QUAN ĐIỂM HIỆP HỘI

  1. Homepage
  2. Tin tức và Sự kiện
  3. Quan điểm hiệp hội
  4. QUAN ĐIỂM HIỆP HỘI

Trả lời phỏng vấn của PV Diễm Thúy – Kênh VOV Giao thông (22/07/2019)

Câu hỏi 1: Thưa ông Lê Trung Tính! Qua thực tế hoạt động của đơn vị mình, ông đánh giá như thế nào về tình trạng “xe hợp đồng trá hình” (xe khách chạy tuyến cố định núp bóng xe hợp đồng) hiện nay tại TPHCM, Hà Nội và các địa phương khác?

Trả lời: Trước nhất, Tôi xác định Hiệp hội chúng tôi không phải là một DN hay HTX vận tải, trực tiếp cung ứng dịch vụ vận tải cho khách hàng! Tôi cũng không nắm rõ tình hình hoạt động xe hợp đồng trá hình ở Hà Nội hoặc các địa phương khác nên không thể trả lời liên quan đến các địa phương này!

Tuy nhiên, trong vai trò là cơ quan đại diện cho các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các hội viên hoặc DN/HTX trong khối xe khách hợp đồng và liên tỉnh ở TP.HCM, chúng tôi cho rằng: Trên thực tế cũng đã có những loại xe hợp đồng trá hình này, thí dụ như: hàng ngày chúng tôi vẫn thấy những xe thương hiệu Duy Quý, Hùng Cường, Thanh Thủy, xe Campuchia hoạt động ở quanh khu vực quận 5, Q.11…là điều khá bất thường!

Sở dĩ có điều đó, theo tôi là vì:                                                      

  • Sự tham lam, hám lợi của những chủ xe hoặc DN/HTX có xe lợi dụng sơ hở của luật pháp để thực hiện những hành vi này;
  • Và sự kiểm tra xử lý không nghiêm minh của lực lượng chức năng!
  • Cũng không loại trừ một số bến hoạt động chưa tốt, có nhiều rào cản khi xe vào bến nên họ bỏ ra chạy hợp đồng trá hình!

 

Câu hỏi 2: Ông có thể phân tích cụ thể hơn những tác động tiêu cực mà vấn nạn “xe hợp đồng trá hình” gây ra cho hoạt động giao thông cũng như mạng lưới vận tải hành khách hiện nay, thưa ông Lê Trung Tính?

Trả lời: Những tác động tiêu cực của họat động này thì quá rõ ràng và hình như ai cũng thấy:

– Tạo một thị trường cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải, gây rối loạn trật tự vận tải, làm mất trật tự và mất vẻ mỹ quan trên địa bàn thành phố;

– Cũng có thể thất thu thuế cho nhà nước, làm gia tăng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông vì chúng thường hoạt động trên các đường phố và trong vùng nội thành!

 

Câu hỏi 3: Ông đánh giá như thế nào về cách quản lý xe hợp đồng cũng như việc xử lý “xe hợp đồng trá hình” của các cơ quan chức năng tại TPHCM trong thời gian qua?

Trả lời: Xe hợp đồng hiện nay quản lý quá chặt chẽ như: “hợp đồng phải ký bằng văn bản; phải có danh sách khách đi xe với họ và tên cũng như năm sinh, trước khi đi phải báo về Sở GTVT; điểm xuất phát cũng như điểm đến, hành trình xe chạy cũng phải ghi rõ trong hợp đồng; tất cả các xe chạy hợp đồng đều phải gắn GPS …”.

Như vậy, chúng tôi nghĩ về lý thuyết không thể nào có thể sử dụng xe hợp đồng để chạy tuyến cố định được! vì bản chất xe hợp dồng là xe hoạt động theo yêu cầu từng chuyến của từng hành khách (có nghĩa là luôn luôn khác nhau! không có bến đi, bến đến mà theo hành trình của hành khách mỗi chuyến một khác nhau!); còn xe tuyến cố định là xe phục vụ hành khách ở các bến xe (luôn phải ghi tên bến đi , bến đến trên thành xe)! Rồi hệ thống GPS trên xe hợp đồng hoặc tuyến cố định đều có cả, tất cả đều phải báo về TCĐB khi xe lưu hành nên tôi nghĩ chỉ có thiếu kiểm tra, giám sát hoặc có sự toa rập nào đó mới nảy sinh ra tình trạng này!

 

Câu hỏi 4: Theo ông, về lâu dài, đâu là giải pháp hiệu quả nhất để siết chặt quản lý xe hợp đồng, xử lý xe hợp đồng trá hình? 

Trả lời: Việc này các vị nên hỏi chính lực lượng CSGT hoặc Thanh tra GTVT sẽ rõ, vì chính họ mới biết rõ cách lợi dụng của giới lái xe, nhà xe hoặc DN/HTX thì mới có giải pháp trị liệu thích hợp! như vị bác sĩ chỉ trị được bệnh khi biết được nguyên nhân gây bệnh thực sự!

Còn theo tôi, kinh nghiệm nhiều năm họat động trong nghề vận tải, tôi nghĩ muốn chấm dứt tình trạng này phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, trong đó đặc biệt là 3 cơ quan, dưới sự chỉ huy trực tiếp của một PCT UBND TP:

  • Công an TP.HCM (CSGT);
  • Sở GTVT (TTGTVT, Bx liên quan);
  • UBND Quận, Huyện sở tại (địa điểm xảy ra xe dù, bến cóc), theo một qui trình khá đơn giản nhưng lại rất khó khăn (vì phải làm thường xuyên liên tục và phải có những con người liêm khiết) là :

 

  • Liên sở kiểm tra và xác định đâu là các xe hợp đồng trá hình tức là điểm có xe dù, bến cóc;
  • Phối hợp cùng UBND sở tại xử lý và dẹp ngay, nếu tồn tại UBND sở tại phải chịu trách nhiệm!
  • Kêu gọi dân chúng sở tại báo về đường dây nóng cấp Thành phố các điểm mới phát sinh và có nguy cơ hình thành xe dù bến cóc!

Chặt chẽ hơn nữa:

  • Các xe lợi dụng sử dụng tình trạng “1 xe cùng một lúc 2 giấy phù hiệu hợp đồng và tuyến cố định” khi bị lập biên bản và xử lý, sẽ không được cấp 2 phù hiệu cho một xe (đã vi phạm)! tiến tới những đơn vị vận tải vi phạm này chỉ được cấp một phù hiệu cho 1 xe!
  • Các bx liên tỉnh cần thường xuyên rà soát lại các khoản phí, các thủ tục ra vào bến có phức tạp phiền hà, hay là gánh nặng gì cho các xe phải vào bến? để thường xuyên cải tiến thu hút xe vào bến xếp khách, góp phần chống tệ trạng xe dù bến cóc nói chung và tệ trạng xe hợp đồng đội lốt xe tuyến cố định như PV đặt vấn đề!
  • Các bến không vì doanh thu mà xác nhận cho các xe không lấy khách tại bến lại ghé bến xe đóng dấu hợp thức hóa xe chạy tuyến cố định!

Tính Trung

Author Since:  20 Tháng Năm, 2019

Leave a Reply