
Câu hỏi 1: Theo quy định của Bộ GTVT vẫn tiến hành việc lắp camera đúng tiến độ trước ngày 01/07/2021, thì các Doanh nghiệp chưa sẵn sàng lắp camera sẽ phải lên kế hoạch ra sao? Hiện nay, các Doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã tiến hành lắp camera được bao nhiêu doanh nghiệp, chiếm bao nhiêu % trên tổng số xe của Hiệp hội?
Trả lời 1:
Số liệu mà chúng tôi ghi nhận được thì chỉ mới có một số ít xe của một vài DN/HTX lớn trong khối VTHK đã gắn camera (khoảng chừng trên dưới 100 xe) do yêu cầu cần quản lý của các đơn vị ấy, chứ không phải lắp đặt camera theo yêu cầu của NĐ10 và TT12 do Chính phủ và Bộ GTVT ban hành.
Còn những xe cần phải lắp đặt camera theo NĐ10 và TT12 thì cho đến nay, hầu như chưa có đơn vị nào lắp đặt, mặc dù thời hạn hiệu lực 01/07/2021 đã gần kề!
Lý do chủ yếu là do quy định của Nghị định và TT có nhiều điểm:
- Bất cập như: Việc gắn camera nhằm mục đích gì? Quy chuẩn thiết bị camera chưa được ban hành? Những lỗi nào theo ghi nhận của camera sẽ bị xử phạt? Mức phạt là bao nhiêu? Hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp nhận ở TCĐB chưa đủ khả năng tiếp nhận…
- Hoặc chưa rõ ràng như: NĐ10 chỉ quy định camera giám sát lái xe và cửa lên xuống xe; nhưng khi ra Thông tư 12 hướng dẫn thực hiện, lại tự ý thêm vào gắn cả camera giám sát khoang hành khách (có thể vi phạm quyền dân sự khi hành khách khiếu kiện?)
Đây là những điều mà chúng tôi đã thấy trước và kiến nghị từ tháng 09/2020, nhưng đến nay Bộ GTVT vẫn làm ngơ, chưa trả lời cụ thể, trái lại Bộ chỉ yêu cầu một chiều là nhất thiết phải thi hành vì NĐ10 đã ban hành!
Câu hỏi 2: Những khó khăn mà các Doanh nghiệp đang gặp phải?
Trả lời 2:
Khó khăn lớn nhất hiện nay là đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành gần 2 năm qua, mà đến nay đợt tái phát lần thứ 4 này (27/04/2021), lại càng khốc liệt hơn mà chưa biết khi nào có thể chấm dứt! Trong khi khối vận tải nói chung và nói riêng là khối VHTHK và du lịch, VTHK liên vận đang trực tiếp bị tác hại nặng nề: phương tiện ngừng hoạt động dài ngày, doanh thu không đủ duy trì bộ máy hoạt động, nên không thể có tiền để lắp đặt camera theo qui định của NĐ10 và TT12, vì chi phí này rất lớn, mỗi camera khoảng 8 đến 10 triệu/xe, chưa kể chi phí phục vụ truyền dẫn khoảng 250 đến 300 ngàn đồng /xe/tháng.
Câu hỏi 3: Hiệp hội có kiến nghị gì với các cơ quan, ban ngành liên quan về vấn đề này?
Trả lời 3:
Trước thực trạng đầy khó khăn của tình hình đại dịch, Hiệp hội chúng tôi đã cùng nhau tổ chức hội thảo từ tháng 09/2020 và sau đó Hiệp Hội Vận Tải Ô Tô VN (Vata) đã đề nghị Bộ GTVT nhiều lần, kể cả 1 lần trình Chính phủ (nhưng do Chính phủ bận nhiều việc chỉ chuyển Bộ GTVT xem xét giải quyết) nên Bộ này vẫn bảo thủ, không giải quyết tạm hoãn theo đề nghị chính đáng của Hiệp hội chúng tôi!
Nay, Hiệp hội chúng tôi tiếp tục một lần nữa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho đẩy lùi thời gian lắp đặt camera sang 01/07/2023, theo đề nghị của chúng tôi cũng như đề nghị của Ban nghiên cứu Phát Triển Kinh tế Tư Nhân – Ban IV thuộc VPCP (ở văn bản số 03/Ban IV ngày 25/02/2021) và của Phòng Thương Mại Công Nghiệp Việt Nam (văn bản số 0452/PTM-PC ngày 06/04/2021).
Hiệp hội chúng tôi rất hy vọng lần này được Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ xem xét xử lý chấp thuận cho đẩy lùi thời gian thực hiện đến ngày 01/07/2023, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khối DN/HTX có thể phục hồi sau đại dịch Covid-19./.
Lê Trung Tính
Chủ Tịch Hiệp Hội VT Ô Tô HK LT & DL TP.HCM
Leave a Reply