
NGHỆ AN, LẦN ĐẦU TIÊN TA ĐẾN
(5-7/4/2018)
Mãi mong được một chuyến rong ruổi bằng ô tô từ Nam chí Bắc và ngược lại ít nhất một lần.Thế nhưng điều đơn giản đó lại là điều không dễ chút nào! Loay hoay suốt cả cuộc đời, mãi đến lúc 60 tuổi về hưu ta cũng chỉ thực hiện được, từ Nam ra Bắc thì đến được Quảng Bình là xa nhất! Còn từ Bắc xuống Nam cũng chỉ đền Ninh Bình là dừng lại; còn đoạn giữa gồm các tỉnh Hà Tĩnh – Nghệ An và Thanh Hóa là 3 tỉnh ta chưa bao giờ có dịp đặt chân đến đó một lần!
Kỳ này nhận lời mời của Hiệp hội Vata, lần đầu tiên có dịp đến Nghệ An để dự hội nghị BCH mở rộng và thế là ta lại có dịp đặt chân đến xứ Nghệ một lần.
Thoạt đầu, dự kiến là chúng tôi sẽ đến đó bằng ô tô với 2 chặng, nghỉ đêm ở Qui Nhơn quê mình và Huế quê của những cô gái mộng mơ! Nhưng vào giờ chót, chúng tôi lại đi bằng máy bay nên khá thuận lợi về mặt sức khỏe nhưng lại tiếc là chúng tôi không có dịp ngắm cảnh “bước tới đèo Ngang bóng xế tà” và tận mắt chứng kiến cơ sở Formosa, tác nhân gây ô nhiễm nặng vùng biển miền Trung nằm dưới chân đèo Ngang!
Giới thiệu một chút về Nghệ An,
Đây là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, với diện tích 16.500 km2 (tuy đã bị chính quyền Pháp khi lập bản đồ, cắt cho phía Lào khoảng ½ diện tích vùng xứ Nghệ! Nhưng nay vẫn còn đến gần gấp 8 lần dt TP.HCM), nhưng dân số chỉ có 3 triệu người (tức chừng 1/3 dân số TP.HCM)!
Xứ Nghệ là tên chung của vùng Hoan Châu cũ từ thời nhà Hậu Lê, tức Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay.Hai tỉnh này cùng chung một vùng văn hóa gọi là văn hóa Lam Hồng, có chung biểu tượng là núi Hồng – sông Lam. Núi Hồng Lĩnh nằm trọn trong đất Hà Tĩnh và sông Lam nằm ở ranh giới giữa Nghệ An và Hà Tĩnh. Trung tâm của Xứ Nghệ nằm ở hai bên dòng sông Lam. Danh xưng Nghệ An có từ năm 1030 thời nhà Lý, đời Lý Thái Tông. Lúc đó gọi là Nghệ An châu trại.Năm 1490, vua Lê Thánh Tông đổi tên từ “Nghệ An thừa tuyên” thành xứ Nghệ An (gọi tắt là xứ Nghệ); đồng thời với các đơn vị hành chính khác lúc bấy giờ như: xứ Kinh Bắc, xứ Sơn Nam, xứ Đông, xứ Đoài, xứ Thanh Hóa, xứ Lạng Sơn…
Nghệ An ngày nay gồm có 1 TP là TP Vinh, 3 thị xã là: Cửa Lò – Hoàng Mai – Thái Hòa và 17 quận Huyện, trong đó cực Tây giáp Lào là huyện Kỳ Sơn (giáp với tỉnh Xiengkhuang – Tp phía chân trời, có diện tích 15.880 km2 và phần lớn là địa hình miền núi; Tỉnh cách Thủ đô Vientian 400 km về phía đông bắc. Ở đây có ngọn núi Phú Bia, có độ cao 2.700 m là đỉnh cao nhất trong tỉnh đồng thời cao nhất tại Lào, nơi có cánh đồng Chum nổi tiếng,với vật liệu thời tiền sử được ghi lại vào khoảng 2.000 năm TCN!), cực Bắc giáp Thanh Hóa là huyện Quế Phong và cực Đông giáp biển là TP Vinh ở cực Đông Nam giáp Nghệ Tĩnh, chếch về hướng Tây Là Huyện Nam Đàn và huyện Thanh Chương; đi tiếp theo hướng ra Bắc là các huyện Nghi Lộc – Diễn Châu và Quỳnh Lưu.
Giới thiệu TP Vinh,
Thành phố Vinh là tỉnh lỵ của Nghệ An, nó có lịch sử từ lâu đời, trải qua bao thế kỷ, từ Kẻ Vạn (tiếng Nôm), Kẻ Vịnh (tiếng Hán) rồi Vĩnh Giang, Vĩnh Doanh sau chuyển thành Vĩnh Thị. Và sau đó người Tây Âu gọi là Vinh (Vĩnh gọi không có dấu) và kể từ năm 1789 đến nay từ Vinh được đặt tên cho thành phố này. Chữ Vinh là gọi chệch từ chữ Vịnh. Cách đây hàng ngàn năm, người Việt cổ đã sinh sống trên vùng đất này khá đông đúc.Việc tìm thấy hai trống đồng thuộc thời đại Hùng Vương (cách đây 4.000 năm) dưới chân núi Quyết mà hiện nay đang lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp Nghệ An đã chứng minh điều đó!
Đến Vinh du khách có thể thưởng thức đặc sản như cam Vinh, cháo lươn (có kèm gạo), soup lươn (chỉ có lươn và nước lèo, ăn không hoạc ăn kèm với bánh mì) và tham quan các điểm du lịch hấp dẫn trong thành phố như: Thành cổ Nghệ An, Lâm viên Núi Quyết, chùa Cần Linh, đền Hồng Sơn, chợ Vinh, các bảo tàng (bảo tàng tổng hợp Nghệ An, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, bảo tàng Quân khu IV), công viên (công viên Hồ Cửa Nam, công viên Nguyễn Tất Thành, công viên trung tâm thành phố với tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh)… và tham gia lễ hội đền Hồng Sơn, tổ chức vào ngày 3 tháng 3 và ngày 20 tháng 8 âm lịch.Theo một số anh em có uy tín ở đây,Thành phố Vinh sẽ mở rộng địa giới hành chính để có diện tích 250 km² với dân số dự kiến là 800.000 – 1.000.000 người (Sau khi mở rộng, diện tích của thành phố Vinh sẽ bao gồm thành phố Vinh hiện nay và toàn bộ diện tích thị xã Cửa Lò, phần phía Nam huyện Nghi Lộc, phía Bắc huyện Hưng Nguyên. Ranh giới thành phố mới sẽ là phía Bắc là đường Nam Cấm, phía Tây là đường tránh Vinh, phía Nam là sông Lam và phía Đông là biển Đông).
Phượng hoàng Trung đô,
Đông đô – Tây đô thì thỉnh thoảng chúng ta cũng nghe nhưng Trung đô thì rất ít nghe và thường là chẳng biết nó ở nơi mô?!
Từ thế kỷ XVII, thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, Ninh Quận Công Trịnh Toàn nhiều năm đã đóng đại bản doanh ở Núi Quyết.Huy động nhân dân và binh lính xây thành ông Ninh, đào kênh nối sông Cồn Mộc (tức sông Vinh) với sông Lam. Ngày 1 tháng 10 năm 1788, Hoàng đế Quang Trung đã quyết định cho xây dựng đế đô tại vùng đất Yên Trường, nay thuộc phường Trung Đô – thành phố Vinh – Nghệ An và đặt tên là thành Phượng Hoàng Trung Đô.Bằng việc xây dựng đơn vị hành chính, Phượng Hoàng – Trung Đô đã khẳng định vị thế của đất Yên Trường trong sự cân đối hài hòa với Đông Đô ở miền Bắc, Tây Đô ở miền Nam và trong chiến lược lâu dài của Hoàng đế Quang Trung là sẽ xây dựng Yên Trường thành kinh đô của đất Việt.Dù rằng,chưa được xây dựng hoàn tất do sự nghiệp nhà Tây Sơn quá ngắn ngủi,nhưng Phượng Hoàng Trung Đô là một dấu son chói lọi trên chặng đường phát triển của đô thị Vinh!
Đó là kinh thành do vua Quang Trung xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết; nay thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An,Việt Nam.Thành được xây vào năm 1788.Tại đây vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm.Ngôi thành này dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân, được đặt tên theo ý nghĩa chim Phượng hoàng (hình bên), một loài chim trong truyền thuyết (nguyên thủy là các con chim trong thần thoại của người dân khu vực Đông Á chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, ngự trị trên tất cả các loài chim khác.Trước đây, con trống được gọi là Phượng còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn và Phượng cùng Hoàng đã được trộn lẫn vào nhau thành một thực thể giống cái, gọi là phượng hoàng, để cho nó có thể ghép cặp với long (rồng), là con vật mang ý nghĩa của giống đực, Sự kết hợp của rồng phụng là biểu tượng tuyệt vời của hạnh phúc lứa đôi, long phụng sum vầy, sự may mắn thịnh vượng về công danh tài lộc và địa vị xã hội, trời đất âm dương hòa hợp); Trung Đô còn có ý nghĩa là kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do Quang Trung kiểm soát, cách Phú Xuân khoảng 300 km, cách Đông Kinh – Kẻ Chợ cũng khoảng 300 km!
Giới thiệu một chút về Hà Tĩnh,
Hà Tĩnh là một tỉnh của Việt Nam, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ.Trước đây, Hà Tĩnh cùng với Nghệ An là một miền đất có cùng tên chung là Hoan Châu (thời Bắc thuộc),Nghệ An châu(thời Lý, Trần), xứ Nghệ (năm 1490, đời vua Lê Thánh Tông, được cận thần Nguyễn Xí quê Nghệ An phò tá), rồi trấn Nghệ An.Năm 1831,vua Minh Mạng chia trấn Nghệ An thành hai tỉnh: Nghệ An (bắc sông Lam) và Hà Tĩnh (nam sông Lam).Năm 1976, Hà Tĩnh sáp nhập với Nghệ An, lấy tên là Nghệ Tĩnh. Năm 1991, Quốc hội Việt Nam khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Nghệ Tĩnh, tái lập tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh. Núi Hồng Lĩnh cùng với sông La là biểu tượng của tỉnh Hà Tĩnh; Diện tích gần 6.000 Km2(gần gấp 3 lần dt TP.HCM) dân số chỉ gần 1.259 000 người (tức chỉ bằng 1/9 dân số TP. HCM), bao gồm 4 dân tộc chính là: Kinh – Thái – Lào – Mường…
Nếu chúng ta đến Nghệ Tĩnh thì cần nhớ tìm thưởng thức những đặc sản không thể bỏ qua như: ram bánh mướt(một bánh mướt rán, chiên), kẹo cu đơ (chưa biết chính xác lý do gọi tên này!),bánh đa vừng (thực ra là mè đen), gỏi cá đục, bánh bèo Nghệ Tĩnh, hến sông La (như hến song Hương), bún bò Đức Thọ…hoặc viếng thăm nhũng danh thắng như: Chùa Hương Tích, Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du, Ngã 3 Đồng Lộc, Hồ Kẻ Gỗ, khu du lịch sinh thái Trại Tiểu, khu du lịch sinh thái Sơn Kim, Bãi biển Hoành Sơn, Bãi Biển Thiên Cẩm, Làng cá Cữa Nhượng và núi Hồng Lĩnh!
Những nơi đã qua và dấu ấn để lại,
Sân bay Vinh,
Đây là nơi chúng tôi đặt chân đến đầu tiên.Chỉ tiếc bây giờ đi máy bay như đi xe đò!Ở lượt đi, tuy là chuyến bay quốc nội, chúng tôi đến trước 1g30’ và đã mua vé online nhưng khi vào làm thủ tục, do lượng khách quá đông, lại chỉ có một cửa kiểm soát an ninh nên chỉ chút nữa là trễ giờ bay!Lượt về ở Vinh, lịch bay on board là 9g nhưng đến 9g20’ đã ngồi trên máy bay, chúng tôi vẫn phải chờ, mặc dù sân bay vắng lặng! hỏi ra nghe nói do yếu tố thời tiết!nhưng tiếc thay các nhân viên hàng không lại chẳng thông báo gì!
Cảng hàng không quốc tế Vinh nằm cách trung tâm thành phố Vinh chỉ khoảng 6 – 7 km như sân bay TSN ở SG.Năm 2009, Cảng hàng không Vinh đã vận chuyển hơn 257.000 hành khách. Sau 6 năm vào năm 2015, dự kiến sân bay Vinh đạt 1,5 triệu lượt khách.Lượng hàng hóa vận chuyển qua sân bay Vinh năm 2012 đạt 1.805 tấn; năm 2014 đạt 2.990 tấn, (tăng 93,2% so với năm 2013).
Cảng hàng không Vinh do người Pháp xây dựng vào năm 1937 đến nay đã 81 năm, với đường cất – hạ cánh dài 1.400 x 30m bằng đất và một vài công trình phụ trợ khác: sân đỗ máy bay, kho xăng dầu…Trước năm 1994, cảng hàng không Vinh hầu như không được đầu tư sửa chữa.Năm 1994, trước nhu cầu khai thác đường bay Hà Nội – Vinh – Đà Nẵng và ngược lại, nhà nước đã đầu tư trên 20 tỷ đồng để sửa chữa đường cất – hạ cánh, xây dựng nhà ga, đường lăn, sân đỗ… Năm 1995, hoàn tất công tác đầu tư sửa chữa và đưa vào khai thác thường lệ đường bay Hà Nội – Vinh – Đà Nẵng với tần suất 6 chuyến/tuần. Từ năm 1997, sân bay Vinh khai thác tuyến Vinh – Đà Nẵng với tần suất 3 chuyến/tuần.Hiện nay,tại sân bay Vinh, có 3 hãng hàng không hoạt động: Vietnam Airlines (BMT – Hà Nội – TP.HCM),VietJet Air (BMT –TP.HCM –Nha Trang) và Jestar Pacific (BMT –TPHCM – Nha Trang) đang khai thác bình quân 26 lượt chuyến bay/ngày!
Khách sạn Mường Thanh Thanh niên,
Sau khi rời sân bay, theo giới thiệu của giới taxi Vinh, Thành phố này có đến những 5 ks mang tên Mường Thanh mà ks mà chúng tôi lưu trú chỉ là 1/5 ks đó! Là 1 trong những khách sạn 3 sao hàng đầu tại thành phố Vinh, Khách sạn Mường Thanh Thanh Niên Vinh (74 – Lê Hồng Phong) là nơi giao thoa, hội tụ giữa hương sắc của núi rừng Tây Bắc và sự đậm đà của miền Trung yêu dấu!
Nằm cách ga Vinh chưa đầy 5 phút đi bộ, khách sạn sẽ là sự lựa chọn thuận tiện cho du khách đến thăm thành phố miền Trung, nên BCH Vata kỳ này đã tổ chức hội nghị BCH mở rộng ở địa điểm này, mà theo motto của ks là : “Không gian thanh thản, tình cảm chân thành”!
Thành cổ Vinh,
Nằm trên địa bàn của ba phường Cửa Nam, Đội Cung và Quang Trung, thành cổ Vinh là một chứng tích lịch sử, nơi ghi lại dấu ấn nhiều biến động của xứ Nghệ.Thành được xây dựng bằng đất vào năm 1804 dưới triều đại vua Gia Long và đến năm Minh Mạng thứ 12 thì mới được xây lại bằng đá.
Thành cổ Nghệ An là chứng tích của lịch sử từ thời nhà Nguyễn đến những cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược của nhân dân ta và một địa điểm du lịch ở Nghệ An. Do đó, thành cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn bị phá hủy gần hết.Cổng Tiền Môn là cổng còn nguyên vẹn nhất trong ba cổng của thành. Du khách đến đây sẽ có cơ hội tìm hiểu kĩ càng về lịch sử nước nhà cũng như tầm quan trọng của mảnh đất xứ Nghệ trong suốt dọc chiều dài lịch sử.
Làng Sen quê Bác
“Làng Sen” hay “làng Kim Liên – sen vàng” là nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng cụ Hồ Chí Minh (quê nội).Sau luỹ tre xanh cùng những hàng cau là ngôi nhà lá 5 gian đơn sơ, mộc mạc của gia đình cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của cụ Hồ Chí Minh. Hiện nay, dẫu thời gian đã trôi qua rất lâu nhưng các kỷ vật trong gian nhà của cụ Sắc vẫn còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn từ chiếc rương, chiếc tủ, mâm gỗ cho đến cả chiếc án thư, bộ phản, nghiên mực…
Đến thăm làng Sen quê cụ, bạn không chỉ có cơ hội tìm hiểu kĩ hơn về nơi ở, cuộc sống tuổi thơ của cụ Hồ mà còn cảm nhận được không khí mộc mạc, yên bình với những mái nhà tranh, những rặng cau, hàng tre đung đưa trong gió…
Quê ngoại HCM & Mộ cụ Hoàng Thị Loan,
Sau khi viếng làng Sen chúng tôi quay về quê ngoại làng Hoàng Trù cách đó chừng 1-2 km để thăm ngôi nhà của bà Hoàng thị Loan là mẹ cụ HCM.
Làng “Hoàng Trù” hay còn gọi là làng “Chùa” thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.Đây là quê hương của thân mẫu cụ Hồ – cụ bà Hoàng Thị Loan, cũng chính là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc được ông bà ngoại của cụ nhận nuôi dưỡng, giáo dục thành tài. Cũng chính tại nơi này, cha mẹ cụ nên duyên vợ chồng và sinh ra ba người con: Cả Khiêm, chị gái Nguyễn Thị Thanh và ông Hồ Chí Minh.
Bà Hoàng Thị Loan (1868 – 1901) là người mẹ Việt Nam tiêu biểu có công nuôi dạy nên những người con yêu nước, trong đó có cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này là cụ Hồ Chí Minh.
Từ chân núi Động Tranh, lối lên phần mộ Bà nằm ở bên trái phần mộ có 269 bậc (con số 69 là năm ông Hồ mất – 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm cậu cả Khiêm; đưa hài cốt mẹ về đây – 1942).Trước phần mộ xuống sân bia 33 bậc, con số 33 là tuổi đời của Bà (chết khá trẻ).Phía trên mộ là dàn hoa cách điệu hình khung cửi. Hai cụm cây hoa giấy che mát phần mộ Bà được lấy giống từ Huế – nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp.Khe trước phần mộ trồng nhiều cây quí từ nhiều miền đất nước.
Chỉ tiếc do thời gian có hạn nên chúng tôi chỉ nghe bạn Quang lái xe lướt qua cho biết trên đường quay về biển cửa Lò, chứ không trực tiếp leo núi đến tận mộ phần!
Biển Cửa Lò,
Sau khi thăm làng sen quê cụ HCM, chúng tôi ghé qua thăm khu vực mộ bà Nguyễn Thị Loan, dự kiến là leo núi đến tận mộ phần luôn nhưng giờ chót do có hẹn ăn tối với gs Đại – TBT báo Đại lộ nên chúng tôi chỉ tạt qua ghi mấy pô hình, rồi đã trực chỉ khu vực biển cửa Lò cách đó chừng 20km, dọc theo con đường QL46 (Có đến 3 đường Ql 46 A, QL46 B, QL46 C mình chưa phân biệt được?) là con đường mới mở khá tốt, dành cho nước bạn Lào tiếp xúc với biển thông qua dự án Cảng biển Cữa Lò nối với Lào và vùng đông bắc Thái Lan (thông qua cữa khẩu Nậm Cắn – QL7 hiện nay hoặc cữa khẩu mới Thanh Thủy – QL48!); Cửa khẩu Nậm Cắn là cửa khẩu quốc tế tại vùng đất làng Tiền Tiêu xã Nậm Cắn huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An, Việt Nam . Cửa khẩu Nậm Cắn ở điểm cuối quốc lộ 7A, thông thương sang cửa khẩu Namkan của Lào tại vùng đất bản Din Dan muang Nong Het tỉnh Xiengkhuang Đường lên Nậm Cắn và tới tỉnh lỵ Xiengkhuang là cung đường kỳ vĩ hiểm trở, và là một tuyến du lịch mạo hiểm với nhiều nét hoang sơ của thiên nhiên và con người.Nó cũng là đường cho chiếc xe chở hàng nông sản, gỗ từ Lào về Nghệ An, trong đó nhiều xe quá tải đã lẩn trốn trong các quán ăn, cây xăng, bìa rừng… nhằm tránh lực lượng chức năng kiểm tra).
Đây là một trong những bãi biển nổi tiếng nhất của du lịch Nghệ An với lượng khách du lịch đổ về đông vô cùng vào mùa hè. Đây cũng là một địa điểm chụp ảnh lý tưởng khi bạn sẽ được thoải mái tạo dáng bên bãi biển, cồn cát hay có thể bắt ngay những khoảnh khắc đẹp nhất khi bạn đạp xe đạp đôi dạo quanh đây, công viên ở đây hay những khu vực mọc rất nhiều cây thông cũng thực sự là những địa điểm ngoài bãi biển rất tuyệt vời để bạn có những bức ảnh để đời.
Đảo Lan Châu nằm ngay sát du lịch Cửa Lò, chia bãi tắm Cửa Lò thành hai khu vực riêng biệt.Những lúc triều dâng, toàn đảo dầm chân trong nước biển.Dưới chân núi, về phía đông nam có nhiều tảng đá lớn, hình thù kỳ lạ với nhiều tên gọi khác nhau.Trên đảo, năm 1936, vua Bảo Đại đã cho xây lâu đài để nghỉ dưỡng ở đây và từ đây, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thị xã Cửa Lò và được phóng tầm mắt nhìn ngắm biển khơi bao la.Tại đây nghe đâu có loài cúc biển đẹp lạ kỳ, do chính vua Bảo Đại đem giống cây từ Pháp về! Quả đúng là vị vua có đầu óc thưởng thức cuộc sống trăm năm: “Chỗ nào phong cảnh hữu tình là chỗ đó có dinh thự của Bảo Đại”! Và cũng khá hay khi ông triết lý trả lời chất vấn của mẹ mình: “Đâu chỉ là chỗ ăn chơi! Đó là quốc thể đấy chứ!”
Những nơi chưa qua cần tiếp tục khám phá,
Đồi chè Thanh Chương
Nằm ở miền Tây xứ Nghệ, nơi nổi tiếng với khí hậu khô nóng, khắc nghiệt vô cùng nhưng bạn sẽ cảm giác hạ nhiệt hẳn khi bước vào “ốc đảo” chè ở huyện Thanh Chương. Những quả đồi được phủ bởi màu xanh ngắt ngút ngàn của những cây chè, đan xen giữa những khu đồi là những hồ nước được phản chiếu màu chè.Khi những tia nắng bắt đầu ngày mới tỏa sáng, cả đồi chè trở nên đẹp rực rỡ cùng làn không khí trong lành khiến bạn không khỏi ngạc nhiên.
Đến đây, ngoài việc đứng trên các đồi chè ngắm nhìn khung cảnh rộng lớn, xanh miết thì bạn cũng có thể mua vé đi thuyền hoặc xuồng máy dạo quanh đồi chè với mức giá 100.000 -150.000 đồng cho 3 hoặc 4 người trên một chuyến đi.Giờ đây, không chỉ Mộc Châu mới sở hữu những đồi chè xanh tươi mà ngay Nghệ An cũng đã có một ốc đảo chè xinh đẹp!
Cánh đồng hoa Hướng Dương
Cánh đồng hoa hướng dương rộng khoảng 100 ha nằm ở nông trường 19/5, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Nơi đây được ghi nhận là cánh đồng hoa hướng dương lớn nhất Việt Nam.Đây là địa điểm rất nổi tiếng ở Nghệ An thời gian gần đây và cứ đến mỗi mùa hoa nở, nơi đây lại đón lượng lớn du khách đến đây tham quan và chụp ảnh.Địa điểm này “hot” đến mức được rất nhiều nghệ sĩ chọn làm nơi quay các MV ca nhạc hay thực hiện các bộ hình thời trang của mình.Vẻ đẹp của cánh đồng này có lẽ nằm ở màu vàng rực rỡ của những bông hướng dương bao phủ không gian, dưới ánh nắng, cánh đồng tựa tấm thảm êm ái lộng lẫy cả một vùng trời.
Đảo Lan Châu
Đây đích thị là đảo đẹp nhất Cửa Lò với khung cảnh có chút gì đó rất cổ kính, rất tĩnh lặng và nên thơ.Đảo Lan Châu với con đường đá cùng hải đăng Lan Châu tuy không quá lộng lẫy như những ngọn hải đăng khác trên các miền đất nước nhưng vẫn sở hữu nét đẹp bình yên giữa một Lan Châu mê đắm lòng người.Thời gian gần đây,Lan Châu nổi lên như một điểm đến hấp dẫn mới nên các dịch vụ du lịch ở đây cũng đang được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu tham quan và du lịch của du khách mọi miền.Đến đây,bạn sẽ có cơ hội thưởng thức hải sản tươi ngon, các du thuyền đưa bạn tham quan đảo cũng như các môn thể thao dưới nước đang dần hoàn thiện hơn.
Cánh đồng nuôi cừu
Đâu phải lặn lội tới tận Phan Rang nắng cháy bạn mới biết đến cừu, ngay Nghệ An nay cũng đã có một cánh đồng nuôi cừu rất đáng chú ý! Đàn cừu được nuôi trên một cánh đồng ở xóm 11, xã Bảo Thành, Yên Thành – Nghệ An.Năm 2015, sau khi đầu tư, xây dựng mô hình trang trại, anh Nguyễn Văn Tứ đã vào Ninh Thuận để mua cừu giống về nuôi.Hiện nay,đàn cừu ngày càng phát triển, có đến cả hàng ngàn con.
Cừu ở đây chủ yếu được nuôi để lấy thịt, do đó, lông của chúng không được trắng và đều nhưng do số lượng cừu khá đông xen lẫn giữa khung cảnh toàn núi rừng trùng điệp ở Nghệ An cùng đồng cỏ xanh ngắt nên đảm bảo ai đến đây cũng sẽ có những bức ảnh lung linh để khoe với bạn bè. Bạn sẽ chỉ mất tiền vé gửi xe khoảng 5.000 – 10.000 đồng để gửi xe đối với xe máy và 20.000 – 25.000 đồng đối với ô tô và không mất một chi phí nào để tham quan trang trại và đồng thời đến dịp năm tàn tháng tận, chúng ta lại nhớ về cảnh: “Áo cừu thấm lạnh năm hồ hết/ Du tử phương trời chạnh cố hương”!
Ẩm thực chuyến đi,
Qua nghiên cứu cũng như giới thiệu của các HDV du lịch chuyên nghiệp, chúng tôi biết được khá nhiều những món ăn xứ Nghệ nhưng do thời gian lưu trú ngắn nên chỉ có thể thưởng thức dăm ba món đặc trưng, số còn lại chắc phải đợi một lần khác đến!
Những món đã thử một lần,
Tương Nam Đàn,
Tương Nam Đàn là một loại nước chấm hoặc kho cá.Chấm rau muống hoặc rau lang, kho cá sông, cá đồng với nồi đất Kẻ Trù.Vật liệu để làm tương là nếp, ngô, đậu tương (đậu nành).Ngô và đậu rang, xay, ngâm rồi phơi (ngô không ngâm, ủ với lá nhãn làm mốc), đặc biệt đậu chỉ xay hoặc giã vỡ đôi, vỡ ba, không vỡ vụn như tương bần miền Bắc, đảm bảo khi lấy ra bát thấy mẻ đậu như từng con thuyền bé xíu nổi trên mặt bát nước vàng óng, ăn có vị mặn, ngọt,nếu chấm có dính mẻ đậu thì có vị bùi.Mình có dịp thưởng thức món nước chấm này ở buổi cơm tối ngay ngày đầu tiên đến ở quán ….do gs Đại và các công sự ở Nghệ An (trong đó khó quên là 2 mỹ nữ Yến – Giang, nhị nhi nữ tửu lượng thượng thừa!) chiêu đãi, nói chung là đúng như danh bất hư truyền!
Cháo lươn Vinh,
Lươn có giá trị thực phẩm cao, thịt lươn được chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau.Ở Việt Nam lươn có thể được dùng làm nguyên liệu của các món ăn được ưa chuộng như: cháo lươn, miến lươn, lẩu lươn, chuối om lươn,súp lươn, lươn xào sả ớt…Trước kia lươn chủ yếu chỉ được khai thác ngoài tự nhiên.Ngày nay,lươn được nuôi nhân tạo và trở thành một nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao!
Đã nghe và biết cháo lươn Vinh loãng, không đặc như cháo vịt Vân Đình Hà Nội, cháo dê Ninh Bình… Lươn xé dọc sợi chứ không chặt khúc như phương Nam, được xào nấu cẩn thận, mặn một tí, cay một tí; và mùi đặc trưng nhất của cháo lươn Vinh được làm nên từ rau răm nên ngay sau khi đến ks Mường Thanh, trong khi chờ nhận phòng, bạn Hưởng đã chọn món phở bò như thường lệ, riêng tôi chọn món cháo lươn Vinh! Và qua thưởng thức xong tô cháo, lẩm rẩm nghĩ lại đúng là danh bất hư truyền! vì tôi đã chọn cả món chè xanh đi kèm! Ngày nay, cháo lươn hình như có mặt hầu khắp thành phố.Ngoài cháo, còn có cả súp lươn cũng ngon không kém và có thể ăn với bánh mì, bánh mướt…đều ngon! Do nghe danh tiếng này từ lâu nên không chỉ ngay buổi sáng đầu tiên đến Mường Thanh chúng tôi đã lội bộ ra thử món cháo lươn này khá ngon! Sau đó, chúng tôi lại có dịp thử “súp lươn” vào buổi ăn sáng và thưởng thức món chả lươn ở bữa trưa cùng tại Ks Mường Thanh do người đẹp Nga – HH vận tải Nghệ An thiết kế và giới thiệu!
Bánh đa Đô Lương
“Bánh đa”, thực ra ở Bình Định quê hương tôi gọi là “bánh tráng”, một loại bánh không chỉ thay cho bánh phồng tôm khai vị ở phương Nam, mà còn giúp ăn no cho người nông dân chân lấm tay bùn! Bánh đa được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác.Nguyên liệu tuy đơn giản, dễ kiếm nhưng để có một chiếc bánh ngon đòi hỏi rất nhiều công phu! Bánh đa là thứ bánh dân dã, dễ ăn kèm với các món khác hoặc ăn riêng cũng được.Món “bún giá cá ruốc” sẽ ngon hơn nhờ một miếng bánh đa, bỏ lên ít bún, thêm ít giá sống và cùng một mẩu nhỏ cá hấp, rồi chấm vào bát ruốc (mắm tôm) đã dầm ớt vắt chanh.Vị cay nồng hòa cùng vị ngọt bùi thêm một ít vị chua, khi ăn mồ hôi túa ra, thật sảng khoái! Và tôi đã thưởng thức nó ngay đêm đầu tiên đến Nghệ an do gs Đại chiêu đãi!
Bánh mướt Diễn Châu
Đây là loại bánh mà cái tên nghe rất lạ mà lần đầu tiên tôi mới đựợc nghe! Mới đầu tôi cứ nghĩ là bánh ướt nhưng người ta viết nhầm vì bề ngoài cũng khá giống với loại bánh ướt! Nghe nói ở Diễn Châu có nhiều làng làm bánh mướt nổi tiếng, hỏi những cư dân TP Vinh thì bánh mướt ở đây nổi tiếng như bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội).Làng Quy Chính ở gần chợ Sa Nam (thị trấn Nam Đàn) nên bánh làm ra thường xuyên được bán ở chợ Sa Nam! Rất thú vị là chúng tôi đã được thử ăn ở nhà hàng ks Mường Thanh TN với “xáo lòng” và cả với chả lợn như người miền Nam gọi là chả lụa!
Măng đắng
Măng đắng là loại mà tôi đã từng thử ăn ở Điện Biên (Măng đắng là một loại sản vật đặc sản mà chỉ có vùng núi rừng như Điện Biên mới có. Măng đắng được mọc lên từ những dãy đồi, sườn núi, và được nhú lên từ mặt đất, khi có mưa rào măng mọc lên rất nhanh, măng ngon nhất là được hái từ lúc còn chưa nhú khỏi mặt đất, khi đó từng búp măng sẽ trắng ngần nõn nà trông thật hấp dẫn.), nó có thể chế biến theo nhiều cách: xào mẻ, hầm (hoặc nấu canh) xương, luộc và nhất là với những người sành món này thì thường phải nướng; măng nướng thơm bùi chấm muối – thứ muối tinh được nghiền kỹ với trái ớt hái từ trong các cánh rừng.Món này mới ăn lần đầu cảm giác đắng không chịu được, nhưng càng nhai kĩ, vị đắng sẽ mất dần, thay vào đó, nếu nhẩn nha nhai là vị thoang thoảng ngọt, nhè nhẹ cay, rất lạ. Măng đắng có hầu như quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa và khá đặc biệt là cả khi ăn phở họ cũng dọn cả món măng đắng chua, chả khác gì khi qua Lào chúng tôi ăn phỏ họ dọn cả “trái đậu đũa” sống! Có điều là “Măng đắng” chớ nhầm với “măng đen”, là một khu du lịch sinh thái ở Kon Tum, thời gian gần đây nổi lên như một Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam ta nhé!
Mực nhảy nướng
Từ “nhảy” thọat đầu dành chỉ là định danh dành cho những loại thủy hải sản, có hành vi nhảy thực sự như “ốc nhảy”! thế nhưng ngày nay nó đã được giới ẩm thực gán cho những con vật còn sống tươi rói như: tôm nhảy, mực nhảy!“Mực nhảy” nướng là món ăn thú vị hơn cả trong tất cả các món ngon được chế biến từ mực.Món này là thứ đặc sản dùng để ăn chơi sau ngày dài thăm thú,tắm biển Cửa Lò.Đầu bếp phải khéo léo chọn loại mực tươi còn nhảy tanh tách, rồi khứa vài đường nướng ngay trên bếp lửa, ăn vừa ngọt vừa thơm.
Cam xã Đoài
Cam Xã Đoài là giống cam xuất xứ từ Tây Ban Nha được một Linh mục người Pháp trồng trong khuôn viên Nhà thờ ở xứ Xã Đoài từ khoảng năm 1920-1930.Do giống cam Xã Đoài có khả năng thích ứng rộng, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau ở miền Bắc Việt Nam nên giống cam này hiện đang được trồng ở rất nhiều địa phương khác nhau ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang…
Cam xã Đoài có vị đặc biệt thơm ngon, vỏ mỏng, rất nhiều nước, nguồn giống chọn lọc sạch, không sâu bệnh nên ngày nay nổi tiếng khắp vùng Trung-Bắc bộ.Thường thì từ tháng 10, tháng 11 âm lịch đã có khách đến đặt mua. Cam chín rộ vào dịp trước Tết.Cam khi mới chín có màu vàng rồi chuyển sang sẫm dần nhưng luôn giữ được vẻ tươi tắn, ngoài có lớp the mỏng, chỉ cần khẽ xây xát là đã thoát một mùi thơm đặc biệt,bổ ra màu vàng óng,ăn rất thơm ngon.Nếu đem ngâm với rượu sẽ cho một sản phẩm rượu thơm, vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị hoặc bồi dưỡng sức khỏe cho sản phụ.Nhưng do lệch mùa chúng tôi chỉ thưởng thức cam Vinh nhưng có một số người tưởng chúng tôi không biết cứ gọi cam Vinh là cam xứ Đoài!
Cam Vinh ngày nay không chỉ là tên gọi của của cam Xã Đoài xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ngày xưa nữa! Loại cam Vinh được mọi người nhắc đến là “đặc sản” bởi sự đậm đà và ngọt thanh trước hết là cam được trồng tại vùng đất xã Nghi Diên, Nghi Lộc tiếp đến là cam được trồng tại Hương Sơn – Hà Tĩnh sau đó là Quỳ Hợp – Nghệ An rồi đến Hưng Yên, Cao Phong …Cam Vinh có rất nhiều loại, khách hàng nên biết và quan tâm có 4 loại sau:
– Cam chín sớm (từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch) chủ yếu là loại cam lòng vàng (ở quê hay gọi là cam chanh) do viện hoa quả lai tạo từ cam Xã Đoài. Loại cam này cũng được trồng ở nhiều nơi như Cao Phong Hòa Bình, Văn Giang – Hưng Yên, Bắc Giang, Yên Bái … vv. Cam trồng ở đất Xã Đoài, Hương Sơn – Hà Tĩnh hay ở Quỳ Hợp – Nghệ An có vị ngọt thanh rất đặc trưng (giá bán tại Hà Nội 50.000 đ/Kg vào thời điểm tháng 10 năm 2015).
– Giống Cam Xã Đoài(thu hoach từ tháng 11 đến tháng 2).Loại cam này có vị ngọt đậm và thanh rất đặc trưng (giá bán dao động từ 50.000 đến 80.000đ/kg).
– Cam chín muộn thừơng thu hoạch sau tết(giá bán từ 60.000đ/kg đến 80.000đ/kg, có năm lên đến 120.000 đ/kg);
– Cam Bù (tiếng địa phương?) Loại cam này có vị ngọt chua, thường bóc vỏ ăn múi, ở quê người ta thường chấm với mắm tôm ăn để chống cảm cúm (giá bán dao động từ 40.000 đến 70.000 đ /kg)
Hiện nay người mua khó phân biệt được đâu là cam Vinh, đâu là cam Hưng Yên, đâu là cam Cao Phong?Kinh nghiệm của giới thương lái ở đây cho biết như sau:
– Trước tháng 10 dương lịch chưa có cam Vinh, cam Cao phong …Trên thị trường vào khoảng sau tháng 10 xuất hiện rất nhiều cam Vinh, cam Cao Phong, cam Hưng Yên, Bắc Giang …vv, người dân gọi là cam Vinh hoặc là cam Cao Phong đều đúng cả vì nó là một Giống cam gọi là cam lòng vàng.Cam Vinh có vị ngọt thanh rất đặc trưng ăn một lần là nhớ cam Vinh có vỏ giòn và bở, cam Cao Phong, Hưng yên có vị ngọt nhẹ hơn cam Vinh, chất lượng còn tùy thuộc vào sự chăm sóc của các nhà vườn.
– Từ khoảng tháng 11, có loại Cam Vinh ngọt rất đặc trưng hơn hẳn Cam Cao phong và Hưng yên …Cam ngon nhất là Cam trồng ở Xã Đoài Nghệ An, tiếp đến Hương Sơn – Hà Tĩnh, Quỳ hợp – Nghệ An và sau đó mới đến các vùng trồng cam khác.
– Sau tết xuất hiện cam được trồng nhiều ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hòa Bình …vv có chất lượng gần giống nhau nhưng cam Vinh đắt hơn một ít!
Lưu ý: Ngay tại các địa phương trồng cam như Vinh, Hà Tĩnh khách hàng vẫn mua phải cam chua nếu như khách hàng không nếm thử. Về Vinh, Hà Tĩnh thì nên hỏi cam “dự án” mà mua!
Bánh gì?
Đó là một loại bánh bột trắng làm với đậu xanh, được nhà hàng ks Mường Thanh phục vụ vào các buổi buffet sáng, ăn thử thấy khá ngon nhưng cái tên hơi lạ là “bánh gì”,không thấy giới thiệu chính thức trong tự điển ẩm thực và mình cũng quên ghi hình lại ở đây!
Những món ăn chỉ nghe và hẹn lần sau có dịp thử qua,
Nhút Thanh Chương
“Nhút” là thức ăn dân dã, truyền thống của mọi gia đình.Vật liệu làm nhút gồm mít xanh và muối trắng không i-ốt.Nhút có thể chấm nước mắm, làm nộm, xào.Với các món này, có một thứ rau thơm không thể thiếu được là lá kinh giới.Nhút chua nấu canh cá ăn có vị chua bùi và rất thơm.Thanh Chương còn một loại nhút khác,đó là lấy xơ mít mật (mít bở) chín,đồ nhuyễn với muối, gói vào mo cau tươi ủ ít ngày, thái nhát mỏng ăn có thêm vị ngọt và hương mít chín.Có thể chế biến thành các món như loại nhút làm từ mít xanh.Mình luôn muốn thử một lần cho biết vì ngay cả anh Thanh chủ tịch hiệp hội Vata là dân Bắc nhưng cũng không hảo ý muốn này, rất tiếc thời gian quá ngắn nên phải đành hẹn lại dịp sau!
Cháo canh
Nghe tên rất lạ, tuy nhiên hỏi qua thì được biết tô “cháo canh” chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến món bánh canh, tương tự như bánh canh ở Huế! nhưng người dân xứ Nghệ quen gọi tên món này là “cháo canh”. Người đầu bếp sẽ phải nhào nặn bột mì (đã được trộn nước) cho đến khi bột thật nhuyễn, cán mỏng và cắt thành những sợi nhỏ, đều đặn.Đợi đến khi nồi nước xương đã được hầm nhừ, thả những sợi mì trắng xóa vào, cho thêm tôm, thịt băm đã xào với hành khô phi thơm phức là bạn đã có một bát cháo canh ngon lành rồi, nếu bạn thấy hấp dẫn hãy thử món này ở địa chỉ cháo canh Đinh Công Tráng; cháo canh cổng thành (Cửa Nam).
Chịn xồm – món thịt chua của người Thái,
Món này làm từ thịt trâu, thịt lợn, thịt bò, đôi khi là thú rừng, chỉ lấy thịt nạc.Chịn xồm mang thái miếng, kẹp rau thơm rừng chấm muối ớt (hoặc nước mắm ớt), ăn có mùi vị chua, béo và bùi, rất tinh khiết, thanh nhã.
Bánh ngào,
“Bánh ngào” hay còn gọi là “bánh mật” là thứ đặc sản dân dã của người dân xứ Nghệ. Xắn một miếng bánh vàng óng đưa vào miệng, vị ngọt ngào của mật mía, dẻo của nếp và thơm thơm mùi gừng sẽ hấp dẫn bạn ngay từ lần thử đầu tiên.
Khoai xéo,
“Khoai xéo” là một món ăn dân dã đặc trưng đã gắn chặt với biết bao người con của xứ Nghệ. Để làm khoai xéo, sau khi thu hoạch, người ta chọn những củ khoai ngon, nhiều bột nhất rồi đem đi rửa sạch, sau đó cắt lát mỏng đem đi phơi cho đến khi khoai khô giòn thì bỏ vào chum vại, đậy kín và để ăn dần.
“Giò bê” Nam Đàn,
Loại giò này được làm theo kiểu thịt “dăm bông”, có vị thơm, ngọt rất đặc trưng của thịt bê không lẫn đi đâu được.Vài năm trở lại đây, “giò bê Nam Đàn” trở thành món quà biếu, món ăn trong ngày Tết phổ biến ở khắp các tỉnh thành Việt Nam.Giá mỗi kg giò bê không quá đắt lại mang đến cảm giác lạ miệng, chấm cùng tương ớt rồi nhâm nhi bên ly rượu, cốc bia vừa khoái khẩu vừa hợp lạ lùng!
Cá mát sông Giăng,
“Cá mát” không phải là giống cá lớn, thường chỉ bằng hai hoặc ba ngón tay người lớn, con “bự” cũng chỉ chừng 0,5 đến 0,8 kg.Hàng năm, tháng 8 âm lịch là vào mùa cá mát.Thịt cá mát rất lành, bổ, thơm ngon, hơi có vị đắng vì khi chế biến không vứt bỏ ruột (ruột cá rất sạch vì chủ yếu ăn thức ăn thực vật, như cá lóc ở phương Nam), mỡ béo ít xương và ngon nhất là phần đầu (không như các loại cá khác, đầu cá mát rất mềm,giòn).Cá mát có thể kho, rán, nướng…Dù chế biến theo kiểu nào thì thịt cũng rất bùi, rất thơm!
Bãi Lữ
Bãi Lữ là địa điểm du lịch Nghệ An hội tụ cả núi, biển và rừng nên đây dĩ nhiên là một điểm đến thu hút với phong cảnh thoáng đãng, thiên nhiên hòa hợp giữu màu xanh ngắt, trong vắt của nước cùng màu xanh bạt ngàn của rừng núi.Ngoài Cửa Lò đã quen thuộc thì Bãi Lữ cũng hứa hẹn là điểm du lịch và chụp hình lý tưởng cho du khách.Thậm chí, bạn dường như sẽ luôn có một bức ảnh đẹp giữa thiên nhiên dù đứng ở góc độ nào ở nơi đây.
Ngoài ra, gần đây khu nghỉ dưỡng Bãi Lữ Resort được xây dựng với chuỗi những nhà ở liền kề bé xinh, chung quanh bao bọc bỡi cây cối và hướng ra biển vô cùng lãng mạn.Đến khu vực này, bạn sẽ có những bức hình xinh xắn với sự xuất hiện của nhà cửa chứ không chỉ còn là rừng và biển hoang sơ nữa.
Biển Diễn Thành
Cách thành phố Vinh khoảng 40 km, dọc trục đường Quốc Lộ 1A, du khách sẽ đến được bãi Diễn Thành, một bãi tắm rộng, cát thoai thoải thuộc huyện Diễn Châu. Diễn Thành có sóng nhẹ, nước ở đây cũng không sâu, có khi lội cả trăm mét cũng chỉ xâm xấp bụng người.
Bởi biển Diễn Thành mới chỉ phổ biến đối với người dân địa phương nên nơi đây không ồn ào như các điểm du lịch biển khác, vẫn giữ được vẻ hoang sơ và chưa hề bị tác động bởi con người.Biển Diễn Thành đẹp nhất là lúc hoàng hôn nên vào thời điểm này, khi đi dạo trên bờ, đón những luồng gió lồng lộng, chân trần cảm nhận cát mịn, nhìn ra xa thấy một vùng nước trong xanh mênh mông, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn thư thái vô cùng.
Biển Cửa Hội
Cữa Hội (ở phía Nam, gần Hà Tĩnh – là tên vùng đất nơi có cửa sông Lam đổ ra Biển Đông vốn là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) và Cửa Lò (cách TP Vinh chừng 15km, ở về phía Bắc) cách nhau chỉ chừng 5km! Ngoài khơi Cửa Hội có đảo Song Ngư vốn là hai ngọn núi thấp (133m và 88m) trông như hai con cá khổng lồ nằm cạnh nhau chắn gió to sóng dữ, khiến cho bờ biển nơi đây luôn yên ả như mặt hồ, bãi cát rộng và thoáng, vô cùng thích hợp với trẻ em
Nằm giữa bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) và bãi biển Xuân Thành (Hà Tĩnh), bãi biển Cửa Hội cũng là một điểm đến khi mà bạn đến Cửa Lò nhất định cũng nên ghé qua.Người Nghệ An vẫn có câu “ăn Cửa Hội – lội Cửa Lò” với đại ý là ăn đặc sản biển thì không đâu ở Nghệ An ngon bằng ăn ở Cửa Hội.Tuy không phải là một bãi biển lý tưởng để tắm như Cửa Lò nhưng Cửa Hội là cửa biển lớn, có tầm quan trọng về vị trí chiến lược cả kinh tế lẫn quân sự của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Vườn quốc gia Pù Mát
Đây là một trong những khu rừng quốc gia sở hữu nhiều động thực vật quý hiếm nhất cả nước với diện tích tự nhiên 194.000 ha, trong đó vùng bảo tồn 94.000 ha và vùng đệm 100.000 ha.Đến với Pù Mát, bạn sẽ có cơ hội quan sát những loài thực vật với những hình dạng kì lạ lần đầu bạn được nhìn thấy hay những cây cổ thụ to lớn,…Đến đây cũng không thể bỏ qua thác nước Kèm hùng vĩ, nước chảy rì rầm quanh năm.Đặt chân đến Pù Mát, bạn khó có thể bỏ qua thú vui tản bộ trong rừng ngắm khung cảnh thiên nhiên hoang dã, tận hưởng làn không khí trong lành của khu rừng.Nơi đây là một trong những địa điểm du lịch đẹp ở Nghệ An.
Ngoài ra, ở trong những vùng đệm của vườn quốc gia này là khu vực sinh sống của một số hộ dân thuộc vùng dân tộc thiểu số nên nếu thư thả thời gian, bạn hoàn toàn có thể đặt một tour du lịch trải nghiệm sống cùng những hộ dân này và thưởng thức những món đậm chất miền núi như: cơm lam, cà mát, gà nướng…
Đền Cuông
Nằm ở núi Mộ Dạ, thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu, cách TP.Vinh khoảng 30km về phía bắc, đền Cuông là ngôi đền thờ Thục An Dương Vương, vua của nước Âu Lạc.Đây là một ngôi đền linh thiêng gắn với nhiều sự tích, câu chuyện kì bí.Đền Cuông có kiến trúc theo kiểu chữ Tam, bao gồm tam quan, ba tòa: Thượng, Trung và Hạ điện.
Tam quan có 3 cửa vào: một cửa ở giữa có ba tầng, hai cửa bên có hai tầng và đều có kiến trúc vòm. Tòa Thượng điện là nơi đặt ban thờ An Dương Vương, tòa Hạ điện có kiến trúc kiểu chồng diêm còn tòa Trung điện là nơi thờ Cao Lỗ, vị tướng quân đã giúp vua Thục chế tác nỏ thần.Ngôi đền này cũng là nơi lưu giữ khá nhiều di vật quý giá cùng các tư liệu chữ Hán.Lễ hội đền Cuông hàng năm (từ ngày 14 – 16/2 âm lịch) thu hút rất đông người hành hương từ khắp nơi về chiêm bái.
Hang Thẩm Ồm
Hang Thẩm Ồm nằm ở địa phận huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An và được cho là một hang động đẹp được thiên nhiên kiến tạo đa dạng.Các nhà khảo cổ học đã khảo cổ và phát hiện các hiện vật bằng đá, đồng, các xương và răng động vật hoá thạch ở đây.Điều này đã minh chứng rằng nơi đây có dấu vết của người Việt cổ cách ngày nay khoảng 20 vạn năm.Và những số liệu cũng đã cho thấy rằng người Thẩm Ồm là những nguời Việt cổ đại đầu tiên sinh sống trên nước ta.
Trong tiếng Thái, Thẩm Ồm có nghĩa là Hang Lớn, hang nằm ở độ cao 15m, hướng Đông Bắc.Nơi đây sẽ dẫn lối bạn vào một không gian vừa có chút bí ẩn lại vừa hoành tráng với các nhũ đá với các hình thù phong phú, đa dạng.
Thác Xao La
Thác Xao La thuộc địa phận huyện Quế Phong, cách thành phố Vinh khoảng 170km về phía tây bắc Nghệ An.Con thác này khá hùng vĩ với chiều cao và chiều rộng đều ấn tượng, mỗi chiều chừng 30 đến 35m. Ngắm nhìn ngọn thác này, bạn sẽ ấn tượng bởi dòng nước từ trên cao mạnh mẽ dội xuống vách đá hai bên.Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội để cùng các chàng trai, cô gái Thái chung uống một “sừng” rượu cần, hay đơn giản là ngắm nhìn sinh hoạt hay những bộ trang phục truyền thống của người dân ở đồng bào thiểu số nơi đây.
Núi Quyết
Cách trung tâm thành phố Vinh 5km về phía nam, núi Quyết và đền thờ vua Quang Trung là một khu du lịch sinh thái kết hợp văn hóa – tâm linh.Đây là điểm đến lý tưởng để bạn có thể tận hưởng bầu không khí tĩnh lặng, trong lành và cơ hội chiễm ngưỡng toàn cảnh thành phố Vinh từ trên cao.Theo nghiên cứu mà sách vở ghi lại, đây là nơi sinh sống của nguời Việt cổ và cũng là khu vực địa lý quan trọng của đất nước ta.Đường lên núi Quyết có các bậc thang dẫn lối lên ngôi đền thờ vua Quang Trung thanh tĩnh và thiêng liêng với màu xanh phủ xung quanh.
Kết thúc cuộc hành trình
Ngày vui qua mau! 3 ngày 2 đêm rồi cũng vụt qua! Sáng ngày 7/4/2018 sau buổi dùng điểm tâm ở ks cùng một số bạn bè còn lưu trú lại đêm qua, chúng tôi vội khăn gói lên đường trở về cố quận!
Chỉ tiếc thời gian lưu trú quá ngắn, nếu không chúng tôi đã có dịp cùng lái xe Quang, xui về Nam thăm núi Quyết với đền Quang Trung – Nguyễn Huệ, mà chính mình là con dân Tây Sơn quê hương Nguyễn Huệ, tuy đã biết từ thời học sử trung học và bây giờ muốn một lần chứng kiến nơi chốn ông đã từng dừng chân để chiêu mộ thêm binh sĩ cho trận ác chiến Thăng Long,vang danh muôn thuở! Hoạc sẽ có dịp đến thăm mộ và quê hương cụ Tiên Điền – Nguyễn Du, một danh nhân văn hóa chẳng những của Việt Nam mà còn cả thế giới! chẳng biết khi nào ta mới có được nhân vật thứ 2!
Chúng tôi chia tay Nghệ An, không quên gửi lời cám ơn đến 2 bạn: cô Nga và Anh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Nghệ An (hình bên cạnh), một vị giám đốc HTX nhưng nghe đâu cũng đã có nhiều tâm huyết, trong cương vị CT hiệp hội đã tự vươn lên với khá nhiều kết quả mỹ mãn, được giới lãnh đạo Sở GTVT cũng như lãnh đạo TP Vinh biểu dương!Và đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự thành công của hội nghị BCH mở rộng lần đầu tiên diễn ra ở Nghệ An!
Chia tay xứ Nghệ, chúng tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai những lời ta tiếng hát của giọng hò ví giặm thấm đậm tình người – Anh yêu em như câu hò ví giặm (Từ lâu ta thường thấy sách vở, báo chí đều viết chữ “dặm” bằng chữ (d). Những năm gần đây có nhiều người (phần lớn ở Nghệ – Tĩnh) chuyển sang viết chữ “giặm” bằng chữ (gi). Người viết (dùng chữ d hay chữ gi) do xuất phát từ nhận thức cụ thể của mình đó là chữ “dặm” ở thể danh từ hay là động từ: Nếu “dặm” là danh từ như: dặm trường, dặm phẳng (chỉ độ dài, quảng đường). Nhiều người cho rằng: ngày xưa hát dặm có không gian diễn xướng rộng như cày cấy, gặt hái, kéo sợi, hát giao duyên ở làng quê… thường phải đi cách xa nhà, thậm chí cách sông, đò hàng dặm đường, nên người ta vẫn gọi là “đi hát dặm”, rồi lâu dần gọi tắt là “hát dặm”. Nếu đúng như vậy thì chữ “dặm” viết (d) là chính xác.Nếu“giặm” có nguồn gốc từ động từ như: cấy giặm (trồng thêm vào chỗ thưa); ăn giặm (ăn thêm vào giữa buổi), hay giặm là “giẫm chân” và hát giặm chính là lối hát có đánh nhịp bằng chân. Có người lại cho rằng: “giặm” tức là “giắm vào”- người này hát một đoạn, một ý; người khác lại hát nối lời tiếp vào để thể hiện, hoàn thiện một tình ý, hay một khúc hát.Nếu đúng như vậy thì chữ “giặm” viết (gi) là chính xác.Theo tác giả Trần Lam Thủy: “Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ” tổ chức vào tháng 3/2012 ở Thành phố Vinh, vấn đề gọi các thể hát cũng được đặt ra trao đổi và lựa chọn. Sau khi nghe ý kiến các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, hội thảo đã thống nhất tên gọi với cách viết là “giặm” – Ví, giặm xứ Nghệ”).
…“Anh yêu em như yêu bờ cát trắng/ Lòng lo âu khi mùa bão qua đây/ Anh yêu em như yêu câu Ví giặm/ Giận thì giận mà thương cũng thật nhiều”…!
hoặc nhớ những câu thơ mộc mạc nhưng lắng đọng lòng người của cô giáo Trần Thị Lam ngày nào trong bài Đất nước mình ngộ quá phải không anh (Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi trường Đại học KHXHNV Sài Gòn đã có giảng viên sớm đưa bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam- chuyên văn Hà Tĩnh vào chương trình giảng dạy, sớm hơn đại học KHXH-NV Hà Nội, nếu không muốn nói là trường sớm nhất cả nước đưa tác phẩm nổi tiếng ra thảo luận ở giảng đường!)
“Đất nước mình ngộ quá phải không anh?
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm, Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi!…
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được?
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau,người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu?…”
Mà bây giờ con cô, cháu nữ sinh Phan Thị Minh Phương, học sinh lớp 12 Anh 1 của trường chuyên Hà Tĩnh vừa nhận học bổng và hỗ trợ tài chính trị giá 6,2 tỷ đồng từ Trường Smith College – Mỹ, một kết quả thật không còn gì đẹp hơn!