn Tượng Phật bao gồm: Tượng thần Indra, một trong những vị thần tối cao của đạo Hindu, cưỡi trên lưng một con voi ba đầu, một vị thần bốn tay ngồi trên một con ngựa và một vị thần với 12 khuôn mặt và nhiều bàn tay, mỗi bàn tay nắm giữ những đồ vật thú vị.
Tất cả đều ấn tượng bởi kích thước khổng lồ, và các chi tiết đầy thú vị không kém.Ngoài ra,còn có nhiều bức tượng khác với nhiều cỡ lớn nhỏ, vô cùng phong phú về hình dáng, thể hiện những huyền thoại được khắc trên những tấm bảng gắn ở dưới bằng tiếng Lào: tượng Phật nằm uy nghiêm trầm mặc, voi ba đầu, rùa, cá sấu, rắn… cách điệu theo truyền thuyết; đoàn nhà sư khất thực, dũng sĩ, vũ nữ… thật sinh động và huyền bí…
Thử vận đỏ đen tại Savavegas,
Sau khi ăn tối, cả đoàn chúng tôi sẵn sàng cho cuộc vui ở Casino! Vì khi nhận phòng Casino hào phóng tặng “tiền mồi” mỗi người 20 bath # 140.000 VND. Nói cho oách chơi chứ thực ra đi xem là chính! Cả đoàn 14 người chỉ có 2 vị chơi là bạn Lại và bạn Thuận và may thay khi bạn Thuận bốc hơi 1.000 bath thì bạn Lại chỉ chọn môn tài xỉu giản đơn nhưng thắng đến 1.400 bath vị chi là cả đoàn thắng được 400 bath và dĩ nhiên là bạn Lại chiêu đãi cả Đoàn ở bar sòng bạc nhưng cũng chỉ tốn vài trăm bath, còn lãi cả ngàn bath!
Ngày 4: Savanakhet – Huế – TPHCM
That Ing Hang –Thánh địa Phật giáo,
Chùa That Ing Hang nằm ở miền Trung Savannakhek, được xem là điểm hành hương thứ hai chỉ sau di sản văn hóa Wat Phou ( đây là di sản thế giới đầu tiên ở Lào; di sản thứ 2 là cố đô Luang Prabang; thứ 3 đã đề xuất là That luong nhưng do tu sửa nhiều lần nên bị bác!Có lẽ di sản thứ 3 ở Lào sẽ thuộc về cánh đồng Chum!) ở Champasak thuộc miền Nam nước Lào.
Nơi đây được xây dựng vào giữa thế kỉ 16.Tương truyền, ngay tại chỗ Tháp Xá Lợi giữa khuôn viên chùa ngày nay có một cây Hang cổ thụ.Và một vị sư già đã xuất hiện khá bí ẩn, hàng ngày từa lưng vào Hang thiền định.Và một ngày nọ, vị sư thăng thiên trong tư thế tọa thiền.Chỗ nhà sư viên tịch người ta dựng nên tháp để lưu giữ xá lợi của ông.Và đó là câu chuyện giải thích cho cái tên That Ing Hang, trong tiếng Lào, Ing Hang có nghĩa là “tựa vào cây Hang”, đối với người dân Lào, ngôi chùa vẫn luôn là mảnh đất thiêng vì được Phật giáng thế! Thánh địa Phật giáo là thế!
Trung tâm thương mại Lao bảo,
Trong khi chờ làm thủ tục hải quan nhập cảnh Việt Nam, chúng tôi có dịp tham quan trung tâm thương mại Lao Bảo.Nhìn chung nó chỉ hơn lượt đi ở chỗ, chúng tôi vào đây có nơi nghỉ chân và che nắng gắt đổ lửa ở bên ngoài, còn hàng hóa trưng bày thì cũng khá bình thường không có gì đặc sắc!
Siêu thị Mukdahan Thái Lan,
Nằm cạnh nhà hàng Sepon và nghe cái mark TháiLan nên cả đoàn chúng tôi cũng muốn tận mắt chứng kiến xem sao!Thế nhưng vừa xuống xe,bước vào mới vỡ lẽ:“Siêu thị đang ế khách”!
Siêu thị o máy lạnh, lại thêm chỉ có chừng 10 chiếc bóng đèn tù mù nên khi chúng tôi xuống xe cô chủ nhỏ mới vội mở thêm đèn! Khi truy vấn siêu thị gì kỳ thế! thì cô chủ này trả lời thông minh ra phết: “Phải tiết kiệm tối đa chú ơi! thế mới cạnh tranh nổi trong thời kinh tế thị trường này!” nhưng tìm hiểu ra thì siêu thị đang cố gắng giải quyết hàng tồn kho để giải thể, tuy nhiên ở đây đoàn chúng tôi cũng mua được khá nhiều hàng và hình như giá cả lại phải chăng hơn trung tâm thương mại Lao Bảo! Riêng tôi mua được thêm một số lọ dầu và tậu được bình rượu inox TQ mãn nhãn!
Tượng đài Khe sanh,
Thị trấn Khe Sanh cách Lao Bảo 23km! Tượng đài chiến thắng Khe Sanh nằm ở ngã ba đường 9 – Khe Sanh, khắc họa hình ảnh lực lượng tham gia giải phóng Khe Sanh – Hướng Hóa gồm bộ đội chủ lực và các dân tộc ở Hướng Hóa như Vân Kiều, Pa Cô. Tại Làng Vây – Hướng Hóa, di tích chiếc xe tăng quân giải phóng lần đầu tiên xuất trận tại Làng Vây được đặt trên bệ đá cao 3 m, bên đường 9. Hai công trình di tích lịch sử này có tổng kinh phí nghe đâu là 10 tỉ đồng!
Cầu treo Dakrong,
Cầu treo Đakrông bắc qua sông Thạch Hãn (con sông ghi dấu một cuộc chiến tàn khốc, mỗi đêm tung một đại đội qua sông, đi không trở lại! và đến 81 ngày đêm! nhằm giữ vững Cổ thành QT) là điểm trung tâm của Khu di tích – danh thắng Đakrông nằm bên quốc lộ 9 ở Km50, tại điểm khởi đầu của quốc lộ 14A cũ, nay là đường Hồ Chí Minh (Tây), Km 249+824 Đ.HCM (Tây), địa phận xã Đakrông – huyện Đakrông – tỉnh Quảng Trị.
Trong chiến tranh chống Mỹ, đoạn sông Đakrông là điểm vượt bí mật của tuyến tuyến đường mòn Trường Sơn với ba bến vượt: Khe Xom, cầu Cu Tiền và Xóm Rò…
Những năm 1972 – 1975, một chiếc cầu sắt được bộ đội bắc qua sông, nối thông tuyến vận tải quan trọng cho chiến trường miền Nam.Sau năm 1975, được sự giúp đỡ của Cuba, một cầu treo dài 100m, rộng 6m thay thế cầu sắt.Cầu treo mới được xây lại từ tháng 5/2000 đến 7/2003.
Trở lại chốn này chúng ta không quên một vùng cao đặc trưng của người Pako – Vân Kiều trong chiến tranh đã chọn họ bác Hồ cho cả vùng và cả dân tộc mình; đồng thời chính vùng cao này cũng tựa như vùng cao phía Bắc như: ở Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang mà tôi đã mục sở thị: “Đàn ông ở nhà đàn bà đi rẫy”! và cũng ở chốn này, thân phận người phụ nữ khá bi đát, nếu chồng chết mà không tiếp tục nối điêu/nối dây (lấy người anh hoặc em của chồng) thì sẽ sa vào cảnh “để lời ru thêm buồn”! đó là chưa kể nỗi ám ảnh “chia chồng” đối với những đàn ông nhiều vợ (tục đa thê)! Không hiểu đến bây giờ nữ giới ở đây đã bước qua được lời nguyền quái ác đó chưa!?
Đại lộ kinh hoàng!
Đại lộ Kinh Hoàng là tên không chính thức cho một đoạn đường dài khoảng 9 km tại tỉnh Quảng Trị, nơi mà theo Việt Nam Cộng hòa thì đoàn quân Việt Nam Cộng hòa đang rút chạy về phía Nam trong Chiến dịch Xuân-Hè 1972 thời kỳ Chiến tranh Việt Nam đã bị trúng pháo kích của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, gây bao nhiêu chết chóc nên mới có tên như thế!
Khu đi bộ Huế, Đường gỗ lim.
Công trình đường gỗ lim thuộc Dự án Xây dựng Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% chi phí, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA).
Tuyến đường đi bộ này nằm dọc bờ Nam sông Hương với chiều dài 400 m, chiều rộng tuyến đường 4 m, diện tích 2.443 m2, kết cấu bê tông cốt thép, sàn lát bằng gỗ lim dày 5 cm. Với tổng kinh phí là 52 tỉ đồng, trong đó gỗ lim chiếm 5,7 tỉ đồng, phần lan can bằng các trụ đồng hơn 10 tỷ đồng
GTVT LÀO
Ấn tượng nhất có lẽ là chạy cả ngày không thấy tiếng còi xe, điều mà đất nước VN ta không biết khi nào mới làm được!
Ấn tượng thứ 2 là xe bán tải ở đây thông dụng tựa như ở SG trước 30/4/1975.Tìm hiểu thì được biết vì loại xe này chạy máy dầu nên chi phí nhiên liệu khá tiết kiệm! còn về chính sách họ giống đất nước Campuchia, cho loại xe này chở cả người lẫn hàng hóa chứ không như ở VN ta, thay bất cứ chi tiết nào cũng phải xin phép chứ không theo thông lệ như các nước là, chỉ phải xin phép khi xe phải thay tổng thành cơ bản như: máy hoặc sườn xe!
Ấn tượng thứ 3 là việc đỗ xe họ cho đậu đỗ ngay trước nhà và trên vỉa hè;
Ấn tượng thứ tư là xe ô tô mới cứng nhưng cứ đỗ ở ngay cả trước nhà mà ngoài cả hàng rào!
Ấn tượng thứ 5 là tên gọi xe “xọt (2) khẻo (hàng ghế)” tức loại xe có thiết kế 2 hàng băng dọc như xe lam ở ta hoặc xe 2 bánh gọi là “sõn (2) lo (bánh)”; xe ba bánh là “sảm (3) lo (bánh)” ; xe Tuk tuk là xe taxi truyền thống và khá ít, còn taxi công nghệ hình như vắng bóng!
Ấn tượng 6, Số 9 nút ở Lào có ý nghĩa khác ta, họ cho rằng số 19 mới xuất sắc vì: 4+5=9, cặp 55 = 10 như vậy số 4555 mới là xuất sắc!
Ngày nay giữa Lào -Thái đã có 4 cây cầu bắc qua dòng sông mẹ Mékong nên việc giao lưu giữa 2 quốc gia khá thuận lợi:
- Cầu Hữu Nghị 1 (1994, 1.170 m) nối Vientiane (Lào) với Nongkhai (Thái Lan);
- Cầu Hữu Nghị 2 (2006, 1.600m), nối Savanakhek (Lào) với Mukdahan(Thái Lan) thuộc hành lang kinh tế Đông Tây qua 4 nước Myanmar -Thái Lan – Lào & VietNam;
- Cầu Hữu nghị 3 (2011, 1.423m) nối Thakkhet – Khammuane (Lào) với tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan);
- Cầu Hữu Nghị 4 (2013 – 480m) nối Huyện Huoxai – Tỉnh Bokeo (Lào) với tỉnh Chiang Rai (Thai Lan).
ẨM THỰC CHUYẾN ĐI
Nhà hàng khách sạn Sepon,
Tọa lạc tại số 9 Trần Hưng Đạo, khu KTTM Lao Bảo (0906.042.979) và đúng với motto của nơi này: “Một lần lưu luyến mãi” vì thực ra cả lượt đi lẫn lượt về chúng tôi đều dừng chân dùng cơm ở địa điểm này! vì đây là vị trí khá lý tưởng, ít nơi nào sánh được: Cách sân bay Tà Cơn 29km theo hướng Đông Bắc, cách căn cứ Làng Vây, 9km theo hướng Đông Bắc; cách nhà tù Lao Bảo 2,5 km theo hướng Tây Nam; cách cửa khẩu Lao Bảo 800m theo hướng Tây; đối diện Trung tâm thương mại Lao Bảo; Cách siêu thị Muddahan 200m, theo hướng Tây Nam: Cách siêu thị thiên niên kỷ 500m, theo hướng Tây…
Món ăn lượt đi khá tốt, chỉ có món heo rừng luộc xắt hơi dày nên cứng!Còn lượt về thì thật ngon! Đặc biệt là món cá trê chiên chấm nước mắm gừng! chỉ tiếc là trùng giờ ăn với đoàn cựu chiến binh ở đây, nên ồn ào và phục vụ hơi chậm!
Gà nướng Seno,
Đây là món ăn danh bất hư truyền! Cả hai lần đến Lào trước đây chúng tôi đều dừng chân là dùng món này!ngoài lý do là món đặc sản của địa phương thì chính vị trí ngã 3 giữa QL13 và QL9 nên hình như đoàn du lịch nào cũng dừng nghỉ và dùng món ngon vật lạ này!
Theo chương trình tour, hành trình lượt về chúng tôi mới dùng món này, nhưng ngay ở lượt đi theo yêu cầu của cô Dung là cần nghỉ ngơi dưỡng sức và chúng tôi đã cầm lòng không đặng nên đã không bỏ qua và đúng là danh bất hư truyền!
Thực ra, Seno vốn là giống gà nhỏ như gà tre của Việt Nam.Chúng ăn rất sạch và tinh.Vì đây là giống gà thả rông nên thịt gà Seno đậm màu, ngọt, săn chắc; nó được tẩm ướp các loại gia vị, để nguyên con, xiên vào que tre và nướng trên than hồng.Gà chín có màu vàng óng đẹp mắt, mùi thơm ngào ngạt.
Gà Seno nướng thường được ăn cùng xôi nếp trắng và chấm với “chèo boong”, loại nước tương đặc biệt của người Lào được chế biến từ cá (có mùi mốc ai không quen, không ăn được), còn cheo pia (nước chấm ruột non bò hơi đắng nhưng ngon nhất)!
Ăn trưa nhà hàng Pakcoding,
Đây là quán giữa đường, được bố trí trên một đỉnh đồi nhỏ dưới là những dòng suối nhỏ, nhìn thấy cá lội tung tăng nên khá thú vị tương tự như nên chúng tôi như ở khu Madagoui Lâm Dồng VN.Tên quán là BouXou restaurant, một loại quán cá suối rau rừng đúng nghĩa!
Cách ăn của người Lào cũng khác ta một chút: Chén là để ăn canh, còn cơm ăn trong dĩa! Buổi ăn trư a giản đơn, nhưng đúng nghĩa là cá suối rau rừng khá ngon!
Beer Lào,
Beerlao hình như có dây mơ rễ má gì với beer con cọp (Beer Larue) thời Đông dương mà ở miền nam VN trước đây cũng có? BeerLao hiện nay ra đời vào năm 1973 và đã trở thành thương hiệu hàng đầu và bán chạy nhất tại Lào, là sản phẩm bia tốt nhất Châu Á, theo giới thiệu của họ. Ở Lào, BeerLao hiện diện ở mọi nơi từ quán cóc, vỉa hè đến các nhà hàng sang trọng đẳng cấp 5 sao.
Theo một số chuyên gia, Beerlao được ủ từ lúa địa phương và mạch nha tốt nhất chất lượng cao ở nước ngoài nên có một hương vị độc đáo.Bia có màu vàng óng như hổ phách và rất nhẹ dịu nên phù hợp với cả phái đẹp. Bia có thể sử dụng phù hợp với nhiều loại thức ăn nhưng đặc biệt ngon với những đồ nướng là những món ăn truyền thống của Lào.Du khách nên uống BeerLao ướp lạnh và không nên uống bia với đá vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới hương vị đặc biệt của beerLao!
Phở Lào, café Lào cái gì cũng lớn!
Hấp dẫn khi nghe giới thiệu sự đặc biệt của phở Lào nên cô Dung trưởng đoàn đã quyết định bỏ bữa buffet ở ks Lane Xang để tìm quán phở nổi tiếng cạnh Patuxay dừng ăn sáng nhưng tiếc thay lại vào dịp tết cổ truyền nên họ nghỉ và phải công phu đi tìm một quán phở khác và may thay đó là quán Carnation trong hẻm nhỏ nhưng cũng khá bề thế!
Cả đoàn sau khi dùng thử thì ngoài đặc điểm lớn, phở Lào vẫn có những đặc trưng mà Phở nguyên gốc không có nên khi thử ăn tùy theo khẩu vị của từng người mà đánh giá khen chê!
Riêng tôi, đã từng ăn một lần nay làm thêm xem có gì khác trước? chứ thực ra các món ăn kèm như: đậu đũa sống hoặc món cà pháo mắm ruốc, cheo đậu phộng ở Lào hoặc món rau muống chẻ ở Thái Lan thì khó hợp khẩu vị, khó có thể nói ngon! Giá cã thì tô nhỏ 20.000, tô lớn 25.000 kip thì củng tương đương ở VN tức khoảng 55 – 70.000 đ /tô!
Còn café Dao Heuang (Lê thị Lượng) là loại café Robesta(cao nguyên Bolovan rất ngon) Lào thì chả kém gì Trung Nguyên Việt Nam, tiếc là chúng tôi chỉ uống ở những quán thường thường bậc trung nên khó so sánh với Trung Nguyên!
Bánh Bèo – Nậm – Lọc cung An Định,
Buổi chiều đến Huế, theo nguyện vọng của ACE trong đoàn là thưởng thức đặc sản Huế. Do chưa đúng cữ chiều nên bạn Kính giới thiệu chúng tôi đến lót dạ món truyền thống Bèo Nậm Lọc ở quán Hương (Cô chủ hình bên) Cung An Định (31, kiệt 177, Phan Đình Phùng hoặc phía trước là đường Nguyễn Huệ cạnh Sờ Y tế (1/48 Mp 0914743106 hoặc 0234.3821.962) và đúng như danh bất hư truyền: ngon tinh tế và giá phải chăng!
Nổi tiếng với những món bánh truyền thống, nhà hàng bánh bèo Cung An Định, tọa lạc bên cạnh An Định Cung (tư dinh của bà Từ Cung Thái Hậu – mẹ Vua Bảo Đại) đã lưu giữ được những bí quyết ẩm thực Cung Đình trong những món ăn như bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc…
Do có nguồn gốc từ Cung Đình, nên mỗi loại bánh có một công thức chế biến riêng biệt và khá cầu kỳ, vì vậy đòi hỏi người đầu bếp phải đặt hết tâm sức của mình vào món ăn thì mới tạo ra đúng hương vị của nó.
Bánh bèo có hình tròn xinh xinh, chén bánh nhỏ tựa chén trà hương, bột gạo trắng dậy quyện với tôm chấy, thêm một miếng da heo vàng rộm tạo nên hương vị ngây ngất đến nao long!
Bánh nậm dáng mỏng manh như ngọn lá lúa, được chưng cách thủy với lửa riu riu, bánh vừa xuống lò với lá gói là lá cây dong có màu xanh mượt, mùi thơm dìu dịu khó mà kìm lòng.
Bánh lọc có nhân tôm và thịt mỡ, bột bánh trong suốt, dẻo mà không dai,vị ngậy, một lần ăn thử thì không thể nào quên.Bên cạnh đó còn có những món mà chúng tôi chưa nghe bao giớ như: bánh ram ít!
Dự kiến món chính tiếp theo, tôi giới thiệu món “cơm âm phủ” cũng là đặc sản không nơi nào có được! vì tuy có tên gọi hơi kỳ bí nhưng món ăn này có hương vị thơm ngon vừa giản dị lại phảng phất phong cách cung đình khiến nhiều thực khách phải thử một lần khi đến Huế!
Thế nhưng bạn Kính lại bàn ra, vì nghe đâu bây giờ Âm phủ quán (31 hoặc 51, Nguyễn Thái Học) món này cũng không có gì cải thiện và chị Ba (dân gốc Huế) lại thêm vào: cho rằng gốc của món này là sử dụng cơm nguội (Trong khi về lý thuyết cơm phải được nấu từ gạo ngon, thơm và dẻo, thịt nướng phải là loại thịt nạc vai tươi ngon, đem đi thái bản mỏng rồi ướp với gia vị sau đó nướng trên than củi. Giò lụa được làm bằng thịt heo quết nhuyễn, gói thành từng thanh nhỏ.Thêm vào đó là trứng vịt đổ mỏng, tôm chà bông; rau thơm các loại, dưa leo cắt sợi…Tất cả các thứ này đều được cắt dạng sợi nhỏ) nên nếu ai bụng không tốt là bất tiện!
Bún bò Huế Mỹ Tâm,
Thế là mọi người sợ, nên lỡ dịp một dịp hiếm có: “Muốn ăn cơm dĩa trữ tình/ Có quán Âm phủ ma rình phía sau”…chúng tôi quay về món đặc sản khác là Bún bò Huế! quán được giới thiệu là Mỹ Tâm, không biết có liên quan gì đến cô ca sĩ nổi đìng nổi đám Đà Nẵng này không? nhưng nhìn ngoài cũng khá bề thế và đông khách nhưng vào thưởng thức thì hơi tiếc: vì cọng bún nhỏ, Bò thì ít mà giò heo thì nhiều, lại có cả huyết heo…chất Huế rặc không thấy như thời o Hoàng Anh dẫn chúng tôi đi ngồi quán vỉa hè! và nói chung, theo chúng tôi khó ngon bằng bún bò Huế biến tấu ở SG! Quán này tọa lạc tại số 5 Trần Cao Vân TP Huế (MP 0914.621.067 hoặc 0167.873 6200)
Polykhamsay, Lạp như món gỏi Việt Nam, hương vị thức ăn Lào: Cay, chua , ngọt, Ăn Vientian Mekong Restaurant bên dòng song Mekong,Lào nay có đường sắt, chỉ dài 3km thuộc khu vực cảng Lào và nay mai them đường sắt do Trung Quốc viện trợ ở Bắc Lào nữa !Cầu Hữu Nghị 1 do Úc viện trợ nối vientian Thái Lan, Me Khoản (dòng sông mẹ);
Lào bán điện cho Thái và cho cả VN nên gọi là “accu của ĐNÁ”;
Thác nước khoifexin Pakse có 4.000 đảo lớn nhỏ?
2/12/1975 mới thành lập CHDCND Lào!
Pakcading là cửa sông Cading nơi dòng nước 2 màu đổ ra sông Mekong,
Vua Fangum; Lane(ngàn) xang(voi), sao lại vạn hay triệu voi? hình thành 1353!
Se (sông,suối) pon(tên gọi);Tuổi thọ Lào thấp chỉ khoảng 50-55 trong khi VN đạ 70-80!?
GIÓ LÀO?
Hàng năm, vào các tháng mùa hè, ở khu vực Miền Trung nước ta thường chịu ảnh hưởng của những đợt gió mùa mùa hè thổi từ vịnh Bengan theo hướng Tây Nam.Sau khi vượt qua lãnh thổ Campuchia và Lào, gió đã mất đi một phần hơi ẩm, gặp dãy núi Trường Sơn, không khí bị đẩy lên cao và lạnh đi nên hầu hết hơi nước đều bị ngưng kết lại tạo thành mưa và rơi hết xuống sườn phía Tây của dãy Trường Sơn. Khi gió thổi sang sườn phía Đông, gió trở nên khô và nóng.Dân gian thường gọi gió này là “gió Lào”.
Động lực chủ yếu sinh ra gió Lào là vùng áp thấp nóng thường hình thành ở miền Hoa Nam, Trung Quốc, có khi trung tâm vùng áp thấp này nằm ngay ở đồng bằng Bắc Bộ.Vùng áp thấp có tác dụng “hút gió” vượt qua dãy Trường Sơn.Vùng áp thấp này càng sâu (có nghĩa là áp suất trung tâm vùng áp thấp càng nhỏ) thì gió Lào càng thổi mạnh, và có trường hợp tỏa rộng ra Bắc Bộ, lên tới tận khu vực Việt Bắc!
Hàng năm, trên khu vực các tỉnh ven biển Trung Bộ, mùa gió Lào thường bắt đầu từ hạ tuần tháng 4 đến trung tuần tháng 9, trong đó gió Lào thổi nhiều nhất vào tháng 6 và tháng 7.Theo số liệu thống kê, mỗi tháng này trung bình có 7 đến 10 ngày, trong đó có 2 đến 4 ngày gió Lào thổi mạnh. Gió Lào thường thổi thành từng đợt, đợt ngắn từ 2 đến 3 ngày, đợt dài từ 10 đến 15 ngày, có đợt kéo dài tới 20 – 21 ngày.
Gió Lào là một dạng thời tiết đặc biệt về mùa hè ở các tỉnh ven biển Trung Bộ Việt Nam, đặc biệt là ở Bình Định quê tôi! Thời thơ ấu chúng tôi đã khốn khổ vì loại gió này và nay khi đi xa luôn nhờ về nó như một ký ức khó quên! Gió Lào thổi theo hướng Tây Nam.Trong một ngày, gió Lào thường bắt đầu thổi từ 8 – 9 giờ sáng cho đến chiều tối, thổi mạnh nhất từ khoảng gần giữa trưa đến xế chiều,có khi gió Lào thổi liên tục suốt cả ngày đêm, có đợt kéo dài 10 ngày đêm liền.
Khi có gió Lào thổi, nhiệt độ cao nhất trong ngày thường vượt quá 37 0C và độ ẩm tương đối trong ngày thường giảm xuống rất thấp.Thời tiết trong những ngày này rất khô, độ ẩm có khi xuống 30%, và nóng, bầu trời không một gợn mây, trời nắng chói chang, gió lại thổi đều đều như quạt lửa, cây cỏ héo khô, ao hồ cạn kiệt, con người và gia súc bị ngột ngạt, rất dễ sinh hoả hoạn.
Ngoài “gió Lào” đầy đặc trưng và đáng nhớ, thì những món mang yêu tố Lào cũng khá đặc biệt: “Dép Lào” thì nổi tiếng từ rất lâu nhưng người Lào không hề sản xuất! “Cồn Lào” thì có thật nhưng lại đầy biến tấu khi nói lái sang tiếng Việt! và ‘Chồng Lào” thì cũng khá vui: “Chồng Lào mê được chỗ nào/Nhỏ con èo uột xanh xao gầy òm….”, cho xin lỗi bạn Xom Sak nhá!bạn thì đâu có ốm chút nào!
TẾT BUNPIMAY
Tục lệ té nước (tạt nước theo tiếng miền Trung chúng tôi) trong ngày Tết của Lào cũng có phần do thời tiết nóng bức (tháng 4 là thời điểm nóng nhất ở Lào).Trước khi té nước cho nhau, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành.Chúng ta cần tìm hiểu một chút về tập tục này.
Trước đây, Tết Lào được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng Một, tuy nhiên, thời điểm này lại rơi vào mùa đông, không thích hợp cho phong tục té nước nên ngày này đã được chuyển sang thời điểm nóng nhất trong năm.Đây cũng là thời gian ngày thường dài hơn đêm, ngày dài nhất có thể đến 14 tiếng 24 phút!
Theo các sử gia Lào, tổ tiên người Lào đến từ phía Nam Trung Quốc và chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Độ nên lấy ngày, tháng, năm theo Ấn Độ. Riêng Tết Lào là lấy theo người Mon-Phama và người Khmer.Người Ấn Độ coi trọng thời điểm ngày dài hơn đêm và gọi đó là Watthanasagn, có nghĩa là “nhiều bóng râm”. Khi đó mặt trời mọc ở phía bắc và bắt đầu mùa mưa, thuận lợi cho trồng trọt hơn các mùa khác trong năm. Ngoài ra, Tết Lào còn xuất phát từ một truyền thuyết về cuộc đấu trí giữa Thammabane và Kabinlaphom.
Thời gian đó người dân vẫn coi Kabinlaphom, thần của bầu trời là người thông thái nhất.Khi biết tin dưới trần gian có Thammabane là một người rất hiểu biết, Kabinlaphom muốn thi tài với Thammabane.Ông ta đặt ra ba câu hỏi để Thammabane trả lời, nếu Thammabane trả lời được thì Kabinlaphom sẽ phải dâng đầu mình và ngược lại.
Ba câu hỏi đó là:
-Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi sáng?-Gương mặt!
-Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi chiều?
-Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi tối?
Vào ngày đầu tiên của Tết Lào, người ta quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Nước thơm là một hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm.Nước được ướp hương hoa hoặc hương liệu thiên nhiên.Về sau người ta còn cho cả kem và bột!
Vào buổi chiều, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo.Sau đó, người ta rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật.Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để xức vào người làm phước.Người ta còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa.Để tỏ lòng tôn kính người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng.Bạn bè té nước vào nhau. Họ không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất.Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe.Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều.
CHUYỆN VUI HÀNH TRÌNH
Các cuộc hành trình dài thường được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện vui, tiếu lâm để vừa chống mỏi mệt,vừa giúp khỏi ngủ và thế là bạn Kính, rồi bạn Xom Sak thay nhau kể khá nhiều nhớ nhất vẫn là câu của cháu Xom Sak, người Lào nhưng vẫn sành câu chuyện Việt: “Khi đã máu thì không cần biết là ai, Khi đã mang thai thì không cần biết ai là bố cháu”!
Hoặc đến lượt đáp lễ, ngoài bạn Thuận, tôi đã kể câu chuyện: “Mao kê tỉ nhỉ/nhĩ khoái kê hà khoái /Ngư tại bồn trung/ngư khoái bồn hà khoái”, nhưng sau đó còn khá nhiều câu chuyện hay như “đái gửi” hoặc như “Phở và Cơm”, “Bắc thang lên hỏi ông trời”……nhưng tôi lại quên không kể tiếp!
KẾT THÚC CUỘC HÀNH TRÌNH
3 đêm 4 ngày vụt qua.Ngày cuối cùng của chúng tôi chính là ngày đầu tiên cũa lễ hội Bunpimay, sau buổi ăn buffet sáng ở nhà hàng Sanavegas, ngay trong lòng casino! Chúng tôi tạm biệt những sắc hoa biểu trưng cho xứ triệu voi (chỉ có 1000 voi theo tiếng Lào không hiểu khi dịch sang tiếng Việt là Vạn hoặc Triệu voi?) như hoa champa (hoa đại-Bắc, hoa sứ-Nam), hoa Osaka (bò cạp vàng), hoa bằng lăng tím (to và sẫm như ở Khe Sanh Lao Bảo)…
Hành trình trở về khá trơn tru vì lượt về bao giờ cũng gần hơn lượt đi, thời gian tâm lý mà! Thế nên chỉ đến 17g chúng tôi đã có mặt ở Huế điểm dừng cuối cùng để ăn tối, trước khi đoàn khởi hành ra sân bay!
Do chuyến về bay trễ, vào lúc 23g tức chuyến cuối trong ngày và vào giờ chót delay thêm 40’ nên khi về đến sân bay TSN, chúng tôi đã bước sang ngày 15/4! Nhưng bao giờ cũng thế, trong cái xui bao giờ cũng có cái hên đi kèm! Nhờ thời gian lưu trứ ở Huế khá thong dong nên chúng tôi lại có dịp tìm hiểu thêm một vài điểm phát triển mới của cố đô mà trong chương trình tour không có! như ngắm nhìn cầu Tràng Tiền về đêm khoe sắc 7 màu, với công nghệ Ý (10 tỉ VNĐ) hoặc buổi chiều bách bộ bên cầu Phú Xuân nơi phố đi bộ gỗ lim đến 64 tỉ có nhiều tranh cãi khi thực hiện! nhưng theo chúng tôi đó là điểm nhấn đầy thú vị, đáng đồng tiền bát gạo!
Ra sân bay Tự Do Huế trở về Sài gòn, chúng tôi nhất thiết phải “ La còn – Tạm biệt Lào”, xin gửi lại lời chào thân thiện‘Sa bai dee – Xin chào” khi đạp đất Lào, cũng như không quên “Khạp chay – cám ơn” một dân tộc hiền hòa, một đất nước thanh bình đã cho chúng tôi những ngày tham quan tuy cực nhưng vui và thật đáng nhớ!
Chia tay cố đô Huế là lúc chúng ta:
“Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ trong mơ
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô” với giọng ngâm rặc Huế của o Hoàng Anh ngày nào mà chúng tôi đươc thưởng thức!
và cũng không quên:
“Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia”!
Hoặc vui vẻ hơn một chút thì:
“…Chưa đi chưa biết Huế thương
Đi rồi mới biết cũng thường mà thôi!
Khác nhau là ở cách chơi
Họ chơi dưới nước mình chơi trên bờ…”
Hẹn lần trở lại, chắc chúng ta sẽ có dịp ngắm nhìn một Huế khác vì hiện thành phố này đang ra sức xây dựng thành thành phố truyền thông thông tin đầu tiên trên cả nước! hoặc có dịp chứng kiến việc trùng tu Huế theo công nghệ phun hơi nước nóng áp lực cao (steam cleaning) của chuyên gia Đức trả lại màu sắc như 186 năm trước cho Ngọ Môn, một biểu tượng của Huế xưa:
“Có qua cơn bão rồi mới biết/ Lầu phụng uy nghi đó đó tề”!
Leave a Reply