Ý ĐẢNG LÒNG DÂN

  1. Homepage
  2. Tin tức và Sự kiện
  3. Tin chuyên ngành
  4. Ý ĐẢNG LÒNG DÂN
tach luat 2

Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Luật giao thông đường bộ và Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo đó Bộ GTVT chịu trách nhiệm chính việc thi hành Luật giao thông đường bộ, Bộ Công an chịu trách nhiệm chính việc thi hành Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Thực chất đây là việc phân chia trách nhiệm của hai cơ quan Nhà nước trong cùng một lĩnh vực là Giao thông đường bộ. Tình hình đó, nếu để nhầm lẫn xảy ra, sẽ không chỉ ảnh hưởng tới tính đúng đắn của các Bộ Luật trong việc điều chỉnh các hoạt động Giao thông đường bộ mà còn khiến nhận thức của chúng ta về triết lý và nguyên tắc trong việc kiến tạo và phân định trách nhiệm của các cơ quan thuộc hệ thống Nhà nước pháp quyền, đứng trước những thách thức, cùng với những ảnh hưởng sâu xa không đáng  có.

           Các cơ quan Nhà nước phải được thiết kế sao cho không chồng chéo, trùng lặp, để vừa vận hành thông suốt, đảm bảo hiệu lực, lại vừa có thể kiểm tra, kiểm soát, có thể chấn chỉnh kịp thời. Cụ thể, hệ thống Nhà nước pháp quyền phải được thiết lập trên hai nguyên tắc cơ bản:

– Phải tách bạch các cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ luật pháp, với các cơ quan có chức năng chấp hành, thực thi luật pháp.

–  Sự vận hành của hệ thống Nhà nước phải đảm bảo nguyên lý: Chỉ một cửa, một đầu mối, một địa chỉ chịu trách nhiệm cuối cùng.

Phải tách bạch các cơ quan bảo vệ luật pháp với các cơ quan thực thi luật pháp vì không được A, B lẫn lộn, không được vừa đá bóng vừa thổi còi, phải phân định rõ người làm với người kiểm tra, kiểm soát.

Chính là xuất phát từ triết lý đó của cuộc sống, nên Đảng đã có chỉ thị cái gì lực lượng dân sự làm được thì để lực lượng dân sự thực hiện. Sâu xa hơn, đó chính là tư tưởng phải thiết lập cho được cơ chế giám sát quyền lực mà Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh nhiều lần.

Điều cần nói thêm là cơ chế giám sát quyền lực nhằm không để xảy ra tình trạng khép kín, không chỉ làm cho đời sống trở nên dân chủ, cởi mở, công bằng, công khai, minh bạch, mà hơn thế, đó còn là động lực của phát triển.

Khi các hoạt động bị khép kín vừa là A, vừa là B thì người ta rất dễ chủ quan, thỏa mãn, nếu như không dám nói là trì trệ.

Trước khi có Nghị định 36CP năm 1995, công việc kiểm định xe cơ giới đường bộ và cấp giấy phép lái xe do Bộ Công an đảm trách, mọi việc được tiến hành khép kín, không ai được quyền kiểm tra, kiểm soát. Cơ quan thực thi nhiệm vụ luôn tự hài lòng, không có bất cứ nhu cầu cải tiến và đổi mới nào được đặt ra. Ròng rã mấy chục năm trời, công cụ kiểm định xe cộ vẫn chỉ là búa gõ và đèn pin. Muốn kiểm tra hiệu quả phanh, buộc phải đem xe ra lái trên đường, để tiến hành đo quãng đường phanh thực tế. Một cách làm không sao có được chính xác. Không một địa điểm khám xe nào của ngành Công an có nổi một bệ thử phanh, cho dù thế giới người ta đã sử dụng từ rất lâu rồi.

Còn việc sát hạch cấp giấy phép lái xe thì chỉ được thực hiện trên các sân đất vẽ vạch vôi cùng với các cọc tiêu, nhiều khi siêu vẹo.

Khi chuyển giao các nhiệm vụ nói trên sang Bộ GTVT thì do ý thức trách nhiệm và đứng trước đòi hỏi của cuộc sống, cùng sự giám sát của xã hội, của các cơ quan chức năng, đặc biệt là của Bộ Công an, các cơ quan của Bộ GTVT đã nỗ lực hết mình, chỉ trong một thời gian ngắn đã làm nên những tiến bộ vượt bậc.

Với tinh thần tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa và kỷ luật hóa, ngành GTVT đã nhanh chóng cho ra đời hàng trăm Trung tâm kiểm định phương tiện và Trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe, với định hướng đẩy mạnh tự động hóa, để hạn chế tối đa tác động của con người lên kết quả kiểm định phương tiện và lên kết quả của việc sát hạch lái xe. Chất lượng các Trung tâm kiểm định phương tiện và  sát hạch cấp giấy phép lái xe của Việt Nam hiện nay, không thua kém nhiều các nước phát triển Bắc Âu, Bắc Mỹ và đứng vào tốp đầu các nước trong khu vực, góp phần tích cực vào việc làm giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí, liên tục trong suốt những năm qua.

Thực tế đó là sự trả lời xác đáng cho câu hỏi cơ quan nào đảm nhận các nhiệm vụ nói trên sẽ làm tốt hơn chức trách và nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên nếu chỉ nói sự tiến bộ vượt bậc của việc kiểm định phương tiện và sát hạch cấp giấy phép lái xe trong thời gian qua là do nỗ lực của các cơ quan của Bộ GTVT là chưa đủ, mà phải nhận rõ thành công đó có được, trước hết là do sự phân công đúng đắn phạm vi trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chúng ta đã phân định rõ chức trách  của các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Sự việc đó được thực hiện trong không khí của những năm bắt đầu công cuộc đổi mới, với những quyết sách sáng suốt và đầy trách nhiệm của Thường trực Chính phủ, đứng đầu là Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đáng kính. Trách nhiệm của chúng ta là phải tiếp tục phát huy và duy trì tinh thần đó trong việc kiến tạo pháp luật nhằm đảm bảo và tăng cường hơn nữa đời sống dân chủ trong các nhiệm vụ quản trị xã hội về giao thông đường bộ, chứ không phải là tìm cách thay thế, đẩy lùi những kết quả, những tiến bộ lập pháp đã có được.

Còn về nguyên tắc một cửa, một đầu mối, một địa chỉ chịu trách nhiệm cuối cùng thì không chỉ là yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính, mà trước hết đó chính là sự khái quát hóa chuỗi mắt xích các hoạt động thực tiễn đồng bộ, cần được thực hiện liên tục của quá trình tạo dựng và vận hành các cơ sở vật chất kỹ thuật để một lĩnh vực, một ngành kinh tế kỹ thuật làm nên sản phẩm mục tiêu cuối cùng của mình, với đầy đủ những tiêu chí cần phải có, nhằm đáp ứng nổi yêu cầu của đời sống kinh tế xã hội đặt ra cho lĩnh vực kinh tế kỹ thuật đó.

Đối với GTVT, sản phẩm mục tiêu cuối cùng chính là T.kmHK.km. Với yêu cầu các sản phẩm đó phải đạt cho được bốn tiêu chí tổng quát là Kịp thời, Thông suốt, An toàn và Hiệu quả.

          Các tiêu chí nói trên gắn kết với nhau trong một tổng thể biện chứng thống nhất và nếu quan niệm An toàn là trên hết, là trước hết thì tiêu chí An toàn của GTVT được coi là một đòi hỏi, một điều kiện tiên quyết, thậm chí nó có thể phủ định toàn bộ mọi kết quả hoạt động của GTVT. Nếu mất An toàn thì Kịp thời, Thông suốt để làm gì và còn gì để nói tới Hiệu quả của các quá trình vận tải. Do đó đã khẳng định, người chịu trách nhiệm trước hết về An toàn GTVT không ai khác chính là Bộ Trưởng GTVT. Trên thế giới, khi một cây cầu bị sập, một đoàn tàu bị lật đổ, một vụ máy bay rơi…thường dẫn đến việc từ chức của Bộ Trưởng GTVT. Chưa bao giờ thấy một Bộ trưởng nào khác từ chức vì một tai nạn giao thông.

Điều quan trọng là cần nhận rõ tiêu chí An toàn của GTVT phải được quyết định, phải được làm nên đồng thời, đồng bộ bởi bốn yếu tố cơ bản đã được luật hóa đó là:

– An toàn làm nên bởi chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông;

– An toàn làm nên bởi chất lượng của phương tiện giao thông;

– An toàn được đảm bảo trong tổ chức, vận hành các quá trình GTVT;

– An toàn được đảm bảo bởi ý thức của người tham gia giao thông, trong đó có người điều khiển phương tiện giao thông.

Thiếu đi bất cứ một yếu tố nào trong bốn yếu tố nói trên đều không đảm bảo có được An toàn giao thông, cho dù là An toàn hàng không, An toàn hàng hải, An toàn đường sông, An toàn đường sắt, hay An toàn giao thông đường bộ, nhất nhất đều phải thỏa mãn đầy đủ bốn đòi hỏi, bốn yếu tố cơ bản trên đây. Mọi nỗ lực của ngành GTVT vì vậy phải hướng vào đó, phải đáp ứng, phải thỏa mãn tất cả bốn đòi hỏi cơ bản nói trên và đó chính là nội dung cơ bản, nội dung cốt lõi của các bộ luật chuyên ngành GTVT, trong đó có Luật giao thông đường bộ.

Dễ dàng thấy rằng dự thảo Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ với nội dung chủ yếu là để nói về quy tắc giao thông và chấp hành quy tắc giao thông đường bộ là hoàn toàn không đủ và không thể điều chỉnh mọi hoạt động có liên quan để đảm bảo có được An toàn giao thông đường bộ. Nhiều lắm nó chỉ đảm bảo được việc hướng dẫn và cưỡng chế người tham gia giao thông thực hành đúng quy tắc giao thông đường bộ. Vì vậy nó chỉ có thể có tên gọi là Luật quy tắc giao thông đường bộ.

Nhưng tất cả những nội dung liên quan tới quy tắc giao thông đề cập trong dự thảo Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đều đã có trong luật giao thông đường bộ, ngay từ Bộ luật đầu tiên năm 2001 cũng như Luật giao thông đường bộ 2008 sau này. Nếu cần thiết, thì chỉ là việc bổ sung, hoàn chỉnh, hà tất phải có thêm một bộ luật mới, gây nên trùng lặp và phá vỡ tính đồng bộ của Luật giao thông đường bộ nói riêng, cũng như cách thức lập pháp nói chung trong các luật chuyên ngành GTVT. Hơn thế nữa còn có thể có những nội dung gây ra những hiểu lầm dẫn đến sai lệch trong nhận thức cũng như trong cách thức tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội liên quan tới giao thông đường bộ. Cụ thể là đã không đề cập một cách đầy đủ về bốn yếu tố cơ bản để đảm bảo có được An toàn giao thông đường bộ, như đã nói. Hoặc như việc giải quyết ùn tắc giao thông đô thị trong dự thảo Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng lại là một nhầm lẫn nữa.

Ùn tắc và giải tỏa ùn tắc giao thông trong những tình huống thường nhật, hiển nhiên phải có vai trò của Cảnh sát Giao thông. Nhưng đó chỉ là nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc điều độ, hướng dẫn và cưỡng chế người tham gia giao thông thực hiện đúng các quy định, quy tắc Giao thông đô thị. Dẫu vậy cũng chỉ là những giải pháp xử lý tình thế, nhất thời, nếu như không dám nói là không cơ bản, bởi không có gì đảm bảo là sau khi được giải tỏa vào ngày hôm nay thì ngày mai ùn tắc giao thông trên các tuyến phố nào đó sẽ không còn lặp lại.

Cần nhận rõ, công cuộc khắc phục ùn tắc giao thông đô thị trước hết là nhiệm vụ hàng đầu của ngành GTVT, đặc biệt là ở các thành phố lớn với việc phải thực thi hàng loạt các nhiệm vụ cơ bản và đồng bộ được đặt ra như:

Thiết lập đúng đắn quy hoạch giao thông tương thích với việc tổ chức và vận hành mạng lưới vận tải công cộng đa phương thức. Trên cơ sở đó mà tiến hành lựa chọn những ưu tiên đầu tư và xác lập rõ tổng đồ cùng tiến trình thực thi quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị.

Tổ chức và vận hành mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức có khả năng liên hoàn, liên kết, đủ sức chuyển tải các dòng hành khách, đặc biệt là trong giờ cao điểm.

Xây dựng và thực hiện các chính sách, các biện pháp đủ sức hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng…

Chính là nhờ vào những giải pháp đồng bộ trên đây mà các thành phố của thế giới, như Zuyrich của Thụy Sĩ, hay gần ta là Singapore, đã có bộ mặt giao thông đô thị thông suốt, tin cậy và văn minh. Ở các thành phố đó không thấy Cảnh sát giao thông phải ra dẹp đường để giải tỏa ùn tắc. Rõ ràng không thể lấy việc chỉ huy điều độ của cảnh sát giao thông là biện pháp căn cơ để giải tỏa ùn tắc giao thông.

Còn việc ai sát hạch và cấp giấy phép lái xe, thì vấn đề đã được làm rõ. Bởi theo Ý Đảng thì: Nghị quyết số 17 – NQ/TW đã chỉ rõ cái gì khối dân sự thực hiện được, phải để cho khối dân sự thực hiện. Còn Lòng dân thì tuyệt đại đa số (gần 90%) độc giả tham gia cuộc bàn luận về chủ đề “Nên giữ ổn định việc sát hạch giấy phép lái xe” trên báo VNEXPRESS đều mong muốn các cơ quan của ngành GTVT tiếp tục công việc của mình. Và cuối cùng, nếu chiểu theo nguyên tắc có người làm phải có người kiểm tra, kiểm soát như đã nói, thì coi như vấn đề đã được kết luận. Tuy nhiên để sự việc sáng tỏ và khẳng định thêm, chúng ta cần thấy rõ những tất yếu kinh tế, tất yếu kỹ thuật và tất yếu nghề nghiệp nào đã đặt trách nhiệm sát hạch và cấp giấy phép lái xe lên vai các cơ quan của ngành GTVT.

Cái tất yếu kinh tế của việc các chủ thể vận tải phải chăm lo việc đào tạo, sát hạch và quản lý chặt chẽ chất lượng đội ngũ lái xe thể hiện qua giá thành vận tải bao gồm ba yếu tố chi phí: C1 + C2 + V, trong đó V là yếu tố chủ yếu liên quan tới số lượng và chất lượng đội ngũ những người điều khiển phương tiện. Nói khác đi chất lượng đội ngũ lái xe liên quan trực tiếp tới hiệu quả, tới lợi ích thiết thực của các chủ thể vận tải, cho nên chính họ chứ không ai khác, phải biết chăm lo đào tạo, sát hạch và quản lý chất lượng các lái xe.

Về tính tất yếu kỹ thuật trong đào tạo sát hạch lái xe thì như ta thấy, kiến thức lái xe được xây dựng trên cơ sở kiến thức về đường sá, về tính năng của các loại xe cơ giới đường bộ và về nghiệp vụ vận tải. Do vậy, chỉ các cơ quan GTVT mới là người am hiểu đầy đủ về những kiến thức nói trên để xác định được nội dung và thực hiện tốt việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Về tính tất yếu nghề nghiệp thì lái xe là một nghề đặc thù của GTVT, như là nghề giáo viên của ngành giáo dục, nghề thầy thuốc của ngành y tế. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Y tế phải có trách nhiệm, phải chăm lo đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, của các nhân viên y tế. Và lẽ đương nhiên, Bộ Trưởng GTVT phải chịu trách nhiệm trong việc đào tạo và quản lý đội ngũ những người điều khiển phương tiện GTVT, bao gồm người lái tàu đường sắt, lái tàu bay, lái tàu biển, lái tàu sông và lái xe cơ giới đường bộ.

Chính vì những lý do nói trên, cho nên trừ Nhật Bản, Hàn Quốc và một hai nước khác, còn tất cả các nước như Bắc Âu. Bắc Mỹ… việc đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe đều do các tổ chức dân sự  về GTVT thực hiện. Cũng như để hoàn thành chương trình hài hòa luật lệ về GTVT, tháng 10 năm 1998, các Bộ trưởng GTVT, (chứ không phải các Bộ trưởng khác) trong khối ASEAN đã họp tại Singapore để ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau các giấy phép lái xe.

Kết luận lại, ta thấy: Chỉ cần bổ sung, hoàn thiện Bộ Luật Giao thông đường bộ hiện hành, hoàn toàn không cần phải có thêm Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Nguyễn Văn Quyền

Chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải Ô Tô Việt Nam

Tính Trung

Author Since:  20 Tháng Năm, 2019

Leave a Reply