
Câu hỏi 1: Theo ông, việc bắt buộc tài xế phải có chứng chỉ hành nghề như vậy có phù hợp không?
Trả lời 1:
Đối với điều kiện hành nghề của người lái xe ô tô KDVT, tại Điều 9 và 109 Dự luật GTĐB (sửa đổi) có quy định “Người có giấy phép lái xe ô tô muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp Chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải”.
Đây là điều không hợp lý khi tách luật GTĐB 2008 ra thành 2 dự luật khác nhau, vì trước đây theo luật GTĐB 2008, người lái xe chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp đều do ngành GTVT tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp bằng, tức chỉ một cơ quan và một chương trình đào tạo; nay tách làm hai là gây tốn kém về thời gian, tiền bạc cho lái xe và đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ.
Câu hỏi 2: Hiện nay, việc đào tạo, tuyển dụng lái xe KDVT của các doanh nghiệp có khó khăn hay không? Thêm yêu cầu chứng chỉ này có gây trở ngại gì cho doanh nghiệp vận tải hay không?
Trả lời 2:
Hiện nay, việc tổ chức đào tạo và sát hạch do ngành GTVT thực hiện gần 30 năm qua, tuy ở đâu đó cũng còn có vấn đề cần phải xem xét cải tiến hoặc khắc phục.Tuy nhiên, việc tuyển dụng lái xe KDVT của các DN/HTX gặp rất nhiều khó khăn vì việc đào tạo mất rất nhiều thời gian và tiền bạc; đồng thời khi lưu thông trên đường họ cũng gặp rất nhiều trở ngại nên nhìn chung là một chuyến hành trình chừng 500 km khó có thể tránh khỏi vi phạm nên việc tìm được lái xe có giấy phép lái xe đủ điều kiện hoạt dộng là một vấn đề nan giải.
Minh chứng cho vấn đề này là: cụ thể chỉ cần nhìn lên trên các phương tiện xe taxi, xe buýt TP.HCM đang lưu hành trên các tuyến đường tại TP.HCM sẽ thấy việc tuyển dụng lái xe ở các DN/HTX phải dán công khai trên xe khi lưu thông trên đường, nên nay nếu yêu cầu thêm chứng chỉ hành nghề sẽ là “chướng ngại vật” đối với việc sx/kd hoặc cung cấp dịch vụ của họ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành!
Câu hỏi 3: Theo thông lệ, Hiệp hội có thường xuyên tổ chức hay tập huấn định kỳ cho tài xế KDVT hay không?
Trả lời 3:
Theo quy định của NĐ86 trước đây và NĐ12 hiện nay, thì đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ vận tải dành cho “người lái xe” và “nhân viên phục vụ trên xe” và nếu đạt bài kiểm tra sẽ được cấp “giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ”, có thời hạn hiệu lực 3 năm, do các Hiệp hội vận tải như chúng tôi hoặc do các DN/HTX lớn có điều kiện tổ chức.
Khi lưu thông trên đường, nếu lái xe không có giấy chứng nhận tập huấn này sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng.
Câu hỏi 4: Nếu phát sinh thêm giấy phép mới (chứng chỉ hành nghề) sẽ gây khó khăn như thế nào cho tài xế?
Trả lời 4:
Đây sẽ là một gánh nặng về thời gian, công sức và tiền bạc mà bản thân các lái xe phải gánh chịu. Do đó, chúng tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cần sáng suốt cân nhắc biểu quyết, không nên tách luật GTĐB 2008 ra thành 2 luật và đặc biệt là không nên chuyển công tác đào tạo sát hạch qua ngành Công an, nó trái với Nghị quyết 17/2007 của TW Đảng về việc nên giao ngành dân sự những công việc mà ngành Quốc phòng và Công an không cần thiết phải đảm đương và nó trái cả chủ trương của Chính phủ nhiều năm qua là ngày càng tinh giản các thủ tục hành chánh, để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
ThS. Lê Trung Tính
Chủ tịch Hiệp Hội VT Ô Tô HK LT & DL TP.HCM
(26/10/2020)
Leave a Reply