TP.HCM cấm xe giường nằm vào nội đô, “bến cóc, xe dù” sắp hết đất sống?

  1. Homepage
  2. Tin tức và Sự kiện
  3. Quan điểm hiệp hội
  4. TP.HCM cấm xe giường nằm vào nội đô, "bến cóc, xe dù" sắp hết đất sống?
xe giuong nam

TP.HCM cấm xe giường nằm vào nội đô, “bến cóc, xe dù” sắp hết đất sống?

LĐO | 21/06/2021 | 17:44

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đang lên phương án lập vành đai cấm xe khách giường nằm vào trung tâm thành phố nhằm chấn chỉnh “bến cóc, xe dù”.

107 điểm đón trả khách trước trụ sở, cây xăng

Trên địa bàn TP.HCM có 107 điểm đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên, bãi xe, cây xăng… Điển hình là tại quận Bình Thạnh, có 2 bãi xe số 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh – đối diện bến xe Miền Đông hoạt động như một bến xe thu nhỏ, dù đăng ký là bãi xe.

Tình trạng này đã tồn tại hơn chục năm nay nhưng vẫn tái diễn và đặc biệt phức tạp vào các dịp lễ, Tết khi nhu cầu đi lại tăng cao.

Ngoài hoạt động như “bến cóc”, 2 bãi xe 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh còn lấn chiếm cả nghìn mét vuông đất sông Bình Triệu.

Hành khách chờ lên xe bên trong bãi xe số 319 đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM).

Ảnh: Minh Quân

Trên đường Điện Biên Phủ, đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh), khoảng 1km nhưng hàng loạt nhà xe lớn có văn phòng bán vé và thường xuyên đón, trả khách hay xếp dỡ hàng hóa dưới lòng đường. Dù đoạn đường này có biển cấm ôtô dừng, đỗ thế nhưng nhiều xe vẫn đón, trả khách dưới bảng cấm.

Theo Sở GTVT TPHCM, loại hình vận tải theo hợp đồng, du lịch thường đón, trả khách sai quy định đang hoạt động mạnh.

Các đơn vị đăng ký kinh doanh theo hợp đồng, du lịch thường tổ chức bán vé, thu tiền hoặc xác nhận đặt chỗ tại trụ sở hoặc rước khách trên một số điểm đón, trả dọc đường.

 

“Bến cóc, xe dù” sắp hết đất sống?

Sở GTVT TPHCM đang lấy ý kiến của sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan về phương án lập vành đai cấm xe khách giường nằm vào trung tâm thành phố. Đây được cho là giải pháp để kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và chấn chỉnh tình trạng “bến cóc, xe dù”.

 

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Lê Trung Tính – Chủ tịch Hiệp hội Vận Tải Ô Tô Hành Khách Liên Tỉnh Và Du Lịch TP.HCM – cho biết, đã thống nhất với phương án cấm xe giường nằm vào nội đô của Sở GTVT. Ông Tính đánh giá, áp dụng phương án này sẽ giúp khu vực trung tâm TP.HCM giảm được tình trạng kẹt xe và tai nạn giao thông.

 Tuy nhiên, ông Tính cho rằng, việc cấm xe giường nằm vào nội đô không giải quyết triệt để được tình trạng “bến cóc, xe dù” tại TP.HCM. Bởi “xe dù” không phải chỉ có xe giường nằm mà phần lớn là loại xe ghế ngồi, từ 16 – 29 chỗ.

Xe khách dừng, đỗ dưới lòng đường Điện Biên Phủ, đoạn từ ngã tư Hàng Xanh tới cầu Sài Gòn (TP.HCM) để đón, trả khách. 

Theo ông Lê Trung Tính, để xử lý nạn “xe dù, bến cóc”, TP.HCM phải thành lập một Ban chỉ huy do một Phó Chủ tịch UBND thành phố dẫn đầu để chỉ huy 3 lực lượng là chính quyền địa phương, Sở GTVT, Công an để xử lý.

Theo đó, ban chỉ huy phải kêu gọi người dân phản ánh về tình trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn. Khi nhận phản ánh, ban chỉ huy này tiến hành kiểm tra, điểm nào hoạt động đúng quy định thì cho tồn tại, điểm nào không đúng, dẹp bỏ ngay. Mỗi lực lượng này khi kiểm tra riêng lẻ thì không đủ thẩm quyền, nhưng kết hợp cả 3 lực lượng vào một ban chỉ huy sẽ đầy đủ thẩm quyền để xử lý.

“Chẳng hạn trên địa bàn quận này có 10 điểm, nếu kiểm tra thấy 2 điểm hợp pháp, 8 điểm không hợp pháp thì xóa bỏ. Làm nghiêm như vậy thì không có “xe dù, bến cóc” nào tồn tại được. Những điều này phải làm thường xuyên, tránh trường hợp làm theo chiến dịch rồi sau đó đâu lại vào đấy” – ông Tính nói.

 

Trước đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TP.HCM) đề xuất cấm xe khách giường nằm lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố được giới hạn bởi các tuyến đường: Quốc lộ 1 (Thành phố Thủ Đức, quận 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh) – đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh và quận 7) – đường Võ Chí Công – đường Nguyễn Thị Định – đường Đồng Văn Cống – đường Mai Chí Thọ – Xa lộ Hà Nội (Thành phố Thủ Đức).

Dù đưa ra 2 phương án là cấm cả ngày hoặc cấm từ 6h-22h, nhưng Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đề xuất Sở GTVT TPHCM xem xét chọn phương án cấm cả ngày vì đảm bảo trật tự an toàn giao thông tốt hơn.

MINH QUÂN

 

Tính Trung

Author Since:  20 Tháng Năm, 2019

Leave a Reply