Phần 3.2 – Bình Định, quê hương tôi hay Quy Nhơn, lần trở lại (6-10/6/2020)- Ẩm thực đó đây


BÌNH ĐỊNH, QUÊ HƯƠNG TÔI

HAY QUI NHƠN, LẦN TRỞ LẠI

(6 – 10/6/2020)

ẨM THỰC CHUYẾN ĐI

Bánh canh chả cá Ngọc Liên – Qui Nhơn,

Món ăn đầu tiên phải nhắc đến ẩm thực Quy Nhơn là món bánh canh chả cá nổi tiếng ở đất võ. Món ăn này có thể dễ dàng được tìm thấy ở khắp các con phố. Điều đặc biệt của bánh canh chả cá hấp dẫn du khách khi du lịch đến Quy Nhơn đến từ những nguyên liệu làm nên món ăn này.Quán mà chúng tôi được các HDV ks Quy Nhơn giới thiệu là Ngọc Liên, cách ks Quy Nhơn chừng 1,5 km, trên đường Nguyện Huệ,nằm cạnh tòa hành chánh tỉnh /BV Qui Nhơn.

Ba nguyên liệu chính nhất phải kể đến là: bánh canh, chả và nước dùng.Chả cá ở đây được chế biến từ những con cá tươi ngon nhất mới vừa được đánh bắt từ biển về và được tẩm ướp gia vị rất kĩ. Sợi bánh nhìn trong và ăn dai dai lạ miệng được làm từ bột gạo pha bột mì.Nước dùng của món bánh canh chả cá là nước ninh phần đầu và xương cá sau khi lọc hết phần thịt ra, không giống với nước dùng của các nơi khác.Sau khi đã dùng bánh xèo tôm nhảy,trên đường trở lại ks, theo giới thiệu của cô Vân, anh em cầm lòng không đậu, nên đã ghé, thử làm mỗi người một tô và do thực sự ngon nên ai cũng hoàn thành nhiệm vụ! 

 

Những món còn phải tiêp tục thử mỗi khi Đến Bình Định

Bánh hỏi cháo lòng Diêu trì,

Đây là món mà theo chương trình tour vào ngày cuối cùng, chúng tôi sẽ bỏ buổi buffet sáng tại ks, chạy thẳng đến ngã ba Phú Tài để thưởng thức và vượt đèo Cù Mông để về Phú Yên! Nhưng giớ chót, do rút ngắm hành trình, chúng tôi trở về Nha Trang từ chiều thứ 3 nên đành chờ dịp khác!

Người dân Bình Định quê tôi ngày xưa nuôi nhiều heo lắm.Nhà nào cũng heo đầy chuồng, nhà nào ít cũng nuôi một hai con để tết làm thịt.Heo ngày xưa ăn cám, ăn rau lang, rau muống, được nấu cháo gạo tấm, gạo lừng cho ăn nên thịt heo thơm lắm.Heo ngày đó quý nên chỉ giỗ chạp hay tết nhất mới dám làm thịt một con.Thịt heo nuôi săn chắc, ăn ngon mà không bị quá tanh mùi thực phẩm như bây giờ! 

Không biết từ khi nào món “cháo lòng / bánh hỏi Bình Định” quê tôi đã trở thành món đặc sản, được nhiều người yêu thích đến như vậy.Nếu bạn chưa ăn, tôi có thể giới thiệu cho bạn rõ và đề nghị có dịp hãy thử một lần để nhớ:

Cháo: đặc điểm của cháo lòng Bình Định là được nấu rất lỏng. Cháo khi nấu xong có màu trắng của gạo, màu vàng của nghệ chứ không đen đen do màu huyết và đặc quánh.Không cần bỏ dầu mỡ gì, chỉ mỡ heo được tạo ra từ bộ lòng cũng đủ nhìn nồi cháo lấp lánh! Cháo chín người ta bỏ lá hành xắt nhuyễn hoặc vài cọng lá hẹ (đặc biệt ở đây,lá hẹ nhỏ nhưng rất thơm-ngon)! Vài chỗ còn cho thêm hành tím củ xắt lát phi thơm.Chỉ bao nhiêu đó cũng đủ thấy món cháo ngon rồi!

Lòng: thường người ta chọn bộ lòng của con heo vừa mới mổ. Bộ lòng kèm với tim, gan và cật.Tất cả rửa sạch sơ chế rồi bỏ chung vào nấu với gạo.Khi bộ lòng tim gan này vừa chín là vớt ra để nguội và xắt sắp lên dĩa.

Bánh hỏi: là loại bánh hỏi được làm đúng từ bằng bột gạo nên thơm ngon và khá dai.Bánh hỏi làm từng thớ nhỏ, mỏng vừa miệng ăn rồi trét lên đó tí dầu đã chín pha thêm hẹ loại nhỏ (hẹ lá nhỏ nhưng thơm ngon hơn hẹ to ở SG nhiều!)

 

Chim mía Phú Phong,

Đồng mía Tây Sơn ngút ngàn xanh, là chỗ cho chim mía sinh sôi, nảy nở, gọi mời du khách. Đó là loại chim nhỏ như chim sẻ, có màu lá úa thường xuất hiện vào những tháng cuối đông và đầu xuân. Loài chim này cư trú từng đàn trong đám lá mía, mỗi đàn dông tới cả ngàn con.Chỉ ở đây mới có loài chim này bởi vậy nên người ta gọi là chim mía Phú Phong, món đặc sản nức tiếng ưa chuộng của du khách đến thăm quê hương đất võ Tây Sơn.

Đồng mía ngút ngàn xanh, là chỗ cho chim mía sinh sôi, nảy nở

Muốn đánh bắt chim mía, người ta dùng cái trủ như tấm lưới, căng suốt bờ ruộng cao hơn ngọn mía, cầm sào dài đập vào lá mía, rung đuổi chim,cứ thế chúng chuyền dần vào trủ.Những chú chim mía béo tròn, được làm sạch sẽ và tẩm ướp gia vị rồi đem nướng hoặc rán vàng, cách chế biến cực kỳ đơn giản nhưng lại cho ra một món ăn ngon đến tuyệt vời. Khi nướng, nhanh tay lật trở để chim chín đều và không bị cháy.

Khi những chú chim mía chuyển sang màu vàng rộm, mỡ chảy xèo xèo trên bếp than và dậy mùi thơm là món chim nướng đã hoàn thành. Chim mía nướng nóng giòn chấm muối tiêu chanh, thơm ngon phải biết.Để làm món chiên thì thả chim vào chảo dầu phụng vừa sôi, chỉ mươi phút là chim vàng ngậy, xương thịt giòn tan. Cho chim ra đĩa, rắc thêm lên một ít hạt mè rang cho đẹp mắt.Muốn ăn đúng món chim mía, hãy tinh ý chọn những con đầu nhỏ, mỏ ngắn. Chim rán xong còn đủ cả đầu, mình, chân,cánh thơm lựng!

 

Gié Tây Sơn,

Gié bò là món ăn của người dân tộc Bana ở vùng cao thuộc hai huyện An Khê (Giáp Tây Sơn quê tôi, nay đã thuộc về tỉnh Gia Lai!) và Vĩnh Thạnh. Qua tiếp xúc, món ăn này được người đồng bằng thấy hợp khẩu vị nên đã phát triển trong cộng đồng người Kinh vùng đất Tây Sơn – Bình Định.

Gié bò là món ăn chế biến chủ yếu từ ruột non của bò.Khi mổ bò,chọn khúc ruột non ngon nhất,còn tươi, bên trong ruột còn chất nhầy trong xanh gọi là gié.Ruột phải tươi mới thì chất gié này không hôi, mới dùng được. Xổ phần gié trong ruột non ra, ruột để riêng. Ướp muối, tiêu, hành, tỏi băm nhỏ vào gié trong mươi phút cho ngấm.Sau đó đun nóng dầu, phi hành thơm,cho gié đã ướp vào xào cho chín. Đổ nước dừa tươi vào nấu sôi khoảng 15 phút, vớt kỹ bọt, để nguội lấy nước trong.

Ruột non, gan bò cắt đoạn hoặc miếng vuông, ướp với hành, tỏi, muối, tiêu. Phi nóng dầu xào cho gan và ruột dậy mùi thơm rồi để nguội.Phần huyết bò khi mới cắt tiết đem luộc chín, người địa phương hay lót miếng lá chuối dưới đáy nồi hoặc chảo để giữ cho huyết không dính đáy nồi, tránh bị sít.Huyết cũng được cắt cỡ như miếng gan. Tất cả các nguyên liệu trên được cho vào nồi nấu chung với nước gié.

Quan trọng ở giai đoạn này là cho vào những gia vị tạo hương để khử mùi hăng của gié.Đó là sả cây, gừng nướng cho thơm, tai vị đập dập cho vào nồi nấu sôi khoảng 15 phút.Sau đó cho thêm lá giang rửa sạch, vò nát vào sẽ làm cho nồi gié có vị chua. Nêm gia vị lại cho vừa ăn là được.Theo người địa phương, ăn gié đúng gu phải cho thêm vài giọt mật bò vào nồi cho có vị hơi nhân nhẫn, đắng đậm mới ngon.

Múc gié ra tô, trên mặt có vài lát củ hành,rau thơm.Dọn thêm bún tươi, rau sống và bánh tráng mè nướng.Tô gié nóng nghi ngút khói,nước gié màu nâu hơi có chút ánh xanh.Mùi cay nồng của ớt, gừng, sả, vị chua của lá giang, vị đắng nhẹ của gié ăn với bún và rau sống thật hợp.Đây là món ăn độc đáo của vùng Tây Sơn cần được lưu giữ.

“…Rất lạ lùng
Rất quyến rũ
Tây Sơn
Quê hương người anh hùng áo vải
Nơi chén rượu nhấp môi nồng đến cháy
Nơi quanh năm chim mía gọi nhau về
Nơi anh có em và có bạn bè
Nơi nước sông Côn không bao giờ ngừng chảy
Như nhớ thương của anh đi về nơi đó mãi
Xin một phần đời ở lại với Tây Sơn…”
(Thuận Hữu)

 

Cua Huỳnh đế,

Món cua huỳnh đế hay hoàng đế (có lẽ do màu đỏ sắc sảo của ông hoàng bà chúa?) có thể gọi là món đặc sản biển nổi tiếng nhất nhì Bình Định
Cua đế là loại cua có lớp mai dày, có màu đỏ rực như màu của áo vua chúa, trên người phủ những lớp gai li ti xuôi theo thân, phần càng lớn và sắc là đặc điểm khác biệt so với các loại cua khác.

Các món ăn có thể chế biến từ cua huỳnh đế có thể kể đến là hấp, luộc, rang (rang me, rang muối) hoặc nướng.Nhưng món ăn mà du khách và người dân thích nhất vẫn là hấp lên và ăn cùng muối tiêu, hoặc nấu cháo.

Bánh ít lá gai,

Bánh ít lá gai là món tráng miệng đặc biệt, thức quà được nhiều du khách chọn mua về biếu người thân.Bánh mềm, dẻo, ngọt vừa, được làm từ lá gai, đậu xanh, dừa, gừng.Cách thưởng thức đúng chuẩn là ăn chậm rãi từng miếng một để cảm nhận từ từ hương vị thơm ngon.Bạn có thể ghé cửa hàng nổi tiếng trên đường Chương Dương để mua về làm quà. Giá: 3.500 – 4,500 đồng/chiếc và để nhớ về chuyến đi về Bình Định quê tôi, nên tôi nhờ đứa cháu tậu cho các bạn trong đoàn mỗi người (hộ)một phần quà bánh ít lá gai, để về tưởng thức và hiểu thêm câu: “Muốn ăn bánh ít lá gai/Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”!

Bò Lạc cảnh – Nha Trang,

Đây là thương hiệu nổi tiếng từ trước năm 1975! Nên hễ có dịp ghé qua Nha Trang, là chúng tôi luôn cố gắng đến để có dịp thêm một lần thưởng thức món ăn quen thuộc & nổi tiếng này! Các bạn đi tour Nha Trang, có thể tìm đến địa chỉ 44 – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nha Trang, Khánh Hòa (cạnh bờ biển) là gặp! nhưng nay đã chuyển sang số 77 – Nguyện Bỉnh Khiêm tức đối diện với ngôi nhà cũ!

Đây là quán ăn có tuổi đời hoạt động lên đến 50 năm (tức nửa thế kỷ) và là một trong những địa chỉ được các tín đồ ẩm thực yêu thích nhất! Theo các chuyên gia ẩm thực, thịt bò sau khi được rửa sạch,cắt thành miếng nhỏ vừa ăn và tẩm ướp với hơn 10 loại gia vị theo công thức gia truyền. Một trong những gia vị quyết định sự ngon của món ăn chính là mật ong với màu sắc hấp dẫn. Chính vì sự kết hợp độc đáo đó đã làm nên món bò nướng Lạc Cảnh Nha Trang ai ăn rồi cũng ghiền, khó quên!

Món bò nướng Lạc Cảnh Nha Trang thường được ăn kèm với rau sống gồm:  xà lách, cà chua, hành tây, hành ngò, dưa leo kèm với muối ớt trộn chanh nhưng có điều rất dở là kêu thêm rau, là phải tính thêm tiền!

Thực khách có thể gọi thêm bánh tráng hoặc bánh mỳ để ăn kèm với thịt bò nướng.Những món ăn kèm này có tác dụng tăng thêm gia vị cho món ăn chính và giảm độ ngán khi dùng thịt bò! 

Kỳ này cũng vậy, chúng tôi gọi món chính là bò lạc cảnh; món kế tiếp là bò mỡ chài nướng cuốn bánh tráng (Đem bánh ra trễ, trong lúc chúng tôi đói, nên đã ăn gần hết)! món thứ ba là chả đùm lương (thay cho  bò!), món thư tư là cháo bò (không chuyên nên không ngon bang món cháo bò thuộc Bò Lapagode – SG).

 Bị chê nhất, là tuy đã chuyển sang một ngôi nhà 4 tầng đồ sộ, nhưng do thiết kế hệ thống hút khói kém, nên thực khách bị mùi khói nồng nặc làm cay mắt thực khách,ăn mất ngon và đúng như triết 1ý ẩm thực của thi sĩ Tản Đà: “Đồ ăn ngon, giờ ăn ngon, người ngồi cạnh ăn ngon….nhưng chổ ngồi ăn không ngon nên ăn mất ngon”!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *