TLPV 22 – Thêm lựa chọn tới sân bay, bến xe


THÊM LỰA CHỌN TỚI SÂN BAY, BẾN XE

 

Hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất, Bến xe Miền Đông mới và ngược lại được phục vụ xe trung chuyển với chi phí hợp lý, không lo ngại tình trạng “chặt chém” bởi các phương tiện khác

Đưa con về quê chơi với ông bà dịp nghỉ hè, chị Trần Thanh Xuân, nhà ở quận Gò Vấp, TP HCM, đặt taxi đến Bến xe Miền Đông mới ở TP Thủ Đức để mua vé về Phan Thiết.

 

Mong những chuyến xe thuận tiện

Chị Xuân kể chi phí đi taxi trên 200.000 đồng, khá xa xỉ so với thu nhập bản thân. “Nếu bến xe tổ chức phương tiện trung chuyển để thuận tiện và tiết kiệm chi phí đi lại thì thuận lợi cho những người xa bến như tôi” – chị Xuân đánh giá.

Tại Bến xe Miền Đông mới, ghi nhận cho thấy ít doanh nghiệp bố trí xe trung chuyển phục vụ hành khách đi hãng của mình. Ngoại trừ Phương Trang có lượng xe trung chuyển dồi dào, hãng xe Kumho Samco có một vài xe, còn lại hành khách tự di chuyển. Nhiều người thừa nhận thực trạng này khiến họ ngại đến vì chọn xe ngoài bến tiện hơn.

Hành khách đón xe tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM)

Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, những ngày đầu tháng 6 luôn nhộn nhịp bởi lượng khách đi du lịch, đưa con về quê. Phần lớn khách mang hành lý cồng kềnh thường chọn đi taxi, xe công nghệ. Ai không nhiều hành lý thì thường chọn xe buýt.

Khệ nệ kéo vali sau chuyến du lịch Nha Trang 3 ngày cùng gia đình, anh Nguyễn Văn Tấn (huyện Hóc Môn) cho biết vừa đến sân bay đã nhanh chóng đặt taxi 7 chỗ để về nhà. Theo anh, đa số khách đi, đến sân bay đều mang hành lý lỉnh kỉnh, gia đình anh cũng vậy nên chọn đi taxi dù chi phí không rẻ.

Giống chị Xuân, anh Tấn nói nếu có xe trung chuyển thì thêm phương án tốt để lựa chọn di chuyển.

 

Hạn chế nạn chèo kéo, “chặt chém”

Đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết 2 đề án tổ chức xe trung chuyển khách từ sân bay Tân Sơn Nhất và Bến xe Miền Đông mới đang được xem xét, trình UBND TP HCM thông qua. Nếu thuận lợi sẽ triển khai thí điểm trong quý III.

Đầu tiên, đề án thí điểm cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến các trung tâm đô thị, trung tâm du lịch tại TP HCM do Công ty Liên doanh Vận chuyển quốc tế Hải Vân – chi nhánh TP HCM thực hiện.

 

Khắc phục bất cập việc trung chuyển khách đi tàu cao tốc TP HCM – Côn Đảo

Theo đề án, Công ty Hải Vân đưa 14 tuyến xe kết nối hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất đến TP Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 7, quận 8, quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh và qua các quận 1, 3, 4, quận 5, 10, 11, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Mỗi tuyến có 12 phương tiện 16 chỗ phục vụ 24/24 giờ.

Đại diện Sở GTVT nhận định 14 tuyến trên tạo thêm lựa chọn đi lại cho người dân khi tới và rời sân bay Tân Sơn Nhất, hạn chế tình trạng taxi “dù” chèo kéo, “chặt chém”, nhất là những đợt cao điểm lễ, Tết. Hiện Sở GTVT đã thông qua 40 vị trí đón, trả khách theo đề xuất của Công ty Hải Vân, sau khi thống nhất phương thức tổ chức, công ty này sẽ triển khai.

Tiếp theo là đề án tiếp chuyển hành khách đi, đến bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn TP HCM do Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) thực hiện.

Nói về đề án, ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Ban Bến xe Miền Đông mới, cho biết đơn vị đứng ra tổ chức xe trung chuyển, kết nối với các nhà xe trong bến để tăng số lượng phương tiện phục vụ. Xe trung chuyển phục vụ khách từ 0 giờ đến 24 giờ mỗi ngày. Thời gian giãn cách 30 phút/chuyến đối với giờ thấp điểm và 15 phút/chuyến khi cao điểm.

Phí đi xe trung chuyển được các nhà xe cân đối tính vào giá cước. Phí này cao hơn xe buýt nhưng thấp hơn xe ôm công nghệ, không ảnh hưởng nhiều đến giá cước để khuyến khích hành khách đến bến xe.

“Từ ngày 1-4-2024, hãng xe Phương Trang đã ngừng thực hiện thí điểm xe trung chuyển phục vụ khách miễn phí từ Bến xe Miền Đông mới, thay vào đó, hành khách mua vé của nhà xe này mới được phục vụ xe trung chuyển. Do đó, triển khai sớm phương án trên sẽ giúp hành khách thuận tiện, khuyến khích họ vào bến xe thay vì chọn phương tiện ngoài bến” – ông Hải nhận định.

 

Làm tốt sẽ được lựa chọn

Nhận định về việc tổ chức xe trung chuyển cho hành khách, ông Lê Trung Tính – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và ô tô du lịch TP HCM – cho rằng rất cần thiết. Tuy nhiên khi triển khai, các doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động xe trung chuyển như điểm đón, phương tiện, chi phí, giờ giấc… không để biến tướng thành xe “dù”.

Ngoài ra, theo ông Tính, xe trung chuyển phục vụ tại sân bay cần lưu ý có không gian để hành lý và phải đúng giờ vì nếu trễ thì ảnh hưởng lớn đến chuyến bay của hành khách.

Cho rằng hoạt động xe trung chuyển là hoạt động không cần trợ giá của ngân sách, doanh nghiệp đưa phương tiện vào hoạt động, tuân thủ quy định pháp luật của loại hình này, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nêu ý kiến thành phố không cần thiết phải thí điểm. Thay vào đó, nên mạnh dạn giao doanh nghiệp vận tải làm. Khi doanh nghiệp phục vụ tốt về giá cả, chất lượng, thời gian… sẽ thu hút khách, duy trì được hoạt động và ngược lại.

 

Cần thuận tiện, hợp lý

Chia sẻ lý do lựa chọn xe ngoài bến, anh Trần Tuấn Khởi (quận Bình Thạnh) kể để đi Quảng Nam, anh thường chọn nhà xe đóng tại Quốc lộ 13 và chỉ mất 30.000 đồng tiền đi xe ôm ra đó. Còn nếu đón xe đến Bến xe Miền Đông mới thì phải bỏ ra hơn 100.000 đồng.

“Nếu Bến xe Miền Đông mới có xe trung chuyển đón khách tại các vị trí thuận tiện, chi phí hợp lý, tôi sẽ chọn đi nhà xe của bến bởi vì đi xe trong bến vẫn an tâm hơn” – anh Khởi nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *