Mức thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư nên vừa phải


(PLO)- Bạn đọc cho rằng việc thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư là hợp lý nhưng cần xem xét mức thu sao cho phù hợp.

Trong tuần qua, thông tin về việc Bộ GTVT đang lấy ý kiến của các bộ, ngành để xây dựng phương án thu phí chín đoạn, tuyến cao tốc được đầu tư từ ngân sách nhà nước đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Một số bạn đọc cho rằng việc thu phí là phù hợp, nhằm có thêm kinh phí đầu tư các tuyến cao tốc khác. Tuy nhiên, một số bạn đọc cũng đề nghị các ngành chức năng cần cân nhắc kỹ về mức thu sao cho phù hợp trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.

Thu phí cao tốc là hợp lý

Bạn đọc Châu Lam bình luận: “Theo tôi, nên thu phí các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư để lấy tiền đó tiếp tục đầu tư các đường cao tốc khác. Để đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai, các bộ, ngành liên quan cần có phương án xây dựng các tuyến cao tốc trọng điểm trên toàn quốc. Có như vậy, nước ta mới sánh vai cùng các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản…”.

“Thu phí đường cao tốc là cần thiết. Bởi hiện nay các tuyến cao tốc đều là đường mới, cũng có quốc lộ, tỉnh lộ song song, người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn tuyến không thu phí để di chuyển. Ai muốn đi nhanh hơn, hay chọn đường đẹp hơn thì chọn cao tốc. Chi phí để bảo trì đường cao tốc rất lớn, nếu không thu phí sẽ như cao tốc TP.HCM – Trung Lương, xe đi vào quá nhiều làm đường xuống cấp nhanh, làm giảm hiệu quả đầu tư. Hơn nữa, thu phí để tạo nguồn đầu tư mở rộng, sửa chữa các tuyến đường khác” – bạn đọc Nguyễn Quang ý kiến.

Bạn đọc Nguyễn Nguyên nêu: “Theo tôi, đường cao tốc Bắc – Nam có đoạn do Nhà nước đầu tư 100% bằng ngân sách, có đoạn hợp tác công tư do doanh nghiệp cùng bỏ vốn đầu tư. Tuyến cao tốc do doanh nghiệp cùng bỏ vốn đầu tư thì có phương án thu phí cho doanh nghiệp thu hồi phần vốn của họ và có lợi nhuận trong một thời hạn nào đó. Đoạn 100% ngân sách nếu có thu phí, đề xuất mức thu đảm bảo mục tiêu: Duy tu bảo trì đoạn đường đó; phần còn lại Nhà nước dùng để trả cho nhà đầu tư của các đoạn tư nhân bỏ tiền ra làm để rút ngắn thời hạn thu phí của họ hoặc dùng để đầu tư nâng cấp”.

Nên có mức thu phí phù hợp

“Trong hơn 10 năm qua, người dân rất vui khi đường sá giao thông được cải thiện và nâng cấp ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, số tiền thu phí tại các tuyến cao tốc tư nhân như hiện nay là khá cao so với thu nhập của người dân. Việc thu phí cao sẽ đẩy giá thành sản xuất, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tình hình kinh tế hiện nay chưa hết khó khăn và còn nhiều tiềm ẩn suy thoái của thế giới. Vì thế, chúng ta cần cân nhắc về mức phí sao cho phù hợp để việc đầu tư các tuyến cao tốc của tư nhân lẫn Nhà nước đạt hiệu quả ổn định” – bạn đọc Mạnh Hùng nêu.

Bạn đọc Nguyễn Dân chia sẻ: “Tôi cũng ủng hộ việc thu phí nhưng trong thời gian thu phí thì nên xem xét bỏ phí sử dụng đường bộ khi đi đăng kiểm xe. Hiện nay, chủ ô tô phải đóng các loại phí trên mà còn phải đóng thêm phí khi đi vào đường cao tốc thì người dân và doanh nghiệp sẽ rất khó khăn”.

“Tôi nghĩ khi thu phí phải tính toán sao cho có mức thu hợp lý để vừa có lợi cho người dân và doanh nghiệp mà Nhà nước lại có nguồn thu để phát triển nền kinh tế của đất nước” – bạn đọc Phạm Phước bình luận.

Cần hoàn thiện pháp lý trước khi thu phí

Với đề xuất thu phí chín đoạn, tuyến cao tốc được đầu tư từ ngân sách nhà nước thì khối doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải rất hoan nghênh. Đây cũng là cú hích giúp ngành vận tải hoạt động được thuận lợi và kinh tế hơn nữa. Bởi chín đoạn đường cao tốc này được đưa vào hoạt động thì giới vận tải được hưởng lợi như tiết kiệm nhiên liệu, chi phí vận tải.

Về nguyên tắc đã bỏ tiền ra đầu tư thì phải thu hồi vốn và đây là nguyên tắc chung của bất cứ dự án nào. Vì thế, Bộ GTVT đặt vấn đề thu phí là hợp lý.

Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh pháp luật thì đối với nhà đầu tư bỏ tiền ra để đầu tư các công trình công cộng thì phải thu hồi vốn như là BOT. Tuy nhiên, đối với dự án đầu tư lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, tức nguồn thuế của người dân đóng góp về nguyên lý sẽ không phải thu khoản nào cả.

Do nguồn kinh phí Nhà nước eo hẹp, chẳng hạn như đây là nguồn kích cầu để làm cho nền kinh tế phát triển sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì chúng ta có thể xem xét để thu hồi.

Vì việc thu phí đối với nguồn vốn của Nhà nước chưa được pháp luật quy định nên tôi cho rằng cách mà Bộ GTVT đặt vấn đề xin ý kiến trước khi cho thí điểm là phù hợp.

Để việc thu phí hợp lý và đúng quy định thì Bộ GTVT nên cẩn trọng, xin ý kiến của cơ quan lập pháp hay cơ quan có thẩm quyền trước khi thực hiện.

Mặt khác, việc thu phí không nên thực hiện ngay mà để một thời điểm khác bởi hiện nay ngành vận tải đang gặp khó khăn vì vừa trải qua ba năm đại dịch COVID-19 chưa phục hồi kịp.

Riêng về mức thu phải vừa phải để vừa sức chịu đựng của doanh nghiệp và có thể kéo dài thời gian thu để mức thu thấp xuống.

Ông LÊ TRUNG TÍNH,
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *