Trả Lời PV Đức Phú – Báo Tuổi Trẻ

  1. Homepage
  2. Tin tức và Sự kiện
  3. Quan điểm hiệp hội
  4. Trả Lời PV Đức Phú - Báo Tuổi Trẻ
IMG_0644

Câu hỏi 1: Ông có đồng tình với việc phát triển xe đạp công cộng tại TP.HCM? Mô hình này có lợi gì khi Metro hình thành và TP triển khai hạn chế xe cá nhân ở khu vực trung tâm, đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng?

Trả lời 1:

Tôi hoàn toàn thống nhất với việc phát triển xe đạp công cộng ở TP.HCM hiện nay vì cách đây khoảng 10 năm, sau khoảng 10 năm phục hồi và phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt đạt được kết quả khả quan (đã nâng khối lượng vận chuyển hành khách sử dụng xe buýt để đi lại từ chưa tới 100.000 lượt người/ngày lên đến 1 triệu lượt HK/ngày) chúng tôi đã đề nghị ngành GTVT thành phố nên tiếp tục tổ chức mạng xe đạp công cộng để tiếp tục phát triển hệ thống VTHKCC thêm một bước nữa, trước khi tiến hành việc hạn chế phương tiện cá nhân.Tuy nhiên, vì nhiều lý do chưa thuận lợi lúc bấy giờ nên ý tưởng này đã tạm dừng sau vài cuộc hội thảo!

Giải pháp sử dụng xe đạp công cộng là rất cần thiết vì nó sẽ góp phần rất lớn trong việc kết nối khách cho hệ thống xe buýt hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là hệ thống vận tải khối lượng lớn Metro sắp đi vào hoạt động, nó giúp kết thúc hành trình sử dụng phương tiện VTCC để đi lại.

 

Câu hỏi 2: Ông có góp ý gì về đề án thí điểm này như mức giá sử dụng dịch vụ, các phương án bảo vệ xe, phương án bố trí các điểm giữ xe?

Trả lời 2:

Đây chính là những khó khăn mà khi đề cập đến đề án này thường bị tranh cãi nhất!

  • Về mức giá cả dịch vụ, thực ra mức giá đề xuất do nhà đầu tư đưa ra là: 5.000đ/30p và 10.000đ/60 phút, ở thời giá hiện nay thực ra, đó là giá cả phải chăng. Tuy nhiên kinh nghiệm các nước đi trước, thường họ cho miễn phí thời gian sử dụng ban đầu (khoảng 30p hay 60p tùy thành phố) nhằm khuyến khích VTHKCC!
  • Về phương án bảo vệ xe, đây là vấn đề khó nhất, nhất thiết phải có trách nhiệm và sự phối hợp của ngành Công an và chính quyền địa phương, chỉ ngành GTVT là không thực hiện được;
  • Về phương án bố trí các điểm giữ xe, đây cũng là điểm liên quan đến sự thành bại của dự án! Đề án thí điểm chỉ ở phạm vi quận 4 nên chắc nhà đầu tư cũng đã chọn những điểm thu hút khách có nhu cầu sử dụng loại phương tiện này khi triển khai ở phạm vi thành phố, thì những đầu mối giao thông như bãi xe CV 23/9, bến xe Chợ Lớn, bãi xe Đại học quốc gia… là không thể thiếu!

 

Câu hỏi 3: Mô hình xe đạp công cộng nhiều nước đã triển khai thực hiện, có nơi thành công, có nơi thất bại. Vậy ông có góp ý gì để mô hình này thành công tại TP.HCM?

Trả lời 3:

Tôi đã có dịp học tập kinh nghiệm phát triển hệ thống VTHKCC ở các thành phố như: Quảng Châu – Trung Quốc, Lyon – Pháp và Bogota – Columbia … Nói chung, họ đều thành công tốt đẹp và mô hình này được các chuyên gia gọi chung là giải bài toán “những dặm cuối cùng trong hành trình đi lại của hệ thống VTHKCC” nhằm khắc phục việc các trạm dừng nhà chờ ở khá xa nơi tiếp cận với tuyến xe buýt, một đặc điểm mà ở TP.HCM chúng ta đang gặp phải thời gian qua và cả hiện nay.

Đặc biệt, ở thành phố Quảng Châu họ kết hợp BRT với hệ thống xe đạp công cộng (Public Bicycle hoặc còn gọi là Bike sharing) nhằm giải quyết kết nối những dặm cuối cùng, từ nhà đến trạm, bến xe buýt.

Chính vì thế nên giá cho thuê xe đạp rất rẻ: 1 giờ đầu không phải trả tiền, 1-2 giờ thêm chỉ mất 2 RMB, 2-3 giờ thêm chỉ mất 2 RMB và hơn 3 giờ chỉ mất 3RMB và ở Quảng Châu theo số liệu thống kê 99% các chuyến đi dưới 1 giờ, điều đó cũng có nghĩa là đi xe đạp không phải mất tiền!

Để mô hình này thành công ở TPHCM, chúng tôi đề nghị ngay từ bây giờ ngành GTVT và chính quyền TP.HCM cần có chủ trương:

  • Nghiên cứu và công bố một bản quy hoạch cho hệ thống xe đạp công cộng, điều tra khảo sát nhu cầu sử dụng xe đạp;
  • Ban hành các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật về loại hình phương tiện này, đặc biệt về hệ thống hạ tầng: đường dành riêng cho xe đạp, tín hiệu giao thông, biển báo, chỗ để xe, công nghệ quản lý, phương thức quản lý vận hành khai thác, lộ trình và tiến độ thực hiện…
  • Qui định trách nhiệm giữa các ngành GTVT, Công an Thành phố và chính quyền quận, huyện sở tại…

 

Câu hỏi 4: Hiện khu vực nội thành đường sá chật hẹp, nhiều người dân cho rằng không có không gian cho xe đạp hoạt động. Ông có đề xuất gì về vấn đề này? 

Trả lời 4:

Đó là đánh giá thoạt nhìn thì đúng và đây là một trong những nguyên nhân khá nhiều người không ủng hộ việc sử dụng xe đạp để đi lại như một phương tiện công cộng để đi lại, vì lý do họ cho rằng xe đạp cũng là một loại phương tiện cá nhân với tốc độ đi lại chậm, nó chính là nguyên nhân để gây kẹt xe nội thị.

Tuy nhiên, xét ở góc độ toàn diện hơn, đặc biệt là các lợi ích mà xe đạp công cộng đem lại như: một phương tiện tập thể dục, giảm ô nhiễm môi trường về tiếng ồn và khí xả …thì việc đi xe đạp vẫn góp phần làm giảm kẹt xe nội thị bởi vì nếu lượng người sử dụng xe đạp để đi lại như một phương tiện công cộng khi họ chuyển sang sử dụng xe máy hoặc xe ô tô cá nhân thì chắc chắn nạn kẹt xe sẽ trầm trọng hơn.

Hơn thế nữa, vấn đề là biết cách tổ chức thì không gian sẽ thông thoáng thôi. Ở thành phố Lyon – Pháp có nhiều nơi cũng chật hẹp như khu quận 1, quận 3 TP.HCM ta, nhưng do họ khéo tổ chức nên các bãi dành riêng cho xe đạp công cộng vẫn có nhiều thuận tiện cho người dân đi lại hoặc họ vẫn có những làn đường, đoạn đường dành riêng cho xe đạp, xe buýt nhằm khuyến khích VTHKCC phát triển!

                                                                                                            Th.S Lê Trung Tính

                                                                                   Chủ Tịch Hiệp Hội VT Ô Tô HK LT & DL TP.HCM

                                                                                                                    05/10/2020

Tính Trung

Author Since:  20 Tháng Năm, 2019

Leave a Reply