Ùn tắc đăng kiểm: Cần có giải pháp căn cơ để tháo gỡ cho doanh nghiệp


Sau hàng loạt các giải pháp nhằm giảm tải cho ngành đăng kiểm như: tăng giờ làm, đăng kí qua app… Song, nhiều doanh nghiệp vẫn đứng ngồi không yên vì hàng loạt phương tiện phải “đắp chiếu”.

Đáng chú ý, mặc dù Bộ GTVT đã chính thức cho phép giãn chu kỳ đăng kiểm cho xe cá nhân dưới 9 chỗ đến 31/12/2023, tuy nhiên, theo khảo sát của PV Diễn đàn Doanh nghiệp tại các trung tâm đăng kiểm, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Hàng chục nghìn phương tiện vận tải, kinh doanh dịch vụ của người dân và doanh nghiệp vẫn phải xếp hàng chờ lịch đăng kiểm, khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên.

Sau hàng loạt các giải pháp nhằm giảm tải cho ngành đăng kiểm như: tăng giờ làm, tăng lượng xe kiểm định trong ngày, đăng kí qua app… Song, nhiều doanh nghiệp vẫn đứng ngồi không yên vì hàng loạt phương tiện phải “đắp chiếu” vì hết hạn đăng kiểm.

Ùn tắc đăng kiểm điến bao giờ?

Ghi nhận thực tế, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng kèm theo những bức xúc khi hàng loạt phương tiện phải “đắp chiếu” và nằm trong bãi chờ đến lượt đăng kiểm trong suốt 2 tháng qua nhưng vẫn chưa tới lượt. Đáng nói, chia sẻ với báo chí, các doanh nghiệp đều có một lỗi lo chung là “nếu tình trạng này kéo dài thì buộc họ phải cho nhân viên, người lao động nghỉ việc, ngưng hoạt động và đền bù hợp đồng vận tải đã ký kết”.

Là đại diện cho một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá, chưa bao giờ ông Tôn Thất Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty Transimex Logistics cảm thấy mệt mỏi khi nhắc đến cụm từ đăng kiểm. Doanh nghiệp của ông Hưng có tổng cộng 30 đầu xe container nhưng đã hết hạn đăng kiểm từ trong tháng 4 và tháng 5. Dù ông Hưng chạy đôn chạy đáo tới nhiều trung tâm đăng kiểm, nhưng hơn 1 tháng nay, số phương tiện này vẫn phải nằm bãi vì không nơi nào sắp xếp được.

“Những thiệt hại lớn nhất đối với doanh nghiệp trong lúc này chính là phần định phí. Khi doanh nghiệp mua xe thì có phần phí khấu hao cho rơ – mooc hay khấu hao cho đầu xe. Chúng tôi tính bình quân một ngày mất khoảng 1,5 triệu tiền bến bãi, lái xe… Nếu như thế, cứ một ngày xe nằm không mà không có một đồng doanh thu nào để bù vào là điều rất nguy hiểm”, ông Hưng lo lắng.

Tương tự, ông Lâm Đại Vinh – Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh, cho biết: Thời điểm hiện nay, mặc dù công ty đã tìm nhiều giải pháp như đặt trên app, đi đến trung tâm đăng kiểm, thậm chí đi đến các tỉnh thành lân cận hoặc xa hơn để tìm những trung tâm đăng kiểm để có thể được kiểm định xe, nhưng rất tiếc là không có chỗ nào có thể đặt được lịch để đăng kiểm vì các nơi đều quá tải.

Ông Lâm Đại Vinh – Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh: Doanh nghiệp thậm chí phải đi đến các tỉnh thành lân cận hoặc xa hơn để tìm những trung tâm đăng kiểm để có thể kiểm định xe. Song, rất tiếc là không có chỗ nào có thể đặt được lịch để đăng kiểm vì các nơi đều quá tải.

Theo số liệu thống kê, hiện TP.HCM có khoảng 860.000 xe ô tô các loại, trong đó có gần 40% là xe cá nhân (được gia hạn đăng kiểm đến 31/12), còn lại là xe kinh doanh dịch vụ, vận tải. Riêng số xe đầu kéo container là khoảng hơn 10.000 nghìn xe. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 6/2023, toàn thành phố có 17/19 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với 36 dây chuyền kiểm định, công suất đáp ứng được trên 58% nên lịch đăng ký qua app đã kín đến cuối tháng 6/2023.

Liên quan đến những áp lực đăng kiểm cho phương tiện vận tải của doanh nghiệp trên địa bàn TP, chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Ngọc Hải – Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Trong thời gian qua, khi mà một số trung tâm đăng kiểm bị dừng hoạt động thì số lượng dây chuyền có thời điểm chỉ đạt chưa tới 50%. Từ những thiếu hụt trên đã tạo rất nhiều áp lực cho các trung tâm đăng kiểm còn lại, dẫn đến thời hạn đăng kiểm của các doanh nghiệp vận tại cũng như người dân có xe cần đăng kiểm kéo dài thời gian và phải chờ đợi.

>> Vẫn loay hoay bài toán ùn tắc đăng kiểm

Cần giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp

Ở góc độ Hiệp hội, ông Bùi Văn Quản – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hoá TP.HCM, nhận định: Theo như tổng kết của ngành đăng kiểm thì hiện các trung tâm đang quá tải lên tới 50%. Như vậy có nghĩa là ngành đăng kiểm chỉ đáp ứng 50%, còn lại là bị trễ hạn đăng kiểm.

“Hậu quả để lại trong lúc này chính là người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu. Doanh nghiệp thiệt thòi thì đã xảy ra rồi, nhưng vấn đề cốt lõi là lúc này Nhà nước phải có điều chỉnh như thế nào để tránh gây ra rủi ro cho doanh nghiệp?”, ông Quản đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Quản, hơn một năm qua, dù ngành giao thông cũng như các Trung tâm đăng kiểm áp dụng nhiều giải pháp, song, đến nay chỉ mang tính tạm thời, đối phó, chứ chưa giải quyết căn cơ về tình trạng ùn ứ. Tình trạng quá tải đăng kiểm vẫn tiếp diễn và ngày càng trầm trọng hơn. Người dân và doanh nghiệp vẫn là đối tượng chịu thiệt hại cuối cùng.

Nêu những bất cập về các giải pháp cũng như thông tư hướng dẫn về đăng kiểm, ông Lê Trung Tính – Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, chia sẻ: trước tiên tôi đánh giá cao Bộ trưởng Bộ GTVT khi trả lời thẳng thắn tại phiên chất vấn trước Quốc hội, liên quan tới các giải pháp giảm áp lực đăng kiểm, trong đó có việc giãn thời gian đăng kiểm cho các phương tiện dưới 9 chỗ trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được các giải pháp căn cơ để giúp cho các doanh nghiệp vận tải, những phương tiện vận tải đã hết hạn và đang phải nằm chờ suốt mấy tháng qua nhưng vẫn chưa tới lượt. Và đây mới chính là bài toán lớn mà Bộ GTVT cần đi tìm lời giải.

ÔngLê Trung Tính – Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM: trước mắt, Bộ GTVT phải khẩn trương cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô được kiểm định xe nhằm giảm tải cho trung tâm đăng kiểm hiện nay.

Bên cạnh đó, những tưởng Thông tư 02/2023/TT-BGTVT là giải pháp giảm áp lực đăng kiểm cho người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, trong Thông tư 02 lại để lại nhiều bất cập khiến người dân và doanh nghiệp vẫn khó thực hiện. Đơn cử, tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BGTVT quy định Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Tem kiểm định bị mất, hư hỏng thì chủ xe phải đưa xe đi kiểm định lại để cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.

“Như vậy, có nghĩa là tất cả các trường hợp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định bị mất, hư hỏng thì chủ xe vẫn phải mang xe đến các trung tâm đăng kiểm trong khi các trung tâm đăng kiểm vẫn đang quá tải. Rõ ràng điều này không có nghĩa lý gì, và không thể nói đây là giải pháp. Đây chính là một trong những bất cập tại Thông tư 02”, ông Tính nói.

Từ những phân tích trên, vị Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM đề xuất, để có giải pháp căn cơ trước mắt Bộ GTVT phải nghiên cứu để sửa đổi Thông tư 02. Bên cạnh đó, khẩn trương thực hiện việc thí điểm mô hình xã hội hoá về việc cho phép các doanh nghiệp, các cơ sở sửa sữa xe cơ giới đủ điều kiện được cấp phép thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm nhằm giảm áp lực cho các trung tâm đăng kiểm hiện hữu.  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *